Doanh nghiệp FDI: Vẫn "nóng” chất lượng và hiệu quả

17:34 | 08/07/2012

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luôn được đánh giá là kênh tạo vốn quan trọng giúp nền kinh tế thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, cải thiện năng lực công nghiệp và xuất khẩu nhưng khi mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì hoạt động của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) cũng như dòng vốn FDI lại đang cho thấy nhiều hạn chế, bất cập của nền kinh tế. Và khi những số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Tổng cục Hải quan được công bố thì nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ sự lo ngại về những kỳ vọng trên, đặc biệt là những đóng góp của khối DN FDI và sức hấp dẫn của nền của nền kinh tế.

Góp phần tăng nhập siêu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 53 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ thì khối DN FDI tăng trưởng trên 30% và xuất siêu 830 triệu USD. Điều này cho thấy, DN FDI đang chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối diện với vô vàn khó khăn như hiện nay, xuất khẩu của khối DN trong nước có dấu hiệu chậm lại thì đó thực sự là một kỳ tích.

Tỉ lệ nội địa hóa các doanh nghiệp FDI còn hạn chế

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, DN FDI xuất khẩu thì nhiều nhưng nhập khẩu cũng chẳng kém là bao khi mà tính đến ngày 15/6/2012, DN FDI cũng đã nhập khẩu tới 25,3 tỉ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 51,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Và đây chính là vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi lẽ xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lắm thì giá trị gia tăng thực ở mức nào?

Nhận định về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sự tham gia của FDI rất quan trọng, góp phần nâng cao công nghệ, năng lực quản lý… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là liệu DN FDI có làm tăng khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất trong nước hay không? Thực tế, thời gian gần đây, khối FDI đã góp phần làm tăng nhập siêu, nhưng lại không làm tăng được năng lực sản xuất của Việt Nam là bao nhiêu”.

Chia sẻ quan điểm trên, GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định, xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lắm thì giá trị thực sẽ chẳng được là bao. Tuy nhiên, hiện phần lớn thị phần các ngành công nghiệp giá trị sản xuất lớn, từ công nghiệp ôtô đến hàng tiêu dùng đều do các DN FDI nắm quyền chi phối, đặc biệt là hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Chính vì vậy, chúng ta không thể trách các DN FDI, bởi thực tế, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa đủ sức để cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất.

Và để giải quyết vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam, cũng như làm sao để tạo sự liên kết, sức lan tỏa giữa các DN FDI, các tập đoàn đa quốc gia với các DN Việt Nam để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ và chuyển giao công nghệ.

Từ đó để thấy rằng, tuy hoạt động của khối DN FDI là vô cùng cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước song chúng ta cần phải có chiến lược phát triển phù hợp để bảo đảm lợi ích của quốc gia và giá trị thực cho nền kinh tế và quyền lợi của nhà đầu tư.

Chỉ số niềm tin sụt giảm

Cả nước hiện có 13.950 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 203,3 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 88,5 tỉ USD đã cho thấy, thu hút FDI luôn là một chủ trương lớn mà Đảng và Chính phủ đặc ra trong công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2012, Việt Nam thu hút được 5,33 tỉ USD vốn FDI, giảm 76,3% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong đó, chỉ có 4,13 tỉ USD là tổng vốn đầu tư đăng ký của 283 dự án được cấp mới, phần còn lại 1,2 tỉ USD thuộc về 82 dự án tăng thêm vốn. Đáng báo động hơn khi mà dòng vốn FDI “chảy” vào các quốc gia trong khu vực lại đang có xu hướng tăng mạnh khi mà trong quý I/2012, FDI vào Indonesia tăng tới 30,37% lên mức 5,7 tỉ USD; Thái Lan cũng tăng 44% trong 4 tháng đầu năm; còn Malaysia và Myanmar cũng đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI;…

Từ đó để thấy rằng, nếu không có sự đột biến trong những tháng cuối năm thì mục tiêu đề ra từ đầu năm là thu hút 17 tỉ USD đầu tư FDI sẽ khó thực hiện, thậm chí là vỡ kế hoạch. Đó là chưa kể đến chất lượng nguồn FDI, khi ngày càng có nhiều dự tỉ “đô” bị đình trệ, chậm tiến độ bị thu hồi giấy phép đầu tư…

Kết quả khảo sát về chỉ số niềm tin của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney công bố tháng 2/2012. Theo đó, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất rớt hạng trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 12 năm 2010 xuống vị trí thứ 14 năm 2011. Trong khi đó, Indonesia đã tăng 11 bậc từ vị trí thứ 20 trong năm 2010 lên vị trí thứ 9 năm 2011, theo đó là vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục 19,3 USD, gấp đôi năm 2010. Malaysia cũng tăng hạng từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 10.

Còn theo số liệu của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố, chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư Việt Nam trong cộng đồng các nhà đầu tư châu Âu giảm từ 79 điểm trong Quý I/2011 xuống còn 53 điểm trong Quý II/2012.

Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký quyền sở hữu tài sản, chi trả thuế và tiếp cận tín dụng, thiếu cơ sở hạ tầng tương thích, gánh nặng quản lý, những cản trở tiếp cận thị trường của hàng nhập khẩu, thiếu nhân lực có chất lượng, tham nhũng và thiếu minh bạch… đang là những cản trở lớn đối với các nhà đầu tư được EuroCham chỉ ra.

Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để kéo được nguồn vốn FDI trở lại với Việt Nam, trước hết phải lấy lại được niềm tin từ các nhà đầu tư qua việc thực hiện tốt 3 khâu đột phá mà Đảng, Chính phủ đề ra. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn; nâng cao chất lượng và hiệu quả FDI…

Thanh Ngọc