Thần dược hay độc dược?

10:41 | 21/05/2024

1,838 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, những kẻ lừa đảo nắm được tâm lý người mắc bệnh nặng, chữa lâu không khỏi, có bệnh thì vái tứ phương, cho nên dễ tin vào những lời lừa gạt về loại “thần dược” nào đó của chuyên gia rởm, bệnh nhân rởm. Khi biết mình bị lừa thì đã quá muộn, tiền mất tật mang.
Thần dược hay độc dược?
Ảnh minh họa

Tôi vừa đọc một cuốn sách thú vị về chăm sóc sức khỏe. Đó là cuốn “Dinh dưỡng học bị thất truyền” của Tiến sĩ, bác sĩ Vương Đào. Ông người Trung Quốc, du học và công tác nhiều năm tại Nhật Bản. Theo Vương Đào, bốn chữ “thực dược đồng nguyên”, nghĩa là, kể từ ngày con người há miệng ăn cơm là dinh dưỡng học ra đời, đương nhiên y học cũng xuất hiện kể từ thời khắc đó, vì thực phẩm cũng là thuốc.

Điều này ông cha ta nói đơn giản hơn: “dĩ thực vi tiên”, “cơm tẻ là mẹ ruột”, “ăn được ngủ được là tiên”, “bệnh từ mồm mà vào”... Biết ăn đúng, ăn đủ chất dinh dưỡng là yếu tố đầu tiên giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh, chống lại bệnh tật. Đồng thời dinh dưỡng chính là nguồn thuốc quý để phòng và chữa bệnh.

Thế nhưng phần lớn chúng ta chưa hiểu đầy đủ về dinh dưỡng và thuốc chữa bệnh, nguyên nhân gây bệnh. Phần lớn chưa chú ý phòng bệnh mà chỉ đến khi ốm mệt mới đi khám, chữa bệnh, với câu nói quen thuộc: “Tôi bị ốm rồi”. Thật ra, vẫn theo bác sĩ Vương Đào, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một số liệu đáng quan ngại: trên thế giới này, số người ở trạng thái khỏe mạnh chỉ chiếm 5%, số người mắc bệnh là 20%, 75% còn lại là “những người có sức khỏe thứ cấp”. Số đông này ở trạng thái giữa khỏe mạnh và bệnh tật, còn gọi là “hội chứng suy nhược mạn tính”, hay “trạng thái thứ ba”. Người ở trạng thái này cần phải được khám bệnh và điều trị sớm.

Đây chính là mảnh đất tốt để những kẻ lừa đảo, tung ra những bí truyền chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Thời gian gần đây, mở Youtube, TikTok, Facebook, Zalo... ta gặp nhan nhản những lời mời chào mua thuốc đặc hiệu, chữa bệnh nan y, “chữa khắp nơi không đỡ thì đến đây tôi chữa”... Từ ung thư, xơ gan cổ trướng đến tim mạch, tiểu đường... các ông thầy thuốc tây y, bà lang vườn, đều cam đoan chữa khỏi. Băng ghi hình nào cũng có các văn nghệ sĩ và cả những “diễn viên” trong vai người mắc bệnh hiểm nghèo vừa “từ cõi chết trở về nhờ gặp thầy gặp thuốc”. Có người thể hiện vai diễn như thật trong bốn, năm trường hợp, mắc bệnh lạ, bệnh trọng, cũng sụt sùi than khóc khi người nhà đã chuẩn bị lo hậu sự thì may quá gặp “ân nhân”.

Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã được những kẻ lừa đảo khai thác triệt để. Họ lừa giỏi đến mức hàng trăm hàng nghìn người tin theo một cách dại dột. Đầu tháng 5 vừa qua có một ông lang rởm ở xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội đã bị vạch mặt, cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý ông này vì bán “thần dược” mà hóa ra “độc dược” làm chết nhiều người, hầu hết là những người mắc bệnh nan y.

Ông thầy thuốc rởm vốn là thợ sửa chữa đồ điện, có cái tên khá hay ho Nguyễn Tiến Nam. Nam “ba không” (không bằng cấp, không chứng chỉ, cơ sở không có giấy phép) đã ngang nhiên chữa bệnh bằng cách cho uống nước lấy trong bình máy lọc, và nhịn ăn 15-20 ngày. Nam lập ra một kênh TikTok có tên “Chữa bệnh bằng nước”. Cái kênh mờ ám đã khiến nhiều người như bị “ma rủ” tìm đến chữa bệnh, vì được giới thiệu, ung thư giai đoạn cuối cũng khỏi bệnh (!). Có người ở tận các tỉnh vùng núi cao về đây ăn chực nằm chờ.

“Thần dược” được lấy từ máy lọc nước và hòa vào đó một ít muối. Người bệnh chỉ việc cố sức uống hết khoảng 3 đến 4 ca (gần 2 lít nước) trong vòng buổi sáng. Uống xong, xin mời trèo lên máy rung lắc để thuốc ngấm vào khắp lục phủ ngũ tạng. Sau khi kết thúc “liệu trình” 10 đến 15 ngày, người nhà bệnh nhân được thuyết phục mua một chiếc máy lọc nước iON kiềm cùng chiếc máy rung lắc, giá 1,5 triệu đồng.

Ông Nam thường khoe những người bệnh nặng như ung thư giai đoạn cuối, xơ gan, u tuyến giáp... được ông cứu sống và kết nghĩa bố con, anh em. Đương nhiên, ông lờ tịt những trường hợp chết oan, lẽ ra sẽ được cứu sống nếu đến các bệnh viện, chỉ vì phải nhịn đói.

Chúng tôi có hỏi các bác sĩ, chuyên gia về nước iON kiềm. Được biết đây là loại nước uống tốt, có tính kiềm tự nhiên với độ pH khoảng từ 8.5 - 9.5 và được tạo ra từ công nghệ điện giải. Loại nước này chứa nhiều khoáng chất tự nhiên có lợi, cấu trúc phân tử nước siêu nhỏ và giàu hydro, có khả năng chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ, tăng cường sức khỏe hiệu quả. Lợi ích và công dụng của iON kiềm không chỉ được công nhận bởi người dùng mà còn được kiểm định bởi tổ chức uy tín, hàng nghìn chuyên gia, bác sĩ danh tiếng tại Nhật Bản và trên thế giới. Vì thế, tại Đạo luật Dược phẩm và Thiết bị y tế Nhật Bản năm 2005, chính quyền nước này đã phê duyệt tác dụng của nước iON kiềm đối với đường tiêu hóa.

Và chỉ có thế. Nước kiềm có tác dụng đối với đường tiêu hóa chứ không phải là “thần dược”. Hai nữa, đó là loại iON được bảo đảm bởi nhà sản xuất Nhật Bản, chứ không phải là từ cái thùng nước lọc pha muối của một ông lang vườn. Liều và bất lương đến thế là cùng!

Hiện tại có rất nhiều ý kiến phản đối về cách điều trị phản khoa học và vô lương tâm này. Khi có người bệnh lo lắng hỏi, Nam thường nói tỉnh bơ: “15 ngày không ăn sẽ hơi mệt lả đi một tí, nhưng... không chết được. Huyết áp cao 150 - 200 cũng là bình thường, vì thuốc đang có tác dụng (!).

Trường hợp của thầy thuốc rởm Nguyễn Tiến Nam tuy không phải là đầu tiên, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Người bị lừa đảo không chỉ tốn kém tiền của, thời giờ mà còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Kẻ lừa đảo nắm được tâm lý người bệnh và người nhà, có bệnh thì vái tứ phương nên dễ tin vào những lời lừa gạt của chuyên gia rởm, bệnh nhân rởm. Khi biết mình bị lừa thì đã quá muộn, không dám kể với ai, “bụng làm dạ chịu”.

Mong chính quyền địa phương, ngành y tế, các cơ quan quản lý công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng tập trung quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh. Nhưng quan trọng nhất, chủ động nhất là mỗi người bệnh hãy là người thông thái, hãy nhớ lời thầy thuốc khuyên “bác sĩ tốt nhất là chính mình”; hãy tự biết chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Và nếu không may mắc bệnh nặng, tốt nhất là đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Hải Đường