Điều bất thường trong việc bắt giữ chú dượng Chủ tịch Kim Jong-un

17:36 | 11/12/2013

4,899 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) –Vào lúc 15 giờ ngày 9 tháng 12 năm 2013, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát sóng cảnh có thể được coi là hiếm có nhất trong lịch sử đất nước. Các khán giả đã theo dõi việc ông Jang bị hai người mặc đồng phục áp tải, rời khỏi một cuộc họp của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 8/12 trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

>> Ảnh bắt giữ chú dượng Chủ tịch Kim Jong-un

>> Chân dung người chú quyền lực bị mất chức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un

Hình ảnh ông Jang Song-thaek bị lôi ra khỏi ghế ngồi trong cuộc họp Đảng Lao động Triều Tiên được Đài truyền hình trung ương nước này phát sóng hôm 9/12

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, chính quyền CHDCND Triều Tiên khẳng định việc ông Jang Song Taek đã thôi giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước và các chức vụ khác.

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA), chú của ông Kim Jong Un bị cáo buộc tham nhũng và gây dựng phe cánh trong nội bộ đảng. Ngoài ra, KCNA còn lưu ý rằng, ông Jang Song Taek sử dụng ma túy và  “quan hệ không phù hợp” với phụ nữ, “bị tiêm nhiễm lối sống tư bản chủ nghĩa”.

Đến ngày 10/12, truyền thông Triều Tiên đồng loạt kêu gọi dân chúng đoàn kết.

Nhật báo Rodong Sinmun, cũng như mọi tờ báo khác, in trên trang nhất bài xã luận kêu gọi đoàn kết và cảnh báo CHDCND Triều Tiên “không bao giờ tha thứ cho tội phản bội”.

Tờ báo mượn lời của các công dân Triều Tiên để lên án các hành động “xấu xa” của ông Jang Song-thaek.

Ri Yong- Song, công nhân một nhà máy điện ở Bình Nhưỡng nói: “Những kẻ phản bội tìm cách hủy hoại sự thống nhất của đất nước chúng ta phải bị trời tru đất diệt. Tôi muốn ném Jang và các đồng bọn của hắn vào trong nước sôi”. Một công nhân khác thì dùng các lời lẽ như “đồ rác rưởi” hay “tồi tệ hơn cả loài vật” để chỉ ông Jang Song-thaek.

Tờ Chosun Sinbo, một tờ báo thân Bình Nhưỡng có trụ sở tại Nhật Bản, khẳng định dân chúng Triều Tiên “ủng hộ hoàn toàn quyết định của Đảng”. Để minh chứng cho điều này, tờ báo mô tả “tất cả các công nhân đang lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực phân bón đều thở phào nhẹ nhõm sau khi những kẻ cản trở hoạt động nhà máy của họ bị loại bỏ”.

Trong lịch sử CHDCND Triều Tiên, việc công khai hóa sự kiện như vậy là rất bất thường. Vào những năm 50, báo chí Triều Tiên chỉ thỉnh thoảng viết về những vụ vạch trần một người anh hùng hoặc một cựu chiến binh của phong trào cộng sản là gián điệp của Mỹ hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, khi đó, những thông tin như vậy không thể xuất hiện trên trang đầu của tờ Rodong Sinmun. Ngay như vụ xét xử Pak Hon-yong, người sáng lập Đảng Cộng sản Triều Tiên hồi tháng 12 năm 1955, trên tờ báo chính của Triều Tiên cũng chỉ xuất hiện thông tin ngắn dưới trang đầu.

Tuy nhiên, sau năm 1960, Triều Tiên đã từ bỏ truyền thống này và không còn đưa tin về các vụ bắt giữ quan chức cấp cao. Trong một số trường hợp, thông tin về các vụ đó chỉ xuất hiện trong các tài liệu kín dành cho những quan chức cao cấp. Có cả những trường hợp khi thông tin ngắn về vụ bắt giữ (và những tội lỗi của nhân vật bị bắt giữ) xuất hiện vài năm sau sự kiện này.

Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, nhân vật bị thất sủng chỉ đơn giản biến mất. Báo chí không đưa tin về quan chức này, nhân vật này không còn hiện diện tại các hoạt động chính thức và không ai trong số người dân Triều Tiên quan tâm đến việc cái gì xảy ra với vị bí thư này hoặc bí thư kia của trung ương đảng.

Việc Triều Tiên công khai hóa việc bắt giữ ông Jang Song-thaek rõ ràng đã phá vỡ truyền thống cũ.

Mặc dù vậy, tính mạng ông Jang hiện giờ vẫn còn chưa được phía Triều Tiên xác nhận là còn sống hay đã chết. Tuy nhiên, Đài Free North Korea, có trụ sở tại Seoul, trích dẫn nguồn tin cấp cao ở Bình Nhưỡng khẳng định ông Jang Song-thaek và 6 người thân cận đã bị xử tử hôm 5/12, còn cảnh quay được được thực hiện trước cuộc họp ngày 8/12 vừa qua.

Linh Linh (tổng hợp)