Đầu năm kể chuyện bói Kiều

06:54 | 08/02/2014

3,210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là câu chuyện có thật mà lại trở thành giai thoại mang tính kinh điển của bói Kiều, tôi được phụ thân kể cho nghe từ ngày còn học trường phổ thông. Nhân dịp năm mới, xin chép ra để hầu chuyện cho những bạn đọc là tín đồ yêu thích của truyện Kiều.

Năng lượng Mới số 294

Chuyện kể rằng, có một bà vợ của một viên tri huyện (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay), mang thai chuẩn bị đến ngày sinh nở. Cái bụng to lặc lè khiến bà đi đứng khó khăn, tâm thần hồi hộp bất an. Thế nên, bà mang quyển truyện Kiều ra bói xem khi sinh nở gặp lành hay dữ.

Bà khấn:

“Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều...

Tín chủ con tên là...

Cho con xin một quẻ 4 câu ứng về việc sinh nở. Xin các chư vị linh thiêng ban cho con được bình an, mẹ tròn con vuông, con xin lạy các chư vị mớ bái, vạn bái...”.

Sau khi khấn xong, bà huyện mở truyện Kiều, lấy ngón tay cái bấm vào một vị trí trong trang vừa mở, thấy mấy câu sau:

“Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang, hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây...”

Một trong những ấn bản truyện Kiều

Vì đang lúc bụng mang dạ chửa, lại bốc được 4 câu này thì coi như “gặp hạn” - bà quan sợ quá, suýt ngất xỉu. Bà liền cho gia nhân đi tìm thầy giỏi về luận giải xem lành dữ ra sao.

Sau mấy ngày dò la, biết được trong vùng có thầy Lý trưởng nhưng rất giỏi bói Kiều, ông này đang bị quan huyện bắt giam về tội không thu đủ tiền thuế của địa hạt do ông cai quản... Bà huyện liền lệnh cho cai lệ đưa ông Lý đến để nhờ luận giải quẻ này.

Ông Lý thưa rằng: “Luận Kiều phải đúng lễ nghi thì mới linh nghiệm”, bà huyện liền y theo, cho làm 3 mâm cỗ để thầy Lý cúng cho Từ Hải, Giác Duyên, Thúy Kiều... rồi mời thầy “thụ lộc” và hồi hộp chờ thầy “phán”.

Sau khi thụ lộc, thầy Lý bắt đầu đọc:

- “Phận sao phận bạc như vôi...”

Chỉ mới nghe thầy đọc mà bà huyện đã thấy hồi hộp, thầy đọc lại lần nữa chậm hơn:

- “Phận sao... phận bạc... như vôi...”

Bà huyện lại càng lo lắng, thầy Lý lại đọc lần 3, trầm hùng hơn, vang vọng như tiếng của định mệnh:

- “Phận - sao - phận - bạc - như - vôi...”

Nghe đến đoạn này, bà huyện tưởng chừng ngạt thở, choáng váng, xụp xuống lễ cầu xin các vị thánh thần từ bi gia ân, cứu khổ cứu nạn. Thầy Lý chờ cho bà huyện thành tâm cầu khẩn xong, mới ung dung giảng giải: “Bà lớn tuy là dòng dõi cao sang quyền quý, như rốt cuộc vẫn là phận đàn bà. Đã là đàn bà thì phải chấp nhận cái phận bạc như vôi rồi. Khi còn tấm bé thì được mẹ cha nuôi nấng, cưng chiều, chỗ tanh hôi, ướt lạnh thì mẹ nằm, chỗ ấm êm, khô ráo thì dành cho con... Mẹ cha chăm chút từ khi bé bỏng, còi cọc, ghẻ lở, hắc lào, chấy rận... đến khi lớn lên đẹp như hoa như ngọc, thì lại xuất gia về nhà chồng, thật là:

“Mẹ cha bú mớm nâng niu

Tội trời em chịu, không yêu bằng chồng...”

Như vậy, cái “phận bạc như vôi” này là cái phận chung của tất cả đàn bà chứ đâu phải chỉ có một mình bà lớn thôi đâu!”.

Nghe đến đây, bà lớn thấy thầy giảng thật là chí lý, nên cũng bớt phần lo lắng. Thầy phán câu tiếp theo:

- “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”, cái phận đàn bà, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, thuận duyên thì được vào nơi cao sang quyền quý, nghịch duyên thì sa vào cửa nghèo hèn, chẳng khác gì hạt mưa: “Hạt vào giếng ngọc, hạt ra cánh đồng”.

Khi xuất giá, tuy phải “vâng lời mẹ cha”, nhưng bà lớn không phải chịu cái cảnh thụ động “nhắm mắt đưa chân” mà là “tự nguyện theo ông lớn”. Cái chữ “đã đành” ở đây chứng tỏ bà lớn “đã chấp thuận”, tuy bề ngoài vẫn còn giọt ngắn giọt dài, “khấp như thiếu nữ vu quy nhật...”. Khóc mà chẳng buồn đau chút nào!

Chữ “nước chảy hoa trôi” tức là bà lớn không còn ở cảnh “cắm sào đợi nước” nữa, mà đã như “bông hoa trôi theo dòng đời của ông lớn” rồi. Bà lớn có thân phận cao quý (như bông hoa) trong phủ quan chứ không phải là hạng thân phận cỏ rác, bọt bèo bà chìm bảy nổi. Và khi bà lớn đã vu quy, tức là đã “trót lỡ làng” với ông lớn rồi thì không thể trở về chốn cũ được nữa, nên ứng với câu: “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Nghe thế, bà huyện khấp khởi reo lên: “Thầy đoán quá đúng, quá đúng”. Lời luận giảng của thầy Lý đã dẹp tan được bao âu sầu trong lòng. Bà thở phào nhẹ nhõm và xin thầy giảng tiếp. Nhưng thầy Lý lại lắc đầu nói: “Hôm nay chỉ luận được đến đây thôi, ngày mai tâm linh mới cho “giải” tiếp”.

Bà huyện lại bồn chồn chờ đến hôm sau, lại cho gia nhân làm cỗ thịnh soạn hơn hôm trước để thầy Lý cúng lễ và thụ lộc, rồi chờ thầy “phán”. Thầy đọc ngắt quãng: “Ôi Kim lang!” và dừng lại một lúc lâu rồi mới lại đọc tiếp: “Hỡi Kim lang!”.

Thầy nắc nỏm:

- Bà lớn sẽ sinh được cậu ấm (ứng với chữ kim lang), rồi sau đó bà lại sinh ra tiếp cậu ấm thứ 2. Như vậy lần này bà lớn sẽ sinh đôi 2 quý tử.

Bà huyện nghe thế reo lên mừng rỡ. Nhưng rồi bà lại bần thần bất an khi thầy lý đọc đến câu: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

Bà sốt sắng:

- Thưa thầy, sinh đôi là phúc rồi, nhưng liệu có được “mẹ tròn con vuông” hay không? Câu “thiếp đã phụ chàng...” nghĩa là thế nào? Mệnh hệ của tôi có bị sao không? Nhờ thầy xin các bậc tâm linh thương tình cứu vớt, tôi xin ăn chay niệm Phật, cúng dường Tam Bảo để đáp đền công đức.

Thầy Lý tỏ vẻ trầm ngâm, thương cảm. Thầy bảo hôm sau mới giảng được tiếp.

Ngày tiếp theo, từ sáng sớm, bà lớn đã cho bày cỗ bàn cực kỳ thịnh soạn, mời thầy Lý cúng lễ và thụ lộc rồi xin được thầy giảng tiếp. Thầy phán:

- “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây...” là chỉ liên quan đến phu quân, mà không nói đến cảnh con bị mồ côi, chứng tỏ bà lớn sau khi sinh vẫn an lành, không thể chết được.

Chẳng qua, khi lần này sinh đôi, thấy vất vả mệt nhọc và hiểm nguy quá, nên bà lớn sợ sinh đẻ. Khi ông lớn vào muốn ái ân cùng bà, bà thường xua tay: “Thôi thôi, tôi sợ sinh đẻ lắm rồi, không thể sinh tiếp cho tướng công được đâu. Tôi sẽ cưới cho tướng công nhị phu nhân thay thiếp nâng khăn sửa túi hầu hạ tướng công...”. Như vậy chẳng phải phu nhân đã “phụ” tấm lòng của quan lớn rồi sao?

Bà Huyện từ trạng thái thấp thỏm lo âu sang khấp khởi mừng thầm, bà vô cùng ngỡ ngàng bởi không thể ngờ rằng từ quẻ bói Kiều tưởng như điềm gở mà thầy Lý lại luận giải trở thành điềm lành, từ quẻ hung lại biến thành quẻ cát. Bà huyện tạ lễ cho thầy Lý rất hậu hĩnh và chu đáo.

Chừng khoảng 1 tuần sau, mọi sự diễn ra hoàn toàn trùng khớp với luận giải của thầy Lý. Bà huyện hạ sinh được 2 cậu ấm khôi ngô tuấn tú. Bà đem câu chuyện này kể cho chồng và vì quý trọng tài năng “bói Kiều” nên viên quan huyện đã tha bổng cho thầy Lý.

Bói Kiều là hình thức “tham khảo” ý kiến cụ Nguyễn Du, ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết tu tập tiếp xử cách nào cho có hạnh phúc và thành công trong năm tới. Muốn tham vấn, phải tới trước ban thờ Phật và tổ để lạy ba lạy thật cung kính, rồi ngồi xuống đặt tay vào thành chuông rồi đưa tay vào chuông bốc lên một quẻ.

Quẻ ấy được trao cho vị có nhiệm vụ đoán quẻ. Vị này là một người có kiến thức về văn chương truyện Kiều, có khiếu tâm lý và nhận xét, nhất là có kiến thức Phật pháp và kinh nghiệm tu tập. Trong lúc quẻ được một người ngâm lên, mọi người có mặt đều thực tập theo dõi hơi thở. Nên có tiếng đàn phụ họa giọng ngâm. Thời gian này là để vị đoán quẻ chiêm nghiệm.


Vũ Thế Khanh