Có một chữ “Liêm”

07:00 | 28/11/2014

2,873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông về cõi đã hơn 10 năm rồi, nhưng bà con quê hương Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vẫn nhớ về ông Trần Kiên như một tấm gương sáng về đức liêm chính của người con ưu tú của quê hương.

Năng lượng Mới số 378

Ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó bí thư Khu ủy Quân khu 5; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Nghĩa Bình, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân truyền tụng nhau những câu chuyện về ông Kiên, học trò ưu tú của Bác Hồ, biết coi trọng chữ “Liêm”.

Đây là câu chuyện về một cựu Bí thư Trung ương Đảng sống thanh bạch và liêm khiết đến kỳ lạ... Nghỉ hưu, nguyên Bí thư Trung ương Đảng trả ngay cho Nhà nước ngôi biệt thự hai tầng ở khu Trung Tự (Hà Nội), trả lại hết mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ cấp cao. Ông xin được trở về quê hương Quảng Ngãi sinh sống. Người dân Quảng Ngãi đón ông trở về với gia tài của cả một đời làm cán bộ gồm cả giường, tủ, sách vở, tương cà mắm muối chất chưa đầy một chiếc xe tải nhỏ. Trong đó, giá trị nhất là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp.

Nghịch cảnh biệt thự ông Truyền và nhà dân bên cạnh

Một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kể lại: Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thường trực Ban Bí thư đã giao cho Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính quản trị Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi lo việc xây dựng nhà ở cho ông tại Quảng Ngãi. Nhưng ông không chịu và xin phép trung ương là “không chấp hành quyết định này” vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, còn nhiều đồng chí, đồng bào đang gặp khó khăn. Số tiền đó nên dùng vào việc chung thì có ích lợi hơn. Ông chỉ xin địa phương cấp một mảnh đất nhỏ, rồi dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây dựng nhà ở mà không đòi hỏi một thứ quyền lợi nào khác.

Nghỉ hưu là thôi chức sắc, nhưng ông chưa bao giờ ngừng công tác. Với chiếc xe đạp cọc cạch, cựu Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên vẫn có mặt đây đó trên các huyện miền núi, đến với đồng bào những vùng nghèo khó nhất để sau đó cùng tỉnh ủy bàn cách xóa đói giảm nghèo cho bà con. Chuyện kể rằng, khi ông Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) về thăm Quảng Ngãi, thấy ông Kiên đi xe đạp, đã đề nghị Trung ương cấp cho ông một chiếc xe hơi. Nhưng ông lại từ chối, xin được đi xe đạp để gần dân.

“Tể tướng Trần Kiên” (nhiều người trong quê gọi ông như vậy) từ chối mọi ưu đãi mà một cán bộ lãnh đạo cấp cao có quyền được hưởng, thậm chí từ chối mọi sự “hỗ trợ” mà ông cho là không đúng. Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi kể, có lần thường trực tỉnh ủy định “trang bị” cho ông một chiếc tủ lạnh và một chiếc máy giặt. Ông đồng ý nhận một cách rất vui vẻ... Nhưng không ngờ độ 10 ngày sau, ông mang tiền đến trả coi như cơ quan mua giùm.

Nhân vụ nhà đất của ông Trần Văn Truyền vỡ lở, đã có nhà báo tìm đến thăm ông Sáu Thắng (Nguyễn Văn Thắng) cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khi ông Trần Văn Truyền mới là Phó bí thư Thường trực mà lòng đau quặn khi thấy cấp trên của ông Truyền nay lọ mọ sống trong căn hộ vài chục mét vuông được bán theo Nghị định 61/CP, không bằng góc bếp trong khu dinh thự của ông Truyền.

Chữ “Liêm” của ông Kiên, ông Thắng và hàng trăm cán bộ cấp cao khác về hưu đang sống thanh bạch, thanh thản, thanh liêm được dân tin yêu quý trọng.

Người dân càng bất bình tự hỏi, vì sao người từng được ví như Bao Công thời nay và đã từng lớn tiếng chống mọi hiện tượng sai trái, tham nhũng như ông Truyền mà lại đốc chứng sai phạm ở mức độ cao và có hệ thống như vậy?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá vi phạm của ông Truyền là “thiếu trung thực, có việc vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm. Những việc làm của ông Trần Văn Truyền gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng”.

Bạn đọc băn khoăn về duy danh định nghĩa sai phạm của ông Truyền là gì để đi đến nhận định là ông đã “phản bội nhân dân”.

Đánh giá kết luận liên quan đến vấn đề nhà, đất của ông Trần Văn Truyền, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận xét rằng, đây là bài học không chỉ cho cá nhân ông Truyền mà còn cho những người khác trong công tác quản lý cán bộ cao cấp.

Đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, vụ việc này nghiêm trọng thì không thể chấp nhận được. Sai phạm của ông Truyền liên quan đến kỷ luật Đảng và liên quan đến pháp luật.

Chữ “Liêm” chỉ có 4 ký tự mà sao khó giữ thế! Hóa ra sao nhãng thực hiện lời dạy của Bác sẽ đều như vậy và thật đáng xấu hổ!

Bảo Dân