Hàng giả, nhái làm khó doanh nghiệp

20:25 | 25/05/2012

448 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên thị trường hàng hóa hiện nay, đang xảy ra một tình trạng phổ biến, nhiều đơn vị kinh doanh, cơ sở sản xuất và phân phối hàng giả, hàng nhái đã lợi dụng thời điểm các doanh nghiệp (DN) xả hàng để nắm được cơ hội “vàng” bán hàng thu lợi nhuận. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đối với phần lớn DN đang tìm cách để thanh lý hàng tồn đọng.

Tràn lan hàng thanh lý

Không khí mua sắm hàng giảm giá, tồn kho tại khu vực đường Xuân Thủy và đường Cầu Giấy (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) càng trở nên nhộn nhịp hơn vào các buổi chiều tối. Cửa hàng nào cũng bán thanh lý với giá cả giảm từ 20% đến 70%. Có nhiều điểm bán hàng trên vỉa hè, treo biển “hàng một giá”, khoảng 30 nghìn là có được chiếc áo phông kiểu dáng và màu sắc bắt mắt.

Rẻ, đẹp vẫn là tiêu chí mua sắm hàng đầu của hầu hết các bạn trẻ hiên nay.

Đối tượng khách hàng hầu hết là học sinh, sinh viên. Lê Hà Anh, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội vui vẻ cho biết, với số tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng không thể đủ để mua sắm những thứ đắt tiền. Phải tìm những hàng giảm giá mới có thể mua được một lúc nhiều thứ mình thích với giá phải chăng. Khi được hỏi về việc có quan tâm đến xuất xứ hàng hóa hay không, sinh viên này chỉ cười và lắc đầu. Điều này cũng dễ hiểu! Bởi, rẻ, đẹp vẫn là tiêu chí mua sắm hàng đầu của hầu hết các bạn trẻ hiên nay.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, hiện đang có sự nhập nhằng giữa một bên là các loại hàng hóa có chất lượng nhưng giảm giá bán vì muốn thanh lý hàng tồn đọng với các loại hàng hóa bản thân là hàng giả, hàng nhái, giá bán vốn dĩ là thấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, đại đa số các loại hàng giảm giá trên các tuyến phố nêu trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. Chất lượng sản phẩm rất thấp nhưng lại được che đậy bằng hình thức bên ngoài bắt mắt. Người mua dễ bị cuốn hút vào những lợi ích trước mắt mà bỏ qua chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, thì những loại hàng hóa đó đang kinh doanh đúng “tiền nào thịt đó” chứ không phải vì muốn thanh lý hàng hóa mà phải bán hạ giá.

Thực tế, để biết được giá thực của những mặt hàng này trước khi giảm giá hoàn toàn không có một căn cứ nào. Mua bán cảm tính là tình trạng đang xảy ra hiện nay đối với nhiều loại hàng hóa. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường khó được kiểm soát và ngày càng thêm nhiễu loạn.

Doanh nghiệp “bở hơi tai”

Hầu hết các DN sản xuất đang lâm vào thế khó do hàng hóa không bán được, tồn kho mỗi lúc một ứ đầy. Nhiều khi thanh lý được 2 container hàng thì may ra thu về được 1 container giá trị hàng hóa nhưng nhiều DN cũng đành chấp nhận để “cứu vãn tình thế”.

Tuy nhiên, giải quyết bài toán hàng tồn đọng không phải lúc nào cũng đơn giản đối với DN. Trước tình hình hàng giả – nhái lộng hành trên thị trường thì việc tìm chỗ đứng cho hàng hóa, kể cả lúc đã chấp nhận giảm giá cũng trở nên khó với DN. “Chúng tôi có giảm giá đến 50% đi nữa thì cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Nếu giảm hơn nữa thì thà chúng tôi biếu không còn hơn. Vì chi phí vận chuyển cũng như thuê mặt bằng bán hàng không hề nhỏ” – Giám đốc một nhãn hiệu thời trang may mặc tại Hà Nội chia sẻ.

Tuyến phố Xuân Thủy, Cầu Giấy sầm uất bởi cửa hàng bán buôn san sát nhau. Hầu hết vẫn là các loại hàng thời trang quần áo, giày dép, kính mắt, mũ nón… được bày bán. Thời gian gần đây, trên vỉa hè của các tuyến phố này xuất hiện nhiều điểm bán hàng đổ đống với giá rẻ hơn “bèo”, thu hút rất đông người mua. Hầu hết hàng hòa này đều in chữ Trung Quốc, một số không rõ nguồn gốc xuất xứ ngang nhiên bày bán tràn lan.

Trong khi đó, mặc dù cũng treo biển giảm giá, thanh lý hàng tồn nhưng các cửa hàng lớn, bán hàng có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng thì vẫn cứ… ngồi nhìn! Các thương hiệu thời trang như Canifa, Foci… mặc dù đã mang hàng giảm giá treo ngay trước cửa nhưng cũng không lôi kéo được người mua. “Hàng bán rất chậm. Cả ngày lác đác có vài người ghé vào xem rồi đi ra.

Thực ra, thì cũng không có gì khó hiểu vì sản phẩm của chúng tôi mặc dù đã giảm giá tối đa là 50% nhưng trung bình mỗi chiếc áo phông vẫn trên 100 nghìn. Rõ ràng là khó cạnh tranh với nhiều loại quần áo bán ở ngoài kia” – nhân viên bán hàng tại đại lý thương hiệu thời trang Foci, Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa Việt Nam hiện nay, khi hàng giả, hàng nhái đang có nhiều cơ hội để lộng hành, khi cơ quan chức năng đang loay hoay không biết xử lý từ đâu thì các DN sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Cách duy nhất để có vốn duy trì sản xuất mà rất nhiều DN hiện nay đang tập trung là xử lý hàng tồn kho, thế nhưng, nhiều khi chấp nhận lỗ vẫn chưa phải là lối thoát dễ dàng!

Đức Minh