Hà Nội: Sốt sắng hàng Tết

21:03 | 16/11/2011

353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 15 DN sẽ tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động trên sẽ góp phần ổn định giá cả thị trường.

Số lượng hàng lớn

Thành phố Hà Nội dự báo, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay của người tiêu dùng Thủ đô sẽ tăng từ 20-22% so với các tháng trong năm. Vì thế công tác chuẩn bị hàng phục vụ bà con đã được Sở Công thương rốt ráo chuẩn bị. Hàng hóa ước tính cụ thể, gạo trắng 6.400 tấn; thịt lợn 1.350 tấn; thịt gia cầm 500 tấn, trứng gia cầm 8 triệu quả; thực phẩm chế biến 1.300 tấn; thủy hải sản đông lạnh 800 tấn; dầu ăn các loại 800.000 lít; đường 250 tấn và rau củ 2.500 tấn. DN tham gia hoạt động này Ủy ban Nhân dân thành phố cho tạm ứng số tiền là 475 tỷ đồng với lãi suất 0%.

Ngoài hỗ trợ từ Sở, 15 DN tham gia chương trình bình ổn cũng chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số hàng hóa được giao. Lượng hàng hóa này sẽ được bày bán tại 653 điểm bình ổn giá. Ngoài ra, các DN còn tổ chức các chuyến hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá về các huyện, các KCN phục vụ dân. Đến ngày 15/11, Sở Công Thương đã tổ chức được 110 chuyến/235 chuyến hàng lưu động về nông thôn (theo kế hoạch).

Các DN, trung tâm thương mại, siêu thị khác dự trữ 1.900 tỉ đồng tiền hàng. Các hộ kinh doanh tại chợ dự kiến dự trữ khoảng 2.000 tấn thịt trâu, bò, 10.000 tấn thịt lợn, hơn 3.500 tấn thịt gia cầm, 6.000 tấn thủy – hải sản và 50.000 tấn rau, củ, quả. Các DN sản xuất kinh doanh nước giải khát dự kiến cung ứng khoảng 100 triệu lít bia, 13 triệu chai rượu và 70.000 thùng bia… Các đơn vị sản xuất bánh, mứt kẹo dự trữ và cung ứng khoảng 18.000 tấn bánh, mứt, kẹo các loại.

Sẽ giám sát chặt thị trường

Thị trường vào dịp cuối năm cũng là cơ hội phát tán của các loại hàng hóa kém hoặc không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc ngộ độc thức ăn mang đến hậu quả khôn lường vẫn thường xuyên xảy ra vào mỗi dịp Tết. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng vì thế luôn phải quan tâm hàng đầu. Mặt khác, những tháng cuối năm, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu rất khó kiểm soát, nhiều hộ kinh doanh tự do vô tư tự đẩy giá lên làm nhiễu loạn thị trường…

Trước những nguy cơ đối với thị trường, cùng với việc chuẩn bị đủ nguồn hàng, tổ công tác liên ngành của Thành phố, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa; đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước; tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

Minh Đức