Jimmii Nguyễn: "Có đấu đá thế mới vui!"

17:00 | 29/08/2012

1,923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi được hỏi ý kiến riêng của mình về các chương trình truyền hình thực tế, ca sĩ - nhạc sĩ Jimmii Nguyễn bày tỏ: "Người ta ít nhiều gì cũng đã bỏ khối tiền ra đầu tư, thời gian và công sức tạo sân chơi lành mạnh cho cả nước thì hãy để người ta làm những chiến lược của người ta. Và biết đâu, đấu đá cũng là chiến lược?".

Ca sĩ, nhạc sĩ Jimmi Nguyễn

- Lâu rồi không thấy anh xuất hiện trên mặt báo, các show diễn của anh có vẻ cũng thưa thớt hơn nghĩa là vẫn có những không nhiều, không “phủ sóng” khắp trong Nam ngoài Bắc như 4 – 5 năm trước. Người ta đang kháo nhau rằng Jimmii Nguyễn bây giờ chỉ biết làm kinh doanh thôi, có phải vậy không?

- Người ta đang kháo nhau rất đúng nhưng đúng của cái bề ngoài thôi ạ. Thực tế là tôi đang chuẩn bị “vào cuộc” chính thức với nền âm nhạc nghệ thuật Việt Nam nên cái khâu chuẩn bị này đòi hỏi nhiều về tài chính. Tôi giới hạn biểu diễn để tập trung kiếm tiền nhằm mục đích làm văn hóa nghệ thuật đích thực. Hơn 10 năm nay tôi đã tiêu pha gần hết ngần ấy tài chính lưu trữ của cá nhân cho nên chuyện tôi làm kinh doanh để duy trì nghệ thuật của mình cũng là bình thường.

- Là một doanh nhân, đầu óc lúc nào cũng phải căng thẳng để hoạch định những chiến lược lâu dài chưa kể cuộc chiến để đứng vững khi nền kinh tế đang bấp bênh thế này, anh có thấy khó khăn và áp lực?

- Áp lực nhiều chứ nhưng cái áp lực đấy nó xảy ra trên toàn cầu. Áp lực trong kinh doanh luôn luôn có và lúc nào cũng có trong bất cứ thời điểm nào của xã hội nhưng những áp lực cạnh tranh này không bằng những áp lực không cần thiết, rườm rà, gây hậu quả tốn kém rất vô lý của những con người thiếu hiểu biết.

- Anh ôm đồm hơi nhiều việc và tất nhiên, ai cũng có sự tham lam, cũng sẽ như anh khi điều đó trong khả năng của mình, nhưng như thế liệu cái chất nghệ sĩ trong anh có bị chi phối bởi những vai trò khác?

- Mục đích chính của tôi như tôi nói ở trên là: kinh doanh để “vào cuộc chính thức với nền âm nhạc nghệ thuật Việt Nam” vì bao lâu nay tôi chỉ sống bằng niềm tin và sự tồn tại mà các fan đã cho tôi chứ tôi chưa hề chính thức bước vào cuộc vì ít ra, phải có một album chính thức phát hành ở Việt Nam như bao nhiêu ngôi sao ca nhạc khác rồi mới nói chuyện. Tôi mang ơn tất cả các fan đã và đang cho tôi sự tồn tại nên không vì lý do nào mà chất nghệ sỹ sáng tạo trong tôi phải bị chi phối bởi những vai trò nào khác cả. Thậm chí ngọn lửa nghệ thuật trong tôi chỉ chực chờ đúng thời điểm để phun trào.

- Anh có phân chia thời gian cho công việc kinh doanh và công việc sáng tạo nghệ thuật không? Thường thì sáng tạo nghệ thuật là phải theo cảm hứng, có bao giờ hai công việc đấy “lấn át” lẫn nhau?

- Tôi cố gắng hết sức để phân chia vì mỗi ngày tôi cũng chỉ có 24 tiếng như bao nhiêu người khác. Vì làm một lúc nhưng bao việc nên tôi cũng không tránh khỏi sự mệt mỏi. Tuy nhiên tôi tự bảo mình phải cố gắng hơn nữa. Tôi may mắn có sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía gia đình nên tôi cũng có nhiều thời gian cho riêng mình để có cảm hứng sáng tác.

- Đến thời điểm hiện tại, anh thích người ta gọi mình là doanh nhân Jimmii Nguyễn hay ca – nhạc sĩ Jimmii Nguyễn?

- Tôi đến với văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung và may mắn được quê hương, các fan, các báo đài chấp nhận, thương yêu và cho tôi được tồn tại đơn giản vì tôi là một ca sỹ, nhạc sỹ cho nên điều đấy với tôi rất thiêng liêng. Tôi rất hạnh phúc và tự hào về điều này vì thế tôi luôn khát khao mãi mãi được nhìn nhận là Jimmii Nguyễn của âm nhạc Việt Nam.

- Anh có thường xuyên quan tâm đến các hoạt động, tin tức về nghệ thuât, giải trí thời gian qua không? Anh thấy sao về thị trường âm nhạc hiện tại?

- Cho tôi xin được rạch ròi ở điểm này. Cho phép tôi không nói về văn hóa nghệ thuật Việt Nam vì tôi thấy mình chưa đủ tầm, đủ cở, chưa đóng góp gì cả, chưa là ai để dám nói lên điều gì về nghệ thuật văn hóa vốn đã tồn tại những mấy nghìn năm. Cho tôi được bày tỏ cảm nhận cá nhân với phần nghệ thuật giải trí hoặc như trong giới truyền thông, báo đài chúng ta thường gọi là công nghệ giải trí.

Tôi cũng thường xuyên cập nhật cho mình những thông tin về các hoạt động văn hóa nghệ thuật và nghệ thuật giải trí (phải rạch ròi hai trường phái này nhé). Tôi thấy phần nghệ thuật giải trí đang đi bằng đôi hia bẩy dậm, bỏ xa phần văn hóa nghệ thuật.

Trước đây tôi cũng có suy nghĩ khắt khe với nghệ thuật giải trí vì chính bản thân tôi bao lâu nay tôi theo trường phái làm văn hóa nghệ thuật. Tôi muốn duy trì và đóng góp cho văn hóa nghệ thuật chân chính bằng cách tự sáng tác, và trình diễn phải có ban nhạc riêng và chỉ biểu diễn những ca khúc của mình.

Thế nhưng sau một thời gian dài, tôi vẫn chưa thể làm điều gì tốt hơn cho nghệ thuật, vui hơn, giảm stress hơn cho xã hội, chưa thể tạo được sân chơi lành mạnh thì tôi nên xem xét lại và phải biết người biết ta, phải biết nhìn nhận và trân trọng trường phái nghệ thuật giải trí hoặc công nghệ giải trí vì họ đã và đang làm được những gì tôi nói ở trên.

- Không chỉ là một nghệ sĩ gắn bó với văn hóa nghệ thuật âm nhạc từ những ngày “hoàng kim”, bản thân anh cũng là một người lớn lên và trưởng thành ở Mỹ - nơi mà công nghệ giải trí được xem là hàng đầu thế giới, anh đánh giá thế nào về các chương trình, cuộc thi âm nhạc mang tính chất truyền hình thực tế mua format nước ngoài đang làm mưa làm gió ở Việt Nam thời điểm này?

Trong thời điểm vô cùng khó khăn về kinh tế hiện nay, những nhà đầu tư, những ngôi sao, nghệ sỹ đang cố gắng cùng đến với nhau để tạo ra những sân chơi kể cả từ mua bản quyền format của nước ngoài. Tuy đấy là những format cũ thế nhưng mới mà không tạo ra được làn sóng lành mạnh, sân chơi trong sáng cho toàn dân trong nước thì thà có cũ còn hơn mới.

Những sân chơi hoàn toàn có tính chất giải trí và kinh tế này nói chung đã giúp hầu hết những cá nhân, tập thể, những người liên quan có công ăn việc làm, báo chí có chuyện để bàn, có chuyện để nói. Ngoài giúp giảm bớt nhiều stress cho cộng đồng, giúp tuổi trẻ phấn đấu, có cách nhìn tích cực để vươn đến thắng lợi qua khả năng của chính mình.

Để đạt kinh tế cao nhất, thành công nhiều nhất, những nhà đầu tư, tổ chức phải làm hết sức bài bản, đúng chiến lược và tiêu chí họ đã đưa ra. Đồng thời qua bao nhiêu khó khăn, thử thách họ sẽ có được cái vốn kinh nghiệm xương máu.

Cha ông ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Một khi nghệ thuật giải trí phát triển hết mức thành công vượt bậc, tư nhiên họ sẽ quan tâm đến trường phái sống còn của văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra những nhà đầu tư và những nghệ sỹ tham gia những chương trình mang tính chất giải trí này đã khẳng định họ phục vụ công nghệ giải trí và họ đang làm rất tốt cho nên lý do gì phải "soi" trường phái giải trí này chứ? Sao lại đi so sánh bát chè xanh đắng ông nội nấu trong vung với nước giải khát Coca Cola?

- Anh có theo dõi các chương trình ấy đặc biệt là thời điểm hiện tại: The Voice và Vietnam Idol? Để nói riêng về hai cuộc thi này, anh nghĩ rằng bên nào sẽ “nhỉnh” hơn về lâu dài hoặc chí ít là về khả năng tìm được một “thần tượng âm nhạc có giọng hát Việt xuất sắc” thật sự?

- Có nhiều điểm cộng và dăm ba điểm trừ cho hai chương trình này thí dụ điển hình như tìm giọng hát Việt qua sự thể hiện và trình bày bài hát… Tây, nhưng với tôi những điểm trừ không đáng nói bây giờ. Hãy để thời gian trả lời nếu như những điểm trừ này làm anh hưởng đến truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam thì sẽ có người lên tiếng. Còn bây giờ thế hệ trẻ thay vì đua đòi ăn chơi hút sách, qua những chương trình vui nhộn, hữu ích như thế này họ lại tranh nhau, thi đua nhau với lời tiếng hát, bước nhảy thì quá đẹp, quá văn hóa rồi còn gì.

Nhà tổ chức cũng tốt mà nghệ sỹ tham gia giúp chương trình cũng đỉnh, cũng đạt. Dạo này có mấy anh chị em đấu võ miệng với nhau từ những chương trình này đã tạo ra được những luồn ý kiến đối chọi từ dư luận. Thế nhưng như tôi nói ở trên, hãy có cái nhìn tích cực về những điều gì tốt nhất mà các nhà đầu tư, những người nghệ sỹ, những cá nhân và những nhà tổ chức tham gia của những chương trình này đã tạo ra và làm được cho xã hội.

Người ta ít nhiều gì cũng đã bỏ khối tiền ra đầu tư, thời gian và công sức tạo sân chơi lành mạnh cho cả nước thì hãy để người ta làm những chiến lược của người ta. Mình đã không bỏ ra một xu nào, ngồi chê bai tùm lum gây ảnh hưởng trái chiều là sao? Chưa nói ít nhiều gì trước đây chính những nhà đầu tư , tổ chức này cũng đã giúp tạo cho mình có tên có tuổi đó chứ. Nhưng biết đâu, có đấu đá thế mới vui. Và biết đâu, đấy cũng là chiến lược?

- Nếu như được mời làm giám khảo một trong những cuộc thi kiểu này anh có đồng ý không? Tại sao?

Tôi đồng ý. Tôi rất thích. Tôi cũng muốn đóng góp. Thế nhưng tôi nghĩ chẳng ai mời người của trường phái khác làm trọng tài cho trường phái của mình ngoại trừ họ muốn chứng minh họ chẳng có gì phải sợ.

- Về cá nhân mình, anh có ý định quay trở lại với thị trường âm nhạc chưa?

- Tôi có đi đâu đâu mà phải quay lại. Tôi vẫn ở đây trên con đường dài hạn của mình đấy chứ. Xin nói thật tôi cũng đi gần hết đoạn đường rồi.

- Anh có thể chia sẻ một chút về kế hoạch trở lại của mình với khán giả chứ?

- Cuối năm tôi muốn hoàn thành xong album đầu tay với chủ đề “1 Triệu Lời Tri Ân” để chuẩn bị gởi đến cho khán giả của tôi ngay vào dịp đầu năm mới. Ngoài ra cách tôi tri ân như thế nào xin để đến lúc đấy hành động của tôi sẽ chứng minh. “1 Triệu Lời Tri Ân” nhất định phải hoàn thành vì đã đến lúc tôi không còn trẻ để có thể kéo dài hơn được nữa.

- Xin cảm ơn anh!

Phú Duy