Dư luận Pháp và thế giới về Điện Biên Phủ

08:02 | 28/04/2014

2,643 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi chiếm đóng Điện Biên Phủ, xây dựng lòng chảo này thành một "con nhím khổng lồ", báo chí Pháp và Mỹ không tiếc lời ca ngợi cho đấy là cái "bẫy khổng lồ", "thách Tướng Giáp tấn công" v.v...

Một số sách báo các nước viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954).

Quan chức quân sự, chính trị liên tiếp bay đến Điện Biên Phủ, quan sát, tâng bốc nhau, cổ vũ lính chiếm đóng.

Các "diều hâu" này đã tâng bốc "tập đoàn cứ điểm vững chắc nhất Đông Nam Á", với những lời lẽ cao ngạo:

- "Đây là một pháo đài bất khả xâm phạm".

- "Là một chiến lũy vĩ đại Véc-đoong của Pháp (thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất) nay lại có mặt ở Đông Dương.

- "Sẽ giáng cho Việt Minh một trận thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ".

- "Sẽ làm cho pháo binh Việt Minh câm họng...".

Và tướng Mỹ Ô.Đa-ni-en đã nói một câu kết luận sau khi được chính Đờ Cát chỉ huy "con nhím" Điện Biên Phủ tự lái xe đi khảo sát cứ điểm:

- Tôi (Ô.Đa-ni-en) không còn phải suy nghĩ về sự vững chắc (của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) này.

Tháng 1/1954, tướng Cô-nhi, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Kỳ trả lời đài Mỹ: "Tôi chắc chắn rằng, Bộ chỉ huy Pháp sẽ làm cho Việt Minh thua to ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi chờ đợi những trận chiến đấu ác liệt và kéo dài. Cuối cùng rồi chúng tôi sẽ thắng. Tướng Giáp bị bắt buộc chấp nhận cuộc chiến. Ông ta không thể tiến quân vào Lào... Tôi sẽ làm tất cả cho Tướng Giáp ăn bụi, để ông ta phải từ bỏ tham vọng lớn".

Na-va trong thư chúc mừng năm mới binh sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thông báo: "Việc chiếm đóng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi tình hình... Đối phương buộc phải thay đổi toàn bộ kế hoạch, từ bỏ mọi hy vọng thắng lợi ở đồng bằng, phải phân tán lực lượng. Điều kiện chiến thắng của chúng ta đã đầy đủ".

Tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

22 ngày trước khi Việt Minh giội một trận bão lửa xuống Him Lam mà Na-va đặt tên cho đồi này như tên một cô gái Pháp "Bê-a-tri-xơ", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp nói với Đờ Cát: "Đại tá ạ, cả nước Pháp đang chăm chú theo dõi ngài, ngài có biết không?". Và Plê-ven giơ tay lên cao: "Tôi vừa từ Điện Biên Phủ về. Đúng là những con người tuyệt vời".

Quá khủng khiếp sau cơn sấm sét mà Việt Minh đánh vào Him Lam, sáng 14-3, Đại úy quân y Pháp Lơ Đa-ma-rai đã được Việt Minh cho phép ra thu nhặt xác lính...

Bác sĩ Lơ Đa-ma-rai bó được 300 xác lính lê dương của một đơn vị thiện chiến. Hạ sĩ Ku-bi-ắc - người đã chạy thục mạng từ "Bê-a-tri-xơ", thoát chết về Mường Thanh, ngơ ngơ, ngác ngác, trợn mắt, há mồm nói không ra hơi: "Kinh sợ quá! Nổ to quá"...

Đêm 14/3, đến lượt đồi Độc Lập - "cô Ga-bri-en..." và bản án tử hình đã treo: 483 lính Pháp chết..., 2 chỉ huy bị bắt sống. Tiếp theo, Việt Minh tấn công Bản Kéo, "nàng Ma-ri..." do lính ngụy Thái trấn giữ. Nhưng súng, đạn... nã vào Him Lam, Độc Lập đã "xui" đôi chân của lính Thái chạy về nhà. Không dám ở lại nữa. Thế là "cánh cửa thép", "Khu Bắc, đã bị mở toang". Dư luận Pháp bàng hoàng, lo ngại, bắt đầu sợ; quan, lính bắt đầu run...

Lính dù ngụy Việt không chịu ra trận. Trung tá Pháp Ken-lờ quá sợ hãi, suốt ngày đội mũ sắt nép mình sâu trong hầm chỉ huy, khiến Đờ Cát phải cho về Hà Nội "chữa bệnh"... Quan tư Pi-rốt, chỉ huy pháo binh Điện Biên Phủ từng khoác lác "sẽ bắt pháo Việt Minh câm họng", nào ngờ bị ăn quả bất ngờ, cay đắng. Xấu hổ quá, Pi-rốt bèn dùng bàn tay phải còn lại (Pi-rốt cụt tay trái) mở khóa an toàn một lựu đạn Mỹ, tự sát! Và được tuyên dương "hy sinh một cách danh dự (!) trên chiến tuyến!".

Sân bay Mường Thanh bị khống chế. Con đường tiếp tế duy nhất là đường hàng không ngày càng bị "Việt Minh" thắt cổ, siết chặt. Trong khi đó, các hào giao thông của quân Tướng Giáp cứ ngày vươn sâu vào trận địa Điện Biên Phủ như những cánh tay một con bạch tuộc khổng lồ. Việt Minh không có dấu hiệu thiếu ăn, thiếu đạn, kể cả đạn đại bác 105mm... Dân công Việt Minh vẫn ùn ùn chở mảng bè, gùi, thồ xe đạp đưa gạo ra mặt trận... Hàng đoàn trâu, bò, lợn... máy bay trinh sát Pháp đã phát hiện được gần Điện Biên Phủ. Mùa mưa lại sắp đến. Không có thể thêm quân, bánh mì ít, đạn phải dè xẻn, binh lính mất tinh thần chiến đấu, dư luận Pháp bắt đầu... đổi chiều giọng nói...

Ngày 29/4/1954, tờ báo tư sản Pháp "Người xem xét" phê phán: "Khi đã không giữ được Lai Châu và Nà Sản mà Na-va lại đưa gần 2 vạn quân Pháp vào thung lũng Điện Biên là một tội ác chính trị. Mùa mưa sắp đến - nếu quân Pháp không thắng hoặc không rút ra khỏi Điện Biên Phủ, sẽ chết đuối hết hoặc phải đầu hàng thôi".

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ "lên dây cót" cho Na-va: "Mỹ sẽ hết sức giúp Pháp giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ". Đến cả Tổng thống Mỹ cũng có thư "Tỏ lòng kính trọng quân đội Pháp anh dũng".

Báo "Thế giới" (Pháp) 22/4 cảnh báo: "Quân nhảy dù Pháp chẳng còn tinh thần gì... Mặt người nào cũng tái mét. Pháp tuyên bố đã mất 23 máy bay, con số đúng thực là 53".

Ngày 24/4, khi tin cuối cùng về kế hoạch ném bom nguyên tử chiến thuật "Diều hâu" bị phản đối, Đờ Cát nhận được điện từ Hà Nội "Cho phép tự quyết định phá vây". Ngày 5/5/1954 lại tiếp tục có điện "Toàn quyền tùy nghi di tản". Ngày 6/5, dư luận Hà Nội, Sài Gòn, Pa-ri ồn ào tin "vỉa hè": "Đêm nay Việt Minh sẽ tổng tiến công".

Thế là hết đời "con nhím khổng lồ". Tin "Điện Biên Phủ thất thủ" bay đến Hội nghị Giơ-ne-vơ giữa các bên Pháp - Việt và quốc tế bàn về hòa bình ở Đông Dương, bay đến phiên họp của Quốc hội Pháp... Nhiều nghị sĩ đã òa lên khóc...

Ngày 8/5/1954, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp "Nhân đạo" chạy tít dài "Điện Biên Phủ đã sụp đổ" và lời bình luận: "Đây là chiến thắng chung của nhân dân hai nước Việt - Pháp". "Paris Match" - tờ báo đã cử phóng viên đến Điện Biên Phủ chụp tới 144 tấm ảnh lính Pháp ở "cứ điểm bất khả xâm phạm" (Điện Biên Phủ)-còn vớt vát: "Nước Pháp tự hào về những binh sĩ của mình trong Điện Biên Phủ". Tờ "Đôphinê giải phóng", ngay trong ngày 8/5 viết: "Cùng với tướng Đờ Cát, 15.000 con người đã anh dũng lấy máu mình viết nên một trang sử chiến công chói lọi".

Bình tĩnh hơn, Báo "Nước Pháp mới" cũng trong ngày 8/5 viết: "Nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn trái lại với lợi ích sống còn của mình. Chỉ có bọn trùm tư bản tài chính, bọn sản xuất, buôn bán vũ khí, bọn bán mạng sống người (nguyên văn "bán thịt người") là có lợi. Tờ "Người bắn tỉa" gay gắt đặt câu hỏi: "Ai đã buộc tướng Đờ Cát và binh lính của ông ta chui vào cái bẫy giết người khổng lồ này? Ai? Ai? Ai phải chịu trách nhiệm về cái chiến lược phiêu lưu đó? Ai? Đảng nào? Bộ trưởng nào? Tướng nào?". Báo "Người quan sát" (Pháp) đau xót thú nhận: "Bộ tham mưu của tướng Đờ Cát không chiến đấu đến người cuối cùng vì họ đã kiệt sức. Đây là một sự đầu hàng không hơn, không kém của một đội quân bạc nhược và vô vọng".

Ngày 20/7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Báo "Nhân đạo" (Đảng Cộng sản Pháp) đăng hàng chữ lớn "Ngừng bắn ở Đông Dương! Cả nước Pháp vui mừng!".

Dư luận thế giới đã xác nhận: "Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã điểm tiếng chuông báo chết cho chủ nghĩa thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các thuộc địa Pháp" (Báo An-giê-ri). "Điện Biên Phủ đã gây niềm phấn khởi cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bị áp bức" (Báo Ma-rốc). "Thắng lợi (ở Điện Biên Phủ) của Việt Nam là một hy vọng to lớn và tươi sáng cho chúng tôi, cổ vũ chúng tôi chiến đấu" (Báo Cu-ba)...

Cho đến năm 2004 - 50 năm sau Điện Biên Phủ, theo tiến sĩ A-lanh Rút-xi-ô (Pháp), riêng ở nước Pháp đã có tới 73 công trình của các nhà báo, nhà sử học, "nhà binh" Pháp viết về Điện Biên Phủ. Trong số 46 quân nhân viết về Điện Biên Phủ năm 1954, có Ec'văng Bơgô (sách "Binh nhì ở Điện Biên"), P.Lăng-le (đại tá bị ta bắt làm tù binh) và cả Na-va, Sa-lăng, Bi-gia (sau làm Bộ trưởng Quốc phòng), Cô-nhi, Đờ Cát...

Những công trình này gần như tập trung vào "cuộc truy tìm trách nhiệm" và "đánh giá thất bại". Nhiều ý kiến được nêu lên: "Chúng ta có sai lầm không? Ai chịu trách nhiệm về trận thua (Điện Biên Phủ) đó. Đội quân viễn chinh Pháp bị thua nhưng họ không chịu trách nhiệm". "Quân nhân Pháp đứng giữa hai làn đạn: Họ không có lương thực, đạn dược, phương tiện để chiến thắng, nhưng khi thất bại thì bị đưa lên ghế bị cáo. Thật là một bất công kép".

Dư luận chung cho rằng: "Điện Biên Phủ - 1954, trước hết là thất bại chính trị thuộc về các nhà chính trị". Và cũng trước hết "là một thất bại quân sự" do các tướng lĩnh quân sự gây nên".

Cuối cùng dư luận chung đồng ý với Đại tá Lăng-le, một sĩ quan bị bắt làm tù  binh trong ngày cuối cùng của "Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ": Cuộc chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh vì độc lập chống lại nước Pháp và nếu như công cuộc chiến đấu được rèn đúc bởi những phương pháp theo chủ nghĩa Mác thì cũng chẳng còn gì đúng hơn là người lính Việt Minh đã tiến công các vị trí của chúng ta tại Điện Biên Phủ với một lòng can đảm như thế nào! Họ chiến đấu để đuổi chúng ta ra khỏi nhà của họ, nơi không phải là nhà của chúng ta. Còn chúng ta, chúng ta không chiến đấu để bảo vệ tổ ấm của chúng ta, chúng ta không chiến đấu để đánh đuổi người nước ngoài ra khỏi nước ta, chúng ta cũng không còn chiến đấu để giữ Đông Dương cho nước Pháp. Vậy thì tại sao?...".

Theo Thủy Xuân - Báo QĐND