Diện mạo xe tăng hạng nhẹ tương lai của Mỹ

08:37 | 21/12/2018

459 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xe tăng tương lai của Mỹ sẽ trang bị nhiều vũ khí, cùng hệ thống phòng thủ chủ động để yểm trợ bộ binh và lính dù.
dien mao xe tang hang nhe tuong lai cua my
Nguyên mẫu Griffin II do GDLS giới thiệu năm 2017. Ảnh: Army Recognition.

Lục quân Mỹ hôm 17/12 chọn tập đoàn BAE Systems và General Dynamics Land Systems (GDLS) tham gia cuộc chạy đua phát triển nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ trong chương trình "Xe thiết giáp hỏa lực cơ động" (MPF), nhằm tăng cường sức chiến đấu cho các đơn vị lính dù và lữ đoàn bộ binh độc lập, theo Drive.

Mỗi tập đoàn có trách nhiệm chế tạo 12 nguyên mẫu xe tăng hạng nhẹ trong vòng 14 tháng tới để thử nghiệm, trước khi Lầu Năm Góc lựa chọn mẫu phù hợp nhất để đưa vào chế tạo hàng loạt. BAE nhận 375 triệu USD, trong khi GDLS sẽ được cấp vốn 335 triệu USD cho dự án.

Chuyên gia quân sự Joseph Trevithick cho rằng MPF là nỗ lực hiện đại hóa lực lượng thiết giáp Mỹ, trong bối cảnh quân đội nước này chuẩn bị cho kịch bản xung đột tiềm tàng với các đối thủ lớn như Nga và Trung Quốc.

Dự án MPF lần đầu được đề xuất vào năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Đây được coi là cú sốc với Mỹ, thúc đẩy nhu cầu tăng cường tiềm lực quân sự để đối phó với những đối thủ truyền thống sở hữu lực lượng tăng thiết giáp hạng nặng.

Quân đội Trung Quốc đang bắt đầu triển khai xe tăng hạng nhẹ hiện đại, trong khi Nga đã biên chế các biến thể thiết giáp BMD cho lực lượng đổ bộ đường không từ hàng chục năm qua. Lục quân Mỹ từng nhiều lần nghiên cứu mẫu xe thiết giáp mới, nhưng hầu hết đều không đạt yêu cầu kỹ thuật hoặc vượt quá ngân sách và bị hủy bỏ.

Hiện nay, lính dù và các lữ đoàn bộ binh độc lập Mỹ chỉ có tên lửa chống tăng vác vai hoặc lắp trên xe chiến đấu hạng nhẹ để đối phó tăng thiết giáp đối phương. Họ có rất ít lựa chọn khi đối mặt với mục tiêu kiên cố như lô cốt và vật cản. Mục tiêu của chương trình MPF là biên chế xe tăng hạng nhẹ mang pháo cỡ lớn để diệt thiết giáp và cứ điểm đối phương. Loại xe tăng mới cũng phải có khả năng tấn công từ xa, không cần tiến vào tầm bắn của hỏa lực đối phương.

dien mao xe tang hang nhe tuong lai cua my
Nguyên mẫu M8 AGS được BAE ra mắt từ thập niên 1990. Ảnh: Army Recognition.

Xe MPF sẽ rất hữu ích với lính dù, khi họ thường không được trang bị hỏa lực mạnh như các đơn vị bộ binh thông thường, dễ bị phản công khi chờ lực lượng chi viện.

BAE Systems đưa ra thiết kế Hệ thống pháo thiết giáp (AGS) M8 trang bị pháo cỡ nòng 105 mm và nặng 20 tấn, trong khi xe tăng Griffin II của GDLS sở hữu pháo 120 mm và nặng gần 28 tấn.

Cả hai mẫu xe đều có nhiều vũ khí phụ bên cạnh pháo chính, dự kiến được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS) trong tương lai. Lục quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm riêng rẽ với nhiều hệ thống APS để phát triển cấu hình phòng vệ chủ động dùng chung cho toàn bộ lực lượng thiết giáp. Bệ phóng máy bay không người lái cỡ nhỏ và đạn thông minh, cảm biến cải tiến cũng có thể xuất hiện trong thiết kế cuối cùng của MPF.

Mẫu M8 AGS của BAE được đánh giá là hoàn thiện về thiết kế, công nghệ bởi nó là bản nâng cấp xe tăng được lục quân Mỹ tài trợ phát triển từ thập niên 1990, trước khi chương trình bị hủy vì cắt giảm ngân sách. Trong khi đó, lợi thế của Griffin II là sử dụng khung thân xe thiết giáp trinh sát Ajax và thiết kế tháp pháo từ xe tăng chủ lực M1 Abrams.

Tuy nhiên, chương trình MPF có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Lục quân Mỹ từng cố gắng biên chế mẫu xe tương tự suốt hàng chục năm qua, nhưng liên tục gặp khó khăn do thiết kế không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và chi phí.

Lục quân Mỹ cũng cần phi cơ hạng nặng để triển khai những xe thiết giáp trong dự án MPF. Vận tải cơ C-17A Globemaster III là máy bay duy nhất đủ sức chở cùng lúc hai xe MPF, nhưng nó đòi hỏi một bãi đáp an toàn trên mặt đất để hạ cánh và triển khai xe tăng, thay vì thả dù từ trên không.

Hệ thống APS tối tân có thể bù đắp cho lớp giáp mỏng của M8 AGS và Griffin II, nhưng chúng chỉ đủ sức đối phó vũ khí chống tăng vác vai, khó có thể bảo vệ xe khi đối mặt thiết giáp trang bị pháo tự động cỡ lớn hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương.

Bất chấp hàng loạt thách thức, lục quân Mỹ kỳ vọng sẽ chọn được thiết kế xe MPF hoàn chỉnh vào cuối năm 2022, trước khi đưa vào biên chế trong giai đoạn 2024-2025.

Theo VnExpress.net

dien mao xe tang hang nhe tuong lai cua my Mỹ tính triển khai một sư đoàn xe tăng tới Ba Lan: Nga nổi đóa
dien mao xe tang hang nhe tuong lai cua my Xe tăng siêu lùn mang tên lửa dẫn đường đầu tiên của Liên Xô
dien mao xe tang hang nhe tuong lai cua my Báo Mỹ phát hiện "vũ khí bí mật" trong xe tăng Nga

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc