Xét tuyển đại học năm 2015:

Cuộc đua nguyện vọng 1 chưa có hồi kết

16:33 | 17/08/2015

2,470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 Đại học năm 2015. Tuy nhiên, đến hôm nay căng thẳng, hồi hộp, lo lắng, mất ngủ là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh có con thi đạt ngưỡng điểm từ 17-29 tại các trường ĐH ở TPHCM. Còn các em thí sinh thì khỏi phải nói, ngày nào cũng vào mạng Internet, đọc báo, nghe ngóng tình hình, đến trường để dò la thông tin và có cả những đêm mất ngủ vì không biết mình đỗ hay trượt.

Sáng nay (17/8) theo ghi nhận tại các điểm trường Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương cơ sở 2, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, ĐH Sài Gòn, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM… vẫn còn rất đông thí sinh và phụ huynh đến chờ rút hồ sơ hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Còn tại các trường như Đại học Sài Gòn, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Ngoại ngữ và Tin học (ĐH Huflit)… rất đông thí sinh và phụ huynh đến điều chỉnh nguyện vọng hoặc chờ nộp hồ sơ.

Tại trường Đại học Sài Gòn, em Thùy Trang cầm trên tay phiếu rút hồ sơ ngành Ngôn ngữ Anh. Trang cho biết em thi được 29 điểm (môn Anh văn 7 điểm đã nhân hệ số hai) nhưng em không chắc đã đỗ vì phổ điểm ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Sài Gòn ngày càng cao. Điểm xét tuyển dự kiến vào ngày 16/8 của ngành Ngôn ngữ Anh là 29,75. Khi kiểm tra thấy thứ hạng của em trong danh sách đã nộp hồ sơ vào ngành đang ngày càng tụt hạng em rất lo lắng, quyết định đến trường rút hồ sơ.

Cuộc đua nguyện vọng 1 chưa có hồi kết
Thí sinh đến Trường ĐH Sài Gòn đăng ký rút hồ sơ hoặc điều chỉnh nguyện vọng vào sáng ngày 17/8

“Từ sau khi biết kết quả thi đến hôm nay, cả gia đình em đều lo lắng, mất ăn mất ngủ. Ba má cũng động viên em nhưng em lo quá không biết có đậu nguyện vọng 1 không”, Trang chia sẻ. Em cũng cho biết là sau khi rút hồ sơ từ trường ĐH Sài Gòn thì em sẽ cân nhắc lựa chọn hoặc là Khoa Ngoại Ngữ của ĐH Huflit hoặc là Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học của ĐH Hoa Sen nhưng Hoa Sen thì học phí khá cao nên em vẫn đang đắn đo suy nghĩ. “Còn ba ngày nữa, em về nhà và tìm hiểu xem thông tin của ĐH Huflit và ĐH Hoa Sen, nếu thấy trường nào chắc chắn đậu thì em sẽ nộp vào, có thể đến tận ngày 20 em mới nộp”. Trang nói mà khuôn mặt em rất nặng nề.

Cùng đi với Trang là Cúc, cả hai học cùng lớp. Cúc nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Lý của ĐH Sài Gòn. Cúc thi được 30 điểm trong đó môn Lý đã nhân hệ số hai. Cúc cho biết là em đăng ký nguyện vọng 2 là hệ Cao đẳng của ĐH Sài Gòn bộ môn Toán – Lý – Hóa. Cúc tỏ ra rất tự tin nếu không đậu nguyện vọng 1 ĐH thì sẽ học nguyện vọng 2 hệ cao đẳng. “Em chỉ thích làm giáo viên dạy Lý thôi chị ạ nên em xác định rồi và quyết định không rút hồ sơ”. Cúc bảo gia đình em cũng không quá căng thẳng như gia đình bạn Trang vì ba má em xác định em có thể sẽ học nguyện vọng 2, sau đó học liên thông lên ĐH.

Có mặt tại sân Trường ĐH Sài Gòn, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn tiếp tục bàn về câu chuyện con mình tăng hạng, rớt hạng ở nhóm ngành này. Ngành này của Trường này tăng điểm, trường kia giữ nguyên điểm dự kiến. Và nên chọn ngành này và không chọn ngành kia. Ai ai cũng bảo, từ ngày bắt đầu nộp hồ sơ cho con rồi thì cứ hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, ngày nào cũng vào website của trường xem điểm ra sao, con mình nằm ở thứ hạng bao nhiêu trong tổng số hồ sơ nộp vào. Mỗi khi thấy con rớt hạng thì huyết áp lại tăng. Hồi hộp quá. Có vị phụ huynh còn ca thán: “Nếu kéo dài tình trạng này một tháng chắc tôi tăng xông chết mất”.

Cuộc đua nguyện vọng 1 chưa có hồi kết
Chờ đợi, lo lắng, hồi hộp là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh và thí sinh

Ông Trúc nhà ở quận 4 đang ngồi chờ con đi rút hồ sơ. Trò chuyện thì ông cho biết, con gái ông thi được 28,5 điểm, môn Anh văn đã nhân hệ số hai. Đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Sài Gòn. Hằng ngày ông đều vào bản tin 360 độ, vào trang web của trường và mua báo đọc để xem thứ hạng con mình nằm ở đâu. Cứ mỗi lần tên của con tụt thứ hạng thì lại căng thẳng cực độ. Hôm qua xem thì con bé từ 190 tụt xuống ở thứ hạng 300 trong khi nhà trường lấy ngành Ngôn ngữ Anh (Anh, Văn, Toán) chỉ tiêu chỉ 190. Nên hôm nay hai cha con quyết định lên trường rút hồ sơ để nộp vào ngành Quản lý giáo dục.

Nói đến đây rồi ông than: "Hai anh chị nó một đứa học ĐH Công nghiệp, một đứa học ĐH Mở êm ru à, thi xong, biết điểm là nhắm biết mình đậu hay rớt. Còn đứa út này sinh trúng tuổi con Trâu sao khổ quá. Thi xong rồi mà cứ hồi hộp không biết đậu rớt như thế nào. 12 năm cố gắng rồi, giờ chờ tí xíu nữa, cố gắng tí xíu nữa mà sao mệt mỏi, căng thẳng quá. Nhiều đứa thi xong biết điểm cao, thấy háo hức lắm, nộp hồ sơ xong, giờ đùng cái bị văng ra. Nhiều đứa bạn nó sốc lắm".

Đến Đại học Sư Phạm TPHCM gặp ông Quân cũng đang ngồi chờ con đi rút hồ sơ, thì ông bảo: “Tôi bảo con tôi thôi đăng ký nguyện vọng hai, nguyện vọng 3 học cao đẳng cũng được, 23-24 điểm thì chắc chắn là đậu cao đẳng rồi, sau hãy học liên thông lên Đại học mà nó nhất quyết không chịu. Nó bảo bạn bè con chơi cùng nhóm đậu đại học hết mình con học cao đẳng sao được. Quê lắm ba ơi”.

Theo dự báo thì vào chiều ngày 18/8 sau khi các trường công bố điểm chuẩn dự kiến nguyện vọng 1 thì sẽ tiếp tục có một cuộc chạy đua mới. Những em không nằm trong ngưỡng điểm an toàn và bị tụt hạng sẽ tiếp tục đi rút hồ sơ. Một cuộc rút hồ sơ ào ạt và những trường tốp dưới đang chờ lượng hồ sơ này trong hai ngày còn lại của thời hạn chót nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1.

Tự nhiên thấy thấm câu nói của một bà mẹ khi chờ con rút hồ sơ ở trường ĐH Sư phạm TPHCM: “Cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 1 năm nay giống như một canh bạc. Rất nhiều đứa đánh bạc mà không biết mình thắng hay thua. Kết quả chỉ chờ sau ngày công bố kết quả xét tuyển. Từ giờ đến đó, sẽ còn rất nhiều phụ huynh và học sinh đau tim, tụt và tăng huyết áp”.

T. Thanh

Năng lượng Mới