Tăng viện phí là hợp lý

07:12 | 28/10/2015

565 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tăng giá phải tỉ lệ thuận với chất lượng dịch vụ, đó là quy luật của thị trường nói chung, chứ không chỉ ngành y tế. Cơ chế thị trường sẽ thải loại tất cả các cơ sở y tế ì ạch thay đổi tư duy, hoặc thói quen ban phát như lâu nay khi giá dịch vụ y tế được trả về đúng giá trị từ trung tuần tháng 11 tới đây...
tang vien phi la hop ly Tăng giá dịch vụ y tế không làm tăng chi phí khám chữa bệnh

Tính đúng, tính đủ chi phí

Theo đại diện Bộ Y tế, việc tăng giá dịch vụ y tế là để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Chính phủ. Hiện Chính phủ đã giao liên bộ Tài chính - Y tế sớm hoàn chỉnh thông tư để lộ trình được thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Đại diện bộ này cũng cho biết, lâu nay ngành y tế chỉ mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế (thuốc, vật tư; điện nước xứ lý chất thải; duy tu bảo dưỡng); còn lại 4 yếu tố (tiến lương, phụ cấp; sửa chữa tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tào, nghiên cứu khoa học) chưa tính đến. Bản thân các tỉnh, thành cũng chỉ mới tính được khoảng 60 đến 70% của 3 yếu tố đầu, chưa tính 4 yếu tố sau để cấu thành giá dịch vụ y tế tại địa phương mình.

tang vien phi la hop ly
Nhân viên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hướng dẫn người dân vào khám chữa bệnh

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên thông tin thêm, lẽ ra thời điểm tính đúng - đủ viện phí đã được thực hiện từ đầu quý II/2015. Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến và thực chất là ngồi tính toán lại với sự tham mưu của các bộ, ngành có yếu tố thương mại, tài chính, thì chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ vào có hiệu lực được lùi lại tới thời điểm cuối năm.

“Trong những băn khoăn của dư luận xã hội, tôi thấy nhiều ý kiến lo lắng xung quanh việc đưa lương và công tác đào tạo, bồi dưỡng vào viện phí. Nhưng quả thật, đứng vai Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội thực hiện quyền giám sát tối cao ở tất cả địa phương và mới thấy, ngân sách Nhà nước đang cực kỳ căng thẳng đối với ngành y tế”, ông Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề. “Chỉ tính riêng phần lương cho cán bộ làm việc trong các cơ sở y tế công thôi, cũng đã khủng khiếp rồi. Mà Nhà nước trả lương cho họ, nhưng nhân dân, người bệnh vẫn bị hành lên hành xuống, ban ơn, cửa quyền… gây nên bức xúc không nhỏ. Nói tóm lại là y đức có vấn đề trong một bộ phận cán bộ y tế ở các cơ sở công và chúng ta cần phải thay đổi hành vi đó. Chỉ bằng cách đánh thẳng vào hầu bao của họ mới mong thay đổi được!”.

Trở lại vấn đề tính đúng, tính đủ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội phân tích thêm, từ năm 2016 ngân sách hoạt động của các cơ sở tế chỉ còn hai nguồn - BHYT và bệnh nhân vãng lai. Khi giá dịch vụ y tế đã được trả về đúng vị trí, thì quyền lợi người bệnh phải dược đưa lên số 1. Viện phí thấp, ngoài BHYT, bệnh nhân chỉ phải một khoản tiền vừa phải. Nhưng khi giá dịch vụ y tế tăng lên, nguồn ngân sách nhà nước bỏ ra để mua BHYT cho đối tượng chinh sách đương nhiên cũng tăng theo. Vì vậy, nếu tính thẳng lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ sẽ là mũi tên trúng 2 đích. Bệnh nhân sẽ tìm đến những cơ sở chan hòa với người bệnh và có chuyên môn tốt. Chưa kể nếu việc cổ phần hóa những cơ sở y tế công có độ quan trọng ở mức vừa phải trong hệ thống y tế của cả nước (phải giữ lại những bệnh viện đầu ngành tuyến cuối - PV), thì mức độ cạnh tranh giữa các cơ sở y tế lại càng gay gắt và trong bối cảnh đó người sử dụng dịch vụ sẽ hưởng lợi.

Vận hành ra sao sau tăng giá?

Cả nước đang có hàng trăm cơ sở y tế là bệnh viện của địa phương, bệnh viện của bộ, ngành. Đây là đối tượng chịu tác động mạnh của chủ trương trên. Sau khi phổ cập, những cơ sở y tế trên chuyển từ hoạt động theo kiểu bao cấp sang hình thái hoạt động dịch vụ, biến ngành y tế thành ngành kinh tế và đây là một thay đổi rất lớn trong tư duy của lãnh đạo.

Cũng theo một nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, muốn cơ sở y tế trên hoạt động hiệu quả, chúng ta phải nhìn vào bộ máy quản lý và lãnh đạo của mỗi cơ sở y tế. Chúng ta quen hoạt động với hình thức bao cấp đã quá lâu rồi, giám đốc được cấp trên bổ nhiệm, trưởng khoa cũng được bổ nhiệm... Do đó, thật khó để chọn được người có tài để có thể lãnh đạo và quản lý bệnh viện trong cơ chế thị trường. Tình trạng bình mới rượu cũ sẽ làm nản lòng các nhà quản lý và có thể dẫn đến hiệu ứng đôminô xuống tận từng người lao động trong cơ sở đó.

“Lộ trình trên sẽ tác động rất mạnh đến tư duy của đội ngũ cán bộ, bác sĩ. Cấp lãnh đạo sẽ phải trăn trở nhiều hơn, trong khi cấp dưới của họ lại thoải mái tâm lý vì đồng lương, thưởng lĩnh hằng tháng, hằng quý sẽ đúng với cống hiến của họ”, vị chuyên gia trên chia sẻ. “Nhưng cái được lớn nhất là nếu làm tốt, cả ngành y tế sẽ được thơm lây”.

Mức độ cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt ngay từ vạch xuất phát bởi bệnh viện tư, vốn bị mang tiếng là viện phí cao - bỗng trở nên lợi thế. Trong cơ cấu khách hàng - bệnh nhân, bản thân các bệnh viện lâu nay cũng chỉ nhắm đến phân khúc khách hàng - bệnh nhân có tiền. Nhưng khi cả nước cùng sử dụng một khung giá chung, nói gì thì nói, những người có kinh nghiệm (bệnh viện tư nhân - PV) sẽ nằm nhiều lợi thế...  

Theo thông tư quy định thống nhất được Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH xây dựng, giá khám bệnh ngày giường vẫn theo hạng bệnh viện; riêng giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện, với lý do vì chi phí cho một kỹ thuật giữa các bệnh viện là như nhau. Dự kiến, có khoảng 1.800 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh lần này, trong đó tăng nhiều nhất là các thủ thuật, phẫu thuật đặc biệt. Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện theo lộ trình bằng cách lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ.

Trước mắt, lần điều chỉnh này chỉ áp dụng với bệnh nhân có thẻ BHYT. Những người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá hiện nay. Tuy nhiên, liên Bộ sẽ xem xét và hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh này đối với người không có thẻ BHYT năm 2016. Bộ Y tế cho biết, lần điều chỉnh giá lần này không ảnh hưởng nhiều tới người dân. Mặt khác, vì tính đúng, tính đủ, nên người dân sẽ không phải chi trả những vật tư tiêu hao trước đây chưa được tính vào giá dịch vụ y tế.

Ngành y là ngành đặc biệt. Đội ngũ bác sĩ và y tá giúp việc cũng là những người lao động đặc biệt. Nếu để đội ngũ lao động này… “buồn” thì đó quả là điều không hay cho xã hội.

T.A

Năng lượng Mới số 469