Dân không được ốm?

14:58 | 25/08/2012

1,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Đã có hơn một nửa số tỉnh thành áp dụng giá dịch vụ viện phí mới từ ngày 1/8. Nhiều bệnh viện cũng đã và đang sẵn sàng đưa mức phí mới lên kịch trần mà mục đích quan trọng nhất được xem là sẽ đem lại lợi nhuận cho bệnh viện và tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế.

Vậy là đã có “chữ y, chữ chiểu” tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải thích nào thật thấu đáo vì sao trong khi cần khoan sức dân như miễn giảm dãn thuế thì viện phí lại phi mã hàng chục lần như vậy? Mối lo chất lượng phục vụ liệu có tương xứng với mức tăng viện phí và quyền lợi của người bệnh nghèo có được để mắt tới?

Hiện nay, với mức đóng bảo hiểm y tế chỉ 500 nghìn đồng một năm đã khiến hàng triệu người không kham nổi thì nói gì đến chuyện được chọn bác sĩ khám, được lựa nằm phòng dịch vụ hạng sang?

Giá dịch vụ y tế đã tăng nhưng bệnh viện vẫn quá tải

Mới đây, trong cuộc họp thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định rằng: “Bảo hiểm y tế toàn dân vẫn là khát vọng”, bởi theo tính toán thì đến năm 2020 cũng chỉ có 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Giấc mơ xa hãy đợi đấy nhưng trước mắt thì người nghèo chớ có ốm!

Tại TP Hồ Chí Minh, bất chấp việc vận động hỗ trợ rốt ráo cũng mới có hơn 4 triệu người được bảo hiểm y tế trong số 9 triệu dân đang sinh sống tại đây nhưng Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đã làm việc với bảo hiểm xã hội TP HCM để điều chỉnh mức viện phí tăng lên 70-80%.

Dù lâu nay mức viện phí mà các bệnh viện đã cao chót vót. Người ta dễ dàng tính được rằng, với mức tăng 70% như lãnh đạo Sở Y tế TP HCM tuyên bố, người bệnh khám thông thường sẽ mất ít nhất 100 nghìn đồng/lượt. Thuyền lên nước lên, giá khám dịch vụ chắc chắn sẽ cuốn theo chiều giá gây choáng cho con bệnh.

Chợt nhớ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có cả trăm bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế “bao” cho 95% rồi, thế mà chỉ 5% người bệnh còn lại vẫn không nộp nổi đành xin về nhà chờ chết.

Ở Hà Nội, Sở Y tế đề xuất mức giá viện phí mới bằng 73% mức khung Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, HĐND TP Hà Nội chưa thông qua mức viện phí mới. Vì thế, các bệnh viện ở thủ đô vẫn thực hiện thu theo mức viện phí cũ. Trên thực tế, việc tăng viện phí để đảm bảo việc cân đối thu chi, tái đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các bệnh viện là điều phải làm và chiếm vai trò hết sức cấp thiết trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính vì vậy, khi được HĐND thành phố thông qua, phê duyệt mức giá viện phí mới, lúc đó sẽ triển khai, áp dụng mức giá mới trên toàn địa bàn.

Mức tăng này cũng có thể là “mức chuẩn” mà giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành khác hướng tới. Tuy nhiên, theo thông tin của báo chí, sau hơn 20 ngày tăng viện phí, vẫn còn nguyên cảnh nằm ghép 3-4 người trên một giường, còn thái độ phục vụ của nhân viên y tế vẫn vậy và chất lượng cũng y chang trước khi tăng phí.

Câu chuyện người nghèo đừng ốm được lan truyền rộng rãi. Bà con bảo người nghèo có thể chưa được dùng nước sạch, vẫn phải thắp đèn dầu, đun than tổ ong, đạp xe đạp, chen xe buýt, nhưng ốm thì ngại tốn tiền không đi khám bệnh, đến khi bệnh nặng đi chữa thì tốn kém hơn nhiều. Người ta lạ lùng khi được biết các vùng còn nhiều khó khăn như Lào Cai, Đắk Lắk, Sóc Trăng… mà lại đề xuất tăng 100% các dịch vụ.

Cũng có ý kiến cho rằng, tăng viện phí là khó tránh nhưng vào lúc thóc cao gạo kém thì Bộ Y tế cần phải kiểm tra, giám sát, quản lý chặt, phòng ngừa té nước theo mưa ở các bệnh viện. Đặc biệt, những thầy thuốc có tự chữa được “bệnh” phong bì hay không, vì viện phí tăng thì tiền “lót tay” cũng tăng theo.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Y tế Việt Nam) chia sẻ: “Các bệnh viện cần phải xây dựng giá viện phí phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế mà đơn vị cung cấp. Tỉnh nào không xây dựng đúng quy trình đó thì là bất hợp lý. Bởi tăng viện phí là cơ sở để đảm bảo chi phí cho bệnh viện cung cấp đủ các chất lượng cho khám chữa bệnh, đấy cũng là biện pháp tích cực để giảm tải bệnh viện. Nhưng dù làm gì, các bệnh viện cũng phải đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân. Chúng tôi khuyến khích các dịch vụ y tế cao, khuyến khích tư vấn khám tại chỗ, nhưng không khuyến khích việc bệnh viện giữ người bệnh lại để trục lợi. BHXH sẽ tập trung giám sát, đánh giá kể từ khi mức tăng giá viện phí có hiệu lực, từ đó có biện pháp sửa đổi, tăng mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp”.

Việc xây dựng, áp dụng mức giá viện phí mới là cần thiết để các bệnh viện có nguồn để hoạt động. Khung giá mới phải có thêm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng bệnh viện và nhất thiết không được bỏ rơi người nghèo khi ốm đau bệnh trọng!

Minh Nghĩa

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)