Công tác phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư:

Lỗ hổng đáng sợ!

07:00 | 18/06/2015

1,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, những vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra, đặc biệt ở các khu dân cư đông đúc, gây hậu quả nặng nề: chết người, thiệt hại về tài sản. Mặc dù đã được cảnh báo, khuyến cáo nhiều nhưng dường như những cuộc “viếng thăm của bà hỏa” ở các khu này vẫn xảy ra. Nguyên nhân vì sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Trung Hiếu, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 3, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội.

Năng lượng Mới số 431

PV: Thưa ông, thật đau lòng khi một lần nữa dư luận lại phải chứng kiến vụ hỏa hoạn nữa cướp đi sinh mạng của 5 người trong cùng một gia đình tại Hoàng Mai, Hà Nội. Hình như những vụ như thế này đang ngày càng nhiều hơn thì phải?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Theo thống kê, những tháng đầu năm tại địa bàn Hà Nội đã xảy ra 86 vụ cháy, trong đó có 52 vụ xảy ra ở nội thành, 34 vụ ở ngoại thành. Trong đó cũng có 34 vụ là cháy ở nhà dân. Hậu quả của những vụ này là 2 người chết, 9 người bị thương. Tài sản thiệt hại khoảng 17,6 tỉ đồng. So với cùng năm ngoái là giảm 20%. Như vậy về con số là giảm đi chứ không phải tăng lên như nhiều người tưởng. Và những vụ đó chúng tôi đã phân tích rất kỹ các nguyên nhân.

Lỗ hổng đáng sợ!

Trung tá Phạm Trung Hiếu

PV: Vậy những nguyên nhân đó là gì, thưa ông?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Nguyên nhân chủ yếu được phân tích là do chập điện (35 vụ), đun nấu (5 vụ), sử dụng nguồn nhiệt, hút thuốc lá… Và chập điện phần lớn là bắt đầu từ hệ thống điện trong gia đình bị xuống cấp hoặc không bị xuống cấp hệ thống này thì do các thiết bị tiêu thụ điện quá cao so với khả năng chịu đựng của hệ thống điện đã dẫn đến quá tải gây chập cháy. Quên không ngắt điện các thiết bị tiêu thụ điện cũng là nguyên nhân gây cháy bắt đầu từ điện.

PV: Nhưng vụ cháy thảm khốc vừa rồi Hoàng Mai làm 5 người chết lại đang được cho bắt đầu từ chập điện ở cột điện trước cửa nhà. Mà nguyên nhân này không phải do họ?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Hiện nay cơ quan hữu trách đang điều tra làm rõ nguyên nhân này. Tuy nhiên, cũng có một số vụ cháy do nguyên nhân như vậy. Mà những nguyên nhân gây cháy cho khu dân cư từ chập bốt điện, dây điện công cộng nếu cháy vào ban đêm thì đúng là các hộ dân không thể nào xử lý được, dễ dẫn đến hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề cho dân. Trong khi Hà Nội những mạng lưới điện, cáp quang, điện thoại ấy chằng chịt như mạng nhện rồi đóng thành búi trước nhiều nhà hộ dân. Thật khó giải quyết!

PV: Vậy theo ông phải làm như thế nào để các hộ dân có thể phòng ngừa  hỏa hoạn đối với nhà mình?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Dựa trên những nguyên nhân mà chúng tôi đã làm rõ thì công tác phòng ngừa sẽ theo đó để thực hiện. Chẳng hạn, đối với hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên, phải xây dựng nếp sống an toàn từ khu vực đun nấu, sử dụng điện đến sử dụng nguồn nhiệt, lửa… Nhưng trong đó đặc biệt nhất phải trang bị kiến thức tự xử lý tại chỗ khi có cháy vì đây là việc làm cực kỳ quan trọng. Bởi khi bắt đầu cháy đó mới chỉ là “sự cố” còn chưa thành hỏa hoạn. Khi đó nếu xử lý tại chỗ tốt thì không bao giờ lửa lan rộng ra được, thậm chí bị dập tắt trước khi lan, nghĩa là hiệu quả chữa cháy rất cao. Và việc trang bị kiến thức này không chỉ đối với hộ gia đình mà đối với cả lực lượng dân phòng, xung kích ở khu dân cư, họ được xem như lực lượng cứu hỏa đầu tiên trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến. 

PV: Làm thế nào để có những kiến thức ấy thưa ông?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Đây là kiến thức phải được cơ quan chuyên ngành hướng dẫn, tập huấn mới biết. Thế mà ý thức của người dân về vấn đề ấy còn kém. Không biết bao nhiêu lần đơn vị chúng tôi cử người cùng với chính quyền địa phương đi từng hộ gia đình gõ cửa để mời họ cử đại diện tham dự chương trình hướng dẫn công tác PCCC. Thế nhưng khi chương trình diễn ra, họ đều không tham gia, làm cho công tác xử lý tại chỗ khi cháy không hiệu quả biến thành hỏa hoạn, gây chết người, thiệt hại lớn về tài sản…

Còn về lực lượng xung kích, dân phòng lại “vướng” phải điều kiện: quân số mỏng, lại hay thay đổi về nhân sự nên công tác tập huấn, hướng dẫn, dù có hướng dẫn bổ sung nhưng chưa đạt hiệu quả cao trong công tác PCCC.

PV: Và đó là nguyên nhân làm cho thời gian vừa qua các vụ cháy lớn ở các khu dân cư xảy ra nhiều hơn?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Đúng vậy.

PV: Theo ông cần làm gì để giải quyết các vấn đề trên?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Từ các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vừa qua không còn cách nào khác người dân phải thay đổi ý thức, trang bị vừa kiến thức phòng cháy chữa cháy vừa thiết bị như bình chữa cháy (khoảng 200-300 nghìn đồng/bình), đặc biệt là đối với những hộ dân cư ở phố cũ, phố cổ… Bởi ở đó, công tác chữa cháy rất khó khăn do cấu trúc địa bàn phức tạp gồm ngõ, ngách, đường giao thông mà ôtô của Cảnh sát PCCC có thể vào được lại cách xa, nguồn nước chữa cháy cũng khó khăn v.v…

Lỗ hổng đáng sợ!

Vụ cháy làm 5 người thiệt mạng ở Hoàng Mai

Hộ gia đình chủ yếu lại chỉ có một cửa thoát hiểm nên rất nguy hiểm khi cháy. Mà ở đó đã cháy thì tình trạng lan rộng rất nhanh, chưa kể đến hàng hóa, đồ đạc trong nhà nhiều khi lại là “mồi” lửa rồi chất đống, càng làm cho khí độc sinh ra khi phát hỏa quẩn quanh, không thoát ra được gây ngạt cho những người trong nhà dẫn đến chết người… Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa đối với người dân ở các khu dân cư phải thay đổi lại ý thức phòng cháy chữa cháy.

Đối với lực lượng dân phòng thì nên phát huy hơn công tác của mình như tuần tra, nhất là vào ban đêm để có thể phát hiện kịp thời cháy sự cố, đặc biệt là ở những công trình công cộng như cột điện, bốt điện… để xử lý tình huống tại chỗ một cách hiệu quả, không làm lây lan rộng ngọn lửa.

Tôi nói như vụ cháy ở Hoàng Mai vừa rồi, nếu đúng cháy vì chập điện ở bốt điện trước cửa nhà mà lúc đó có lực lượng tuần tra thì khả năng cháy lớn không xảy ra. Và với lực lượng này, cơ quan chúng tôi cũng đề xuất để nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của họ, nên có hỗ trợ về tài chính cho họ. Vì như đã nói họ là lực lượng xử lý tình huống tại chỗ hiệu quả nhất khi có cháy và chính họ cũng làm giảm thiệt hại do “giặc hỏa” gây ra.

PV: Có một số ý kiến cho rằng, do sự chậm trễ của lực lượng cứu hỏa mà hậu quả nặng nề xảy ra, ông có ý kiến gì về việc này?

Trung tá Phạm Trung Hiếu: Trong các cấp độ cần phải cứu chữa, thì chữa cháy là mức độ nguy hiểm nhất. Bất kể người lính cứu hỏa nào cũng ý thức được điều đó nên về nguyên nhân chủ quan khó mà có thể xảy ra việc này. Nhưng về nguyên nhân khách quan, chẳng hạn, vụ cháy xảy ra đúng giờ cao điểm thì việc lưu thông của xe cứu hỏa trên đường cũng có thể bị chậm so với dự kiến. Hoặc nơi xảy ra hỏa hoạn khó khăn về công tác chữa cháy cũng làm thời gian đó kéo dài hơn do chúng tôi phải tính toán ví như tìm nguồn nước, tìm cách tiếp cận…

Chưa kể đến hiện lực lượng PCCC hiện có 15 phòng, mỗi phòng phụ trách 2 địa bàn, trong khi nếu theo tiêu chuẩn, mỗi phòng chỉ phụ trách một địa bàn để bảo đảm công tác cứu hỏa có thể nhanh nhất. Điều này cũng có thể làm hạn chế, nhất là khi nơi cháy cách xa so với trụ sở chúng tôi.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh