Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng: Phóng viên “chủ lực" trên chiến trường Điện Biên

07:00 | 07/05/2014

2,111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến với nghề báo một cách tình cờ nhưng ông may mắn trở thành người nắm giữ nhiều kỷ lục về việc đi nhiều chiến dịch, được tham gia trong nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là nhà báo đã cầm bút trong 4 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy máu và nước mắt. Ông từng “chết” giữa chiến trường khi tác nghiệp…

Năng lượng Mới số 317+ 318

Sớm hiểu cần lao

Thế nhưng, ở ông có đức tính khiêm nhường. Gần như ông chưa hề trả lời phỏng vấn bất kỳ một nhà báo nào, kể cả phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Phải xâu chuỗi nhiều cuộc trò chuyện, ghép nối nhiều thông tin, chúng tôi mới có thể phác thảo được bóng dáng ông, một nhà báo lão thành, một nhân chứng lịch sử.

Nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng sinh năm Kỷ Tỵ 1929, xuất thân trong một gia đình “danh gia vọng tộc”, ông nội là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ dưới triều Nguyễn và là nhà canh tân đất nước. Bố ông là cử nhân Phạm Phú Tiết, từng là quan Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng Tháng Tám tham gia kháng chiến và được phong cấp hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án Tòa án Quân sự Nam Trung Bộ.

Nhà báo Phạm Phú Bằng thăm lại đồi Pu Ma Hong

Gia đình ông rất đông con, nhưng chỉ 10 người lớn lên đến lúc trưởng thành. Tiếng là con quan tổng đốc nhưng đời sống gia đình không mấy dư dả một phần vì phải nuôi dưỡng, cưu mang nhiều người bị chế độ cũ trừng phạt. Thời nhỏ, ông chỉ học đến bậc học trung học cơ sở. Lúc đó, chính quyền Nhật cấm học trò học tiếng Pháp nhưng ông vẫn tự học và sử dụng tiếng Pháp thành thạo.

Đầu năm 1945, nạn đói xảy ra, mẹ ông và nhiều nhà hảo tâm bàn nhau góp gạo miền Nam chở ra Bắc cứu trợ đồng bào. Ông còn trẻ nên được đi theo áp tải gạo, xin phép chính quyền Pháp - Nhật chở một toa tàu gạo ra Bắc. Tàu mới ra đến Thanh Hóa thì đã thấy nạn đói khủng khiếp, toàn người đói bò đến, lê lết xin gạo. Chàng “thiếu gia” Phạm Phú Bằng ứa nước mắt. Nỗi đau, nỗi thấu hiểu cảnh đời người dân một đất nước nô lệ dần thấm thía trong tâm thức chàng thanh niên trẻ con quan.

Học chưa hết trung học thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Ở tuổi 16, chàng trai trẻ Phạm Phú Bằng đã tham gia đoàn quân cách mạng ở Huế, rồi nhập ngũ theo đoàn quân Nam tiến... Ông tham gia chi đội Phan Đình Phùng, đóng quân ở Bình Định, sau đó về chi đội giải phóng quân Trần Cao Vân. Ông sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ tháng 1/1949 và chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, là cán bộ đại đội bậc trưởng.

Mùa hè năm 1950, vì có trình độ học vấn, lại là đảng viên trẻ, ông được cử ra Bắc để đào tạo, bồi dưỡng. Mấy tháng trời đi bộ dọc Trường Sơn ra đến Việt Bắc, khi người ta sàng lọc chọn người đi học thì ông chưa hết bậc trung học, chưa được đi học ngay.

Vừa cầm súng, vừa cầm bút

Năm 1950, khi Báo Quân đội Nhân dân được thành lập, từ chiến trường, ông được triệu tập về làm phóng viên. Lý do ông rẽ qua nghề báo cũng rất tình cờ. Đơn giản là từ lúc còn chiến đấu ở phía nam, ông đã biết chụp ảnh và lúc nào cũng có chiếc máy ảnh kè kè, dù nhiều lúc không có tiền mua phim. Nhưng đây là chi tiết được cấp trên quan tâm, điều ông về Báo Quân đội Nhân dân. Lúc này, ông chưa hiểu gì về làm báo, từng có nhiều bài ông viết ra bị Ban Biên tập cho vào… sọt rác nhưng ông không nản chí. May mắn duy nhất hơn người đối với ông lúc đó là được giao cưỡi một con ngựa đi làm việc. Chỉ có ông và chủ nhiệm tờ báo là có ngựa.

Những trang sổ ghi chép của nhà báo Phạm Phú Bằng từ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Về báo công tác nhưng ông chưa được ra trận với tư cách nhà báo ngay mà gặp ngay đợt tổng động viên, lại cầm súng đi chiến đấu tiếp. Chiến dịch đầu tiên, ông tham gia với tư cách nhà báo là Chiến dịch Trần Hưng Đạo vào tháng 12/1950. Ông được đồng chí Lê Quang Đạo, khi đó là Cục trưởng Cục Tuyên huấn trực tiếp viết giấy đi đường, có câu ghi rằng: “Đồng chí Phạm Phú Bằng là tùy quân ký giả”, một danh xưng theo gu sính dùng từ Trung Quốc lúc bấy giờ. Dù không biết chức vụ đó là gì nhưng ông cũng không dám đi hỏi ai vì sợ người ta cho là… dốt sẽ không cho ra mặt trận nữa. Có tấm giấy thông hành đó, Phạm Phú Bằng đi thẳng về hướng Đại đoàn 308, về Trung đoàn 102, nơi có đơn vị chủ công đánh đồn Tú Tạo ở huyện Sóc Sơn.

Tháng 3/1951, trên mở Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, vượt qua núi Yên Tử đánh đường 18, Phạm Phú Bằng tiếp tục ra trận cùng cây bút. Không chỉ viết bài, trong trận đánh vào đồn Bí Chợ, ông còn giúp Trung đoàn 102 dùng tiếng Pháp làm công tác địch vận, kêu gọi quân Ma-rốc hạ vũ khí và phá hủy một xe gip còn sót lại trong đồn.

Tháng 5/1951, ông tiếp tục được cử theo Chiến dịch Quang Trung, đánh vào thị xã Ninh Bình. Cứ thế, ngòi bút Phạm Phú Bằng từng bước trưởng thành. Trong trận đánh vào đồn Non Nước, thị xã Ninh Bình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba tại chiến dịch. Trong chiến dịch này, ông đã có hai bài báo quan trọng xuất bản tại chiến trường. Một bài phỏng vấn giáo dân, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, nói bộ đội tấn công giáo dân của kẻ địch. Một bài ghi chép về gương 18 chiến sĩ chiến đấu dũng cảm ở vườn chuối. Hình thức xuất bản ở chiến trường lúc này cũng rất đơn giản. Hai bài báo này đều được xuất bản trực tiếp theo kiểu từng bài đơn lẻ, phát cho bộ đội và nhân dân.

Sau Chiến dịch Quang Trung, Báo Quân đội Nhân dân thêm nhiệm vụ mới. Phạm Phú Bằng được lựa chọn kiêm thêm chức năng thông tấn quân sự cho Thông tấn xã Việt Nam (tiền thân của Phòng Thông tấn Quân sự ngày nay).

Cuối tháng 11/1951 và tháng 9/1952, ta mở Chiến dịch Hòa Bình và Tây Bắc, cùng các ông Hoàng Xuân Tùy, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng tiếp tục lên đường tham gia chiến dịch.

Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là một trong năm nhà báo được cử đi chiến dịch và là một trong hai phóng viên chủ lực, thường xuyên có mặt trên khắp chiến trường, theo sát các đơn vị.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, ông tiếp tục ra trận với tư cách là phóng viên chiến trường có mặt ở các mặt trận. Ông sống và viết trong cuộc càn lớn của quân Mỹ, trận càn Gian-xơn Xi-ti năm 1967, vào căn cứ Tây Ninh. Năm 1968, ông theo đặc công và Quân giải phóng tấn công vào nội đô Sài Gòn. Sau đó, ông có mặt trên nhiều chiến trường khác, nhất là vùng trọng điểm ven đô, Củ Chi và Tây Sài Gòn… Chăm chỉ tự học nên ông là một trong rất ít các nhà báo Quân đội hiểu được 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc.

Nhiều thế hệ phóng viên Báo Quân đội Nhân dân luôn coi ông là một nhà báo lớn về cả nhân cách và nghề nghiệp. Khi tờ Quân đội Nhân dân thứ Bảy (nay là Quân đội Nhân dân Cuối tuần) ra đời, mặc dù đã về hưu, ông vẫn được Ban Biên tập mời làm cố vấn.

Nhà báo, nhà tuyên huấn ở Điện Biên

Ngay ở số báo đầu tiên xuất bản ngoài mặt trận, Phạm Phú Bằng đã giữ vai trò viết nhiều tin chiến sự với một loạt tin bài về giải phóng Lai Châu và tin chiến thắng của bộ đội Pa-thét Lào. Đặc biệt, sơ đồ cuộc truy kích của ta cũng do ông chuẩn bị. Trong suốt 33 số báo, ông là người chuẩn bị và thể hiện phần bản đồ, sơ đồ chiến sự. Để có được những sơ đồ này, ông phải biết cách liên hệ với Bộ Tổng tham mưu và biết cách biến những thông tin từ bản đồ địa hình quân sự, quyết tâm chiến đấu vốn đều là tài liệu “mật” trở thành sơ đồ, bản đồ báo chí. Làm được điều đó, ngoài trí nhớ tốt cần phải có sự mẫn cảm chính trị để tránh được những vùng cấm, những nguy cơ lộ bí mật. Ông tâm sự: “Cũng có khi, ở một sơ đồ nói về vùng giải phóng của ta, tôi đã mạnh dạn tự ý mở rộng thêm vùng giải phóng một chút so với bản đồ tham mưu. Nhưng đừng nghĩ như thế là tôi “tô hồng” để động viên người lính ngoài mặt trận đâu. Thế nào là vùng giải phóng? Có những vùng ngày là của địch, đêm là của ta, xác định thế nào? Cái chính là lòng dân tại đó vẫn hướng về ta, có dân là có tất cả. Vì thế tôi tự cho phép gọi nó là vùng giải phóng. Tôi mở rộng một chút là có lý của nó”.

Nhà báo Phạm Phú Bằng thăm lại hang Thẩm Púa

Là phóng viên chiến trường, có lúc các ông đến khi vừa chiến thắng, có khi trực tiếp cùng người lính công đồn, đối diện với quân địch. Trong 33 số báo, có rất nhiều tin chiến sự do Phú Bằng thực hiện, nhưng chỉ đề PV, QĐND hoặc không đề tên tác giả. Nhưng cũng có nhiều bài báo mang đậm chiều sâu ngòi bút Phú Bằng, khiến bạn đọc khó quên. Bài “Đêm nay Bác không ngủ” viết chung với Trần Cư là một ví dụ. Thật tuyệt vời, trong cuốn sổ tay hiện ông còn lưu giữ được, vẫn còn nguyên bản thảo viết tay bài báo này của ông. Từ cách đặt tiêu đề đến văn phong đều ấn tượng, vừa dạt dào tình cảm, vừa sâu sắc, thúc giục người lính.

Tuy nhiên, làm báo ở Điện Biên Phủ, nhà báo trẻ xông xáo Phú Bằng cũng từng vấp phải bài học cay đắng. Trong một bài báo theo gợi ý của cấp trên, dường như có một chi tiết nào đó chỉ vô tình, có thể làm hé lộ một ý đồ chiến đấu của ta, ông từng bị cấp trên trực tiếp phê bình gay gắt. Nhưng bằng giải trình hợp lý hợp tình, ông đã “thoát hiểm” trong tình huống này.

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, đồng nghiệp cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với ông kể: “Anh Phú Bằng ngoài công việc phóng viên còn có một phần công việc của Cục Tuyên huấn là làm tin tức, làm thông cáo để chuyển về hậu phương”. Sau những giờ làm báo mệt nhoài, Phạm Phú Bằng còn phải tổng hợp, ghi chép thông tin để kết thúc mỗi chiến dịch, ông phải thực hiện vai trò một báo cáo viên, trình bày thông tin về các trận đánh mỗi khi về chiến khu. Lúc đó, chàng phóng viên trẻ tuổi 20 Phạm Phú Bằng phải đứng trước cử tọa là rất nhiều tướng lĩnh, cây đa cây đề trong cơ quan Tổng cục Chính trị. Nói cái gì, nói như thế nào, kể cái gì, phân tích cái gì là điều không dễ. Nhưng với sự cần mẫn, tư chất nghiêm cẩn trong công việc, luôn giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nặng lòng với Điện Biên, với lịch sử

Trước khi nghỉ hưu ở Báo Quân đội Nhân dân, Phạm Phú Bằng là phóng viên Phòng Văn hóa - Thể thao của báo. Tuy nghỉ hưu, nhưng chưa bao giờ ông thôi cầm bút.

Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, ông từng nuôi lợn dưới gầm giường, ngay dưới bàn viết đầy bản thảo vì sinh kế. Lúc cuộc sống đã bớt khó khăn, khi nghỉ hưu, ông vẫn đi và viết cho nhiều báo. Có lần ông nói vui với đồng nghiệp “thì cũng phải làm sao để mỗi tháng lương và nhuận bút có 6 triệu đồng chứ?”. Nói vậy, nhưng ông cũng đâu có nhiều nhu cầu gì riêng cho cuộc sống cá nhân. Những đồng tiền ấy phần lớn ông dành mua sách vở, quần áo, xe đạp, học bổng tặng các cháu nhỏ vùng sâu vùng xa; giúp đỡ đồng bào nghèo miền núi.

Các cuộc chiến tranh nay đã lùi xa. Ngòi bút rực lửa của những tin tức, bài vở khét mùi thuốc súng và như còn thấm đỏ máu đồng đội đã chuyển sang những trang mới. Nhưng người lính Phạm Phú Bằng vẫn tiếp tục hành trình không nghỉ. Có năm, ông làm người “vừa đi đường vừa kể chuyện”, được phép của Bộ Quốc phòng đưa nhóm binh sĩ trẻ thuộc quân đội Pháp tìm về Điện Biên để giúp họ lý giải một phần câu hỏi vì sao các đồng đội của họ đã chiến đấu hết mình mà rốt cuộc vẫn thất bại. Lại có năm, ông tiếp đón và ân cần đưa người cháu của tướng lĩnh Pháp lên Điện Biên với cách hành xử đầy nhân ái.

Nhưng có lẽ, hành trình ý nghĩa nhất với ông là chuyến đi gần đây trở lại Điện Biên, tìm về hang Thẩm Púa, đồi Ngựa Hí - nơi ông cùng đồng đội làm báo giữa chiến trường năm xưa. Ở tuổi 85, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng sự minh mẫn, thông tuệ trong ông như chưa suy giảm. Hình ảnh người lính già đầu bạc phơ mang bộ quân phục bạc màu đỏ rực cuống huân chương chống gậy qua những đoạn đồi gập ghềnh quanh co hay qua con suối nhỏ khiến chúng tôi rưng rưng cảm động. Ông cho hay, đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời ông đeo huy chương. Tới hang Thẩm Púa, bà con dân tộc, từ cụ già đến các cháu nhỏ nghe tin ông là người lính Điện Biên năm xưa trở lại đã ùa đến, vây quanh ông. Tôi để ý thấy khóe mắt ông rưng rưng.

Chuyến đi quá gấp gáp, thấy các cháu nhỏ vây quanh, ông cứ tự trách mình và trách cả chúng tôi, sao không mua ít bánh kẹo làm quà cho các cháu nhỏ. Rồi ông móc ngay chiếc ví, lấy tiền đưa cho các chị phụ nữ, dặn mua quà giúp ông cho các cháu.

Từ Mai Châu đến Ngã ba Cò Nòi, từ đèo Pha Đin, hang Thẩm Púa hay Mường Phăng, nơi nào ông cũng vanh vách kể những sự kiện, những câu chuyện, những sự hy sinh. Thẳm sâu trong những câu chuyện ông kể là sự hy sinh, cống hiến vĩ đại của nhân dân; là máu xương của người lính; là tài năng, đức độ của những người cầm quân; là cống hiến lặng thầm, là cuộc đua cùng thời gian và tiếng súng của những người cầm bút…

Văn Minh