Kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc - một bí mật dai dẳng

07:00 | 17/06/2013

4,270 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 3/6/2013, phản ứng trước báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) khi cho biết, Trung Quốc nâng kho vũ khí hạt nhân lên 250 đầu đạn vào năm 2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, chính sách hạt nhân của Trung Quốc luôn rõ ràng và thậm chí “minh bạch nhất trong số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, họ Hồng không nói rõ Trung Quốc có bao nhiêu đầu đạn và hoạt động thật sự của các nhà máy hạt nhân Trung Quốc là nhằm mục đích gì…

Trung Quốc đang từ bỏ chính sách “không là nước đầu tiên khai hỏa hạt nhân”?

Ngay trong ngôn từ, chính sách hạt nhân Trung Quốc đã có dấu hiệu khác thường so với luận điệu những năm trước. Ngày 16/4/2013, khi công bố Sách Trắng quốc phòng, Trung Quốc đã không còn đề cập chính sách “không ra tay trước” đồng thời nhấn mạnh sự sẵn sàng phản đòn bằng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng hạt nhân. Đây là một chuyển biến mới trong lập trường Bắc Kinh.

Năm 1964, ngay sau khi thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên, Trung Quốc đã lập tức tuyên bố “không bao giờ trong bất kỳ thời điểm nào hoặc bất kỳ trường hợp nào Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Cam kết chắc như đinh đóng cột trên đã xuất hiện trong tất cả Sách Trắng quốc phòng (công bố 2 năm) kể từ lần đầu tiên “bạch thư” này xuất hiện năm 1998 cho đến lần gần đây 2011...

Bây giờ, thời điểm này, dù chưa nói thẳng việc từ bỏ chính sách xuyên suốt trên nhưng vài chi tiết nhỏ từ những diễn biến gần đây đã khiến người ta phải đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải Trung Quốc đang tin rằng chính sách này không còn hợp thời?

Trung Quốc sắp có 5 tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân

Tháng 12/2012, ngay sau khi lên ghế Tổng Bí thư, ông Tập Cận Bình đã chọn Quân đoàn Pháo binh số 2 (nơi chịu trách nhiệm quản lý kho vũ khí hạt nhân), chứ không phải bất kỳ binh chủng nào khác, làm nơi ra mắt. Trong cuộc gặp, ông Tập nói rằng, vũ khí hạt nhân sẽ mang lại hậu thuẫn chiến lược cho vị thế cường quốc của Trung Quốc.

Đáng chú ý hơn, ông Tập cũng không đề cập đến chính sách “không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân” trong các cuộc xung đột. Thái độ trên cho thấy, ông bắt đầu xem trọng và thậm chí ngầm nâng sức mạnh hạt nhân lên một vị trí mới, khác hẳn những người tiền nhiệm. Sự chuyển dịch này, nếu đúng, khiến người ta nhớ lại “thái độ hạt nhân” của Trung Quốc qua lời Thiếu tướng Chu Thành Hổ.

Năm 2005, khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, họ Chu nói: “Nếu Mỹ bắn tên lửa và các loại vũ khí dẫn đường vào mục tiêu nào đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân… Chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị tinh thần trước cảnh tất cả thành phố phía đông của Tây An bị (Mỹ) hủy diệt; và dĩ nhiên người Mỹ cũng phải chuẩn bị nhìn cảnh hàng trăm thành phố của họ bị Trung Quốc nghiền nát!” (tháng 3/2013, trong chuyến kinh lý Mỹ, Chu Thành Hổ tất nhiên đã không nhắc lại vụ dọa Mỹ bằng tên lửa hạt nhân).

Đó không là lần đầu tiên mà một viên tướng Trung Quốc dọa san bằng một phần của nước Mỹ thành bình địa. Năm 1995, tướng Hùng Quang Giai cũng nói rằng, Bắc Kinh sẽ cho Los Angeles nếm mùi thương đau bằng vũ khí hạt nhân nếu Washington bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp nổ ra chiến tranh Đài Loan - Hoa lục…

Trung Quốc hiện có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân? Đây hoàn toàn là một bí mật, một bí mật dai dẳng! Cần nhắc lại, không lâu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khi được cử sang Liên Xô làm tiền trạm cho chuyến công du Moscow của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Frank Carlucci, viên chức quốc phòng Mỹ Phillip Karber đã có cuộc gặp với nhiều quan chức quốc phòng sở tại và được nghe rằng, Liên Xô có đến 40.000 đầu đạn chứ không phải 20.000 như Mỹ biết trước đó (mà con số này lại là đánh giá của CIA và nhiều nhà phân tích lão luyện từng theo dõi và “cập nhật” suốt nhiều năm!)…

Chi tiết này cho thấy các đánh giá và lượng định tiềm năng quân sự đối phương của Mỹ không phải bao giờ cũng chính xác. Điều đó bây giờ lại có thể đúng với trường hợp Trung Quốc. Vẫn làm việc như một chuyên gia vũ khí hạt nhân, Tiến sĩ Phillip Karber với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu Dự án kiểm soát vũ khí châu Á thuộc Đại học Georgetown, bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang Trung Quốc vài năm gần đây.

Năm 2011, Karber công bố báo cáo (đề ngày 26/9/2011) với nội dung chi tiết liên quan gần như toàn bộ hệ thống đường hầm khắp Trung Quốc (có thể nói báo cáo 357 trang này, Strategic Implications of China’s Underground Great Wall, có thể dễ dàng truy xuất từ Internet, là một trong những tài liệu đầy đủ nhất về hệ thống đường hầm Trung Quốc).

Karber tin rằng, đó chính là những cái kho bí mật chứa “hàng nóng” hạt nhân nước này. Nhóm nghiên cứu Karber chú ý rằng, ngay sau trận động đất khủng khiếp tại Tứ Xuyên ngày 12/5/2008, trong số hơn 100.000 lính được phái đến cứu hộ, người ta thấy có hàng ngàn chuyên gia phóng xạ thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2! Họ đến làm gì, nếu khu vực thảm họa không có những cơ sở hạt nhân bí mật?

Tính “minh bạch” của sự bí mật

Với Trung Quốc, việc đào hầm khoét núi chẳng có gì lạ. Nó là một phần của lịch sử nước này, từ thời Tam Quốc đến giai đoạn kháng chiến trường kỳ của Mao tiên sinh. Sau thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc vẫn đầu tư mạnh vào hệ thống đường hầm quân sự.

Tháng 12/2009, trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quân đội Trung Quốc long trọng tuyên bố họ đã “hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu và nhiệm vụ” được “nhân dân yêu mến và tin tưởng giao phó”, với việc đào được khoảng 4.800km đường hầm mà phân nửa trong đó được thực hiện “trong 15 năm qua”.

“Tại sao Quân đoàn Pháo binh số 2 cứ ôm xẻng đào hầm, nếu không là để nhằm giấu kho vũ khí hạt nhân?” - Karber đặt câu hỏi. Dẫn lại nhiều dữ liệu và hình ảnh được cung cấp một phần từ báo chí chính thống Trung Quốc, Karber cho thấy hệ thống đường hầm quân sự nước này được đầu tư rất hiện đại với kiến trúc chắc chắn như một thành phố ngầm dưới mặt đất…; và “mỗi kilômét đường hầm được xây quy mô với kinh phí tương đương chi phí chế tạo 4-5 vũ khí hạt nhân và vài hệ thống tên lửa”! Chắc chắn phải có một kho vũ khí hạt nhân đáng kể mới đầu tư mạnh và tốn kém vào việc xây đường hầm để che giấu và bảo vệ như vậy.

Cuối thập niên 60, quân đội Mỹ dự báo, Trung Quốc có thể có 435 đầu đạn vào năm 1973. Năm 1984, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) ước tính, Trung Quốc có thể có 818 đầu đạn hạt nhân vào năm 1994. Các báo cáo gần đây (dẫn lại từ Wall Street Journal 24/10/2011) đánh giá Trung Quốc có thể có 2.350-3.500 đầu đạn, với khả năng sản xuất trung bình 200 đầu đạn mỗi năm trong một thập niên qua.

Thực tế mà nói thì chẳng có cơ sở khả tín nào có thể giúp khẳng định nguồn này chính xác hơn nguồn kia hay chẳng nguồn nào chính xác, liên quan số liệu kho đầu đạn hạt nhân Trung Quốc.

Với riêng Karber, sau 3 năm nghiên cứu, ông tin rằng, Trung Quốc có khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân! Có thể nói thêm rằng, Trung Quốc đã nghiên cứu vũ khí hạt nhân từ rất lâu, với sự giúp đỡ của Liên Xô. Ngày 16/10/1964, họ thực hiện vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên và tiến hành vụ thử bom hydro đầu tiên năm 1967. Các cuộc thử nghiệm tiếp tục được thực hiện cho đến lần cuối cùng vào ngày 29/7/1996 (thời điểm mà Bắc Kinh ký Hiệp ước cấm thử toàn diện - CTBT). Đó là vụ thử lần thứ 22 trong lòng đất và lần thử thứ 45 tính tổng cộng…

Không như CHDCND Triều Tiên hay Iran, Trung Quốc hoàn toàn kín miệng về các chương trình hạt nhân quân sự. “Hồ sơ” hạt nhân Trung Quốc chưa bao giờ trở thành tâm điểm thời sự quốc tế. Nó có vẻ trong sạch, minh bạch, chẳng tí tì vết hay tai tiếng nào và thậm chí “vô hại”. Tuy nhiên, điều đó cùng lúc cũng cho thấy khả năng che giấu và ẩn mình, trong “thái độ” đối với “vấn đề hạt nhân” của Bắc Kinh.

Dù chưa bao giờ đả động việc phát triển hạt nhân quân sự nhưng Trung Quốc đã và tiếp tục đầu tư rất mạnh vào các loại vũ khí sử dụng hạt nhân. Theo Lầu Năm Góc (dẫn lại từ Japan Times 23/5/2013), Trung Quốc hiện sắp có 5 tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời đã có khả năng phóng tên lửa thế hệ mới mang đầu đạn hạt nhân (JL-2, tầm bắn hơn 7.400km).

Trong buổi nói chuyện với giới chức quốc phòng và nhà báo Mỹ tại Washington vào tháng 12/2012, tướng Viktor Esin, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược quân đội Nga (hiện là Giáo sư Học viện Quân sự Nga) nói rằng, Trung Quốc có thể có đến 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng trong khi số còn lại được giấu trong các kho ngầm.

Ước lượng Trung Quốc có khoảng 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, tướng Viktor Esin còn cho biết, Nga tỏ ra lo ngại trước tiềm lực hạt nhân Trung Quốc đến mức Moscow có thể sẽ xét đến việc hủy hiệp ước sức mạnh hạt nhân (INF) ký với Mỹ năm 1987, nếu Bắc Kinh tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân theo đà hiện nay (INF cấm Mỹ và Nga sở hữu tên lửa có tầm xa hơn 5.500km cũng như dàn phóng và hạ tầng hỗ trợ).

Nghiên cứu năm 2009 của Trung tâm Tình báo không gian quốc gia Hoa Kỳ từng cho thấy, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan đều phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng lắp đầu đạn bất quy ước (tức có nghĩa là đầu đạn hạt nhân, hóa học và sinh học). Nghiên cứu trên cũng nói rằng, Trung Quốc đang triển khai ba hệ thống tên lửa đạn đạo khác nhau cho các mục đích tấn công hạt nhân khác nhau...

Bất luận thế nào, mức độ đe dọa vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là không thể xem thường, đặc biệt khi họ đang có một nền công nghiệp hạt nhân mạnh.

Theo tờ The Bulletin 22/4/2013 (một trong những chuyên san hàng đầu thế giới về công nghệ - kỹ thuật hạt nhân), từ năm 2005-2011, Trung Quốc đã đầu tư ào ạt vào hạt nhân, với tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ trong năm 2010, hai lò phản ứng mới đã được đưa vào hoạt động trong khi 10 dự án khác thực hiện lễ động thổ.

Tính đến cuối năm 2010, Trung Quốc đã có 14 lò phản ứng hạt nhân... Bao nhiêu trong số lò này được bí mật yêu cầu chỉ “luyện” uranium cho quân sự?

K.M