Xuất khẩu dệt may

Không khởi sắc như kỳ vọng

13:02 | 18/12/2019

586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, số lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018, rất khó đạt được mục tiêu.

Mục tiêu khó đạt tới

Từ đầu năm 2019, nhiều dự báo về tình hình khả quan của hàng dệt may đã được đưa ra. Dựa trên những phân tích về nhu cầu hàng dệt may toàn cầu và tại một số thị trường nhập khẩu lớn cũng như những lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá: Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục khởi sắc.

khong khoi sac nhu ky vong
Không khởi sắc như kỳ vọng

BSC cho rằng, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, với 42,5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, số còn lại giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn so với Campuchia hay Bangladesh (hưởng thuế suất GSP ưu đãi 0%). Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của EVFTA cũng như việc tính gộp nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ quốc gia thứ 3 có chung FTA với cả Việt Nam và EU (như Hàn Quốc) cũng thuận lợi hơn cho các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng được đánh giá sẽ mang lại những cơ hội tốt. Ước tính, nếu chỉ cần lấy được 1% thị phần hàng may mặc Trung Quốc xuất sang Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ tăng 70%.

Tuy nhiên, thị trường có nhiều biến động và không phải lúc nào cũng có thể dự đoán chính xác.

Số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của các thành viên trong 9 tháng năm 2019 chỉ đạt 2,065 tỉ USD, bằng 70% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng hàng tồn kho của Vinatex tới 6.989 tỉ đồng, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, hầu hết các thành viên trong Vinatex chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Các DN lớn như May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Hanosimex chỉ có đơn hàng đến tháng 11, riêng Việt Tiến có đơn hàng đến hết năm. Vinatex dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 khả năng chỉ đạt 2,896 tỉ USD, tăng 1% so với năm 2018, bằng 97,6% kế hoạch.

Ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, tình hình đơn hàng của các DN dệt may không khả quan như kỳ vọng hồi đầu năm. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Bên cạnh đó, tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn trong khi kim ngạch xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may nửa đầu năm 2019 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền. Giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Bất ổn của thị trường đã kéo theo tâm lý chung của người mua lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt hàng số lượng lớn như những năm trước.

Bên cạnh thị trường may mặc, thị trường bông trong 9 tháng qua đã chịu tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá bông giảm khá sâu, đặc biệt ở thời điểm hiện tại, giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trên dưới 60 Uscent/lb. Vinatex đánh giá, xét về dài hạn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm sẽ tác động xấu đến tiêu thụ bông. Việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại. Cả người bán và người mua cuối cùng đều chỉ có nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tồn kho. Vì vậy, thị trường bông vẫn chưa tìm thấy tín hiệu tích cực để hỗ trợ giá bông ở thời điểm hiện tại.

Cùng với đó, thị trường sợi cũng đang chịu những áp lực không nhỏ. Báo cáo của Vinatex cho thấy, trong 9 tháng qua, các DN sản xuất sợi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các DN xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, giá sợi liên tục giảm. Mặc dù phía Mỹ có thông tin hoãn áp thuế (từ 25% lên 30%) với gói 250 tỉ USD đến 15-10-2019, tuy nhiên đây chỉ là sự hòa hoãn tạm thời, chưa thực sự có tác động tốt lên thị trường sợi.

Khẩn trương tháo nút thắt

Nút thắt lớn nhất với dệt may Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thuế quan từ các FTA được xác định là quy tắc xuất xứ hàng hóa “từ sợi, vải trở đi”. Hiện với 90% nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường không phải là thành viên của EU, đồng nghĩa dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Gỡ nút thắt này không cách nào khác là phải tạo lập chuỗi giá trị cung ứng nội ngành bền vững.

Trước đây, đầu tư nước ngoài vào dệt may không có lực hút, nhưng 3 năm nay, hàng loạt DN lớn từ Mỹ, châu Âu đã vào Việt Nam, rót vốn vào một số dự án dệt nhuộm, sợi để cùng ngành dệt may “hóa giải” thách thức về quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi thuế quan khi EVFTA có hiệu lực. Mới đây, một tập đoàn Đức đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu lớn vào ngay trung tâm Đà Lạt. Tập đoàn của Israel, Mỹ đầu tư vào dự án dệt ở Bình Định, nhuộm ở Nam Định... Bên cạnh đó, hiện đang có một làn sóng FDI đầu tư vào nguyên phụ liệu dệt may.

Một trong những nỗ lực vượt bậc của ngành dệt may là việc khẩn trương bắt nhịp với cuộc CMCN 4.0. Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi, dệt nhuộm, may mặc; trong đó, sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin hiệu quả trong thời gian qua. Nếu như 10 năm trước đây, để sản xuất 10.000 cọc sợi phải cần trên 110 lao động thì nay không ít DN Việt chỉ cần 25-30 lao động.

Những cơ hội để tăng trưởng bứt phá của ngành dệt may Việt Nam đang ở phía trước. Những khó khăn hiện tại không hề nhỏ nhưng được xem như những thử thách để dệt may Việt Nam tiếp tục đổi mới và hoàn thiện. Trong trung và dài hạn, những dự đoán về một tương lai khả quan cho ngành dệt may hoàn toàn có cơ sở. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam cần có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, nắm bắt thời cơ vươn lên, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ.

Đức Minh