GS Ngô Bảo Châu: “Trí thức là người tìm cách tốt nhất để làm”

11:08 | 04/09/2012

1,481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hai tác giả cuốn sách “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” - GS Ngô Bảo Châu và nhà văn trẻ Nguyễn Phương Văn đã có buổi nói chuyện với độc giả tại Viện trao đổi Văn hóa Pháp (IDECAF).

Tại sao các anh chọn Ai và Ky? Hai nhân vật này có ý nghĩa gì? Và nó ra đời như thế nào?

GS Ngô Bảo Châu: Khi bắt đầu viết sách tôi và Phương Văn đã có hai nhân vật, là hai con người. Chúng tôi tìm ra hai cái tên bằng những cuộc tranh luận sôi nổi, có thể nói cuốn sách hay nhất là nhờ có Ai và Ky. Từ những dự định ban đầu là hai con người, Ai và Ky là hai nhân vật chính của câu chuyện.

Khi nào thì giáo sư cho ra tiếp phần 2, giáo sư có thể cho lời khuyên làm sao để học giỏi toán?

GS Ngô Bảo Châu: Từ khi cuốn sách hoàn thành, đây là lời khen hay nhất. Tôi và Phương Văn định viết Ai và Ky phần 2 nhưng còn trong bí mật chưa thể tiết lộ được. Bạn hỏi làm sao để học giỏi toán, tôi nghĩ chỉ là chăm học thôi.

Tôi rất thích hình ảnh cây đa quán nước, có phải đó là hình ảnh quê hương của giáo sư? Sách bán chạy có phải do tên tuổi của giáo sư hay không?

Nhà văn Phương Văn: Trong cuốn truyện này chỉ có hai cây, hai cây này không phải cây đa, chỉ là cây cổ thụ, tôi rất thích cây này. Vì Ai và Ky không có chỗ chơi nên tôi đưa hai cây này vô. Tôi thử đặt vị trí của mình là Ngô Bảo Châu ở Chicago xem có nhớ nhà không để viết đoạn đó.

Sự bán chạy của sách là đúng rồi, nếu như không phải Ngô Bảo Châu thì cuốn sách không bán chạy như vậy. Và cũng đã có sách lậu giá rẻ hơn nhiều.

Thưa giáo sư, anh có nhận xét gì về nền giáo dục Việt Nam và sách giáo khoa ở Việt Nam?

GS Ngô Bảo Châu: Về sách giáo khoa, theo tôi sách toán không quá tệ như người ta nói, mặc dù sách có cái này cái kia. Tôi muốn nói đến cách dạy toán, kiểu dạy hiện tại làm học sinh khó tiếp thu. Cách đây một năm tôi có đọc sách giáo khoa môn lịch sử cấp III, điều làm tôi băn khoăn là cách viết, người viết sợ người khác phê bình nên chỉ viết đến ngày tháng năm, những sự kiện lịch sử, chứ không nêu chính kiến riêng hay phát biểu cảm nghĩ về một vấn đề. Người ta né tránh, sợ sai nên khi viết lịch sử sẽ rất khô khan, khó học.

Sách lịch sử là một tư liệu tuyệt vời học sinh, sách giúp đỡ thầy giáo truyền tải thông tin tới học sinh. Lịch sử không nhất thiết phải có đáp án, trên cơ sở dữ liệu tìm ra cách đánh giá và nhận định riêng của mỗi người.

Những người làm nên tác phẩm, từ trái qua: họa sỹ Thái Mỹ Phương, GS Ngô Bảo Châu,
nhà văn Nguyễn Phương Văn và nhà thơ Phan Đan

Vai trò của trí thức và thanh niên ở đâu trên đất nước Việt Nam?

GS Ngô Bảo Châu: Tôi nói tới trí thức có thể bị phê bình nhưng trí thức không phải là đi dạy dỗ người khác, trí thức là người tìm cách tốt nhất để làm, trí thức là người có khả năng chỉ ra cái đúng hay cái đẹp của mỗi lựa chọn.

Thời đi học, giáo sư có sợ thầy cô nào không? Giáo sư hãy kể về một người thầy ấn tượng nhất.

GS Ngô Bảo Châu: Cách đây vài tuần tôi và nhóm bạn cũ về thăm thầy Tôn Thân - thầy dạy toán cấp 2 của tôi. Thầy vẫn không có nhiều thay đổi. Dáng thầy trông như một nhà hiền triết, còn tôi như trẻ con cứ xoắn xuýt bên thầy. Ngày còn đi học, tôi rất sợ thầy mặc dù thầy không bao giờ la học trò của mình, chỉ cần một cái nhíu mày thôi là cả lớp sợ rồi.

Một lần thầy mang chiếc áo mưa vào lớp, để ngay ngắn trên bàn. Bọn con trai chơi đá banh và lấy áo mưa của thầy vo tròn lại làm bóng. Khi thầy đi vào lớp thì thấy "quả bóng" đang nằm dưới chân một học sinh tên Huy. Thầy hỏi chúng tôi ai là người làm việc này. Không ai trả lời. Cuối cùng Huy đứng lên nhận lỗi. Nhưng thầy vẫn hỏi tiếp ai làm và thầy nghiêm giọng: “Hôm nay các em làm tôi rất buồn. Các em có lỗi mà không dám đứng ra nhận lỗi cùng bạn Huy”. Thú thật lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng và học được rằng muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ.

Trước khi trở thành nhà toán học nổi tiếng, giáo sư có thời gian chán nản không và đã vượt qua như thế nào?

GS Ngô Bảo Châu: Trong cuộc sống ai cũng có những khó khăn, đã lựa chọn thì hãy cố gắng vượt qua. Ai cũng có người thân, gia đình, bạn bè... nên phải có sự gắn kết để vượt qua.

Nhà thơ Phan Đan, biên tập cho cuốn sách nói về tác phẩm: “Sách của hai anh viết rất hoàn chỉnh, không vấn đề gì nên tôi không có việc gì làm. Cái lỗi của của cuốn sách là cái mở không có đoạn kết nên phải viết phần hai, phần mở cũng rất hay vì nó sẽ phải có phần tiếp. Cuốn sách có phần văn là nhờ công của Phương Văn rất nhiều".

Nguyễn Hiển ghi