Chuyện của ngành Cà phê: Đổi mới để phát triển bền vững

13:13 | 31/05/2012

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với những lợi thế riêng, các sản phẩm nông – lâm sản, đặc biệt là cà phê luôn được xem là một trong những mặc hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, những lợi thế đó đang dần mất đi, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê khi mà năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, hạ tầng sản xuất yếu kém,...

Hoạt động sơ chế cà phê ở nước ta rất thủ công.

Mất dần lợi thế

Cà phê Việt Nam chủ yếu dành cho xuất khẩu (trên 90%), là một trong những mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu chủ lực của nước ta (cùng với gạo, hạt tiêu, thủy sản, cao su, điều, gỗ) và đã gia nhập “câu lạc bộ 1 tỉ USD”. Thực tế, từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu hàng đầu thế giới. Điều này có được là do chất lượng cà phê của Việt Nam được thị trường thế giới đánh giá tốt, giá thành hợp lý,… Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì xuất khẩu cà phê trong năm 2012 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 2 tỉ USD, thấp hơn năm 2011 khoảng 0,1 tấn về lượng và 700 triệu USD về kinh ngạch xuất khẩu.

Lý giải cho điều này, TS Chu Tiến Quang – Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Ngoài các yếu tố tác động từ thị trường kinh tế thế giới thì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, máy móc thiết bị phục vụ chế biến sơ sài, chủ yếu là phơi sân (tỉ lệ dùng máy sấy chỉ đạt 20%), khả năng cạnh tranh của các DN kinh doanh cà phê Việt Nam còn nhiều hạn chế do DN kinh doanh cà phê nước ngoài có máy móc thiết bị hiện đại hơn, chi phí đầu vào thấp hơn và chất lượng sản phẩm tốt hơn,… cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đáng chú ý, nếu so với yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chất lượng xuất khẩu, năng lực chế biến ở khâu sơ chế chỉ đạt khoảng 20%; khâu tinh chế đạt 40% (đặc biệt công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt khoảng 20%).

“Việc tăng kinh ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây chủ yếu là do giá cà phê của thế giới tăng, khi nhu cầu tiêu dùng cao nhưng nguồn cung hạn chế do các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil mất mùa bởi sương giá, Indonesia gặp động đất, hạn hán… chứ không phải nhờ chất lượng cà phê tăng lên”, TS Chu Tiến Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, mặc dù được đánh giá khá tốt về mặt chất lượng song chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam lẫn nhiều tạp chất, thiếu ổn định do khâu sơ chế yếu, việc buôn bán cà phê không áp dụng theo tiêu chuẩn,… Điều này được thể hiện ở lượng thải cà phê ở Việt Nam ở các cảng luôn chiếm tỉ lệ lớn. Điển hình là vụ 2005/06 ở cảng Antewrp, tổng số bị thải loại là 796.583 bao cà phê thì có tới 613.667 bao, chiếm 72% lô hàng xuất khẩu là của Việt Nam. Còn nếu tính tất cả 10 cảng: Amsterdam, Antewrp, Barcelona, Bremen, Genoa, Hamburg, Le Harve, London, Rotterdam, Trieste, tổng số cà phê bị loại là 1.485.750 bao thì lượng thải loại của Việt Nam là 1.074.500 bao, chiếm 72,32%. Để xảy ra tình trạng này chủ yếu là do Việt Nam bán cà phê ở dạng “xô”, phân loại theo tiêu chuẩn cũ 4193:1993, theo đó cà phê chỉ được đánh giá đơn giản theo 3 tiêu chí: hàm lượng ẩm, hạt đen vỡ và tạp chất.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu của các DN sản xuất kinh doanh cà phê còn rất hạn chế, thậm chí là yếu nên khi ký kết hợp đồng, các DN sản xuất, chế biến cà phê thường gặp phải những khó khăn trở ngại về luật pháp quốc tế và chưa có điều kiện để kiểm tra độ tin cậy đối với các đối tác nước ngoài.

Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng là vấn đề nổi cộm nhất đối với cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới và nếu không có sự đổi mới mạnh mẽ về trang thiết bị, công nghệ, quy mô sản xuất, quy mô chế biến thì những lợi thế của cà phê Việt Nam sẽ dần mất đi.

Tìm lời giải từ chính sách vĩ mô

Rất ít doanh nghiệp cà phê chú ý đến việc xây dựng thương hiệu.

Và để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trên, cũng như giữ vững vị thế trên thị trường cà phê Việt Nam thế giới, TS Chu Tiến Quang cho rằng: Chính phủ cần hoạch định chiến lược phát triển ngành hàng nông, lâm sản nói chung và cà phê nói riêng trên phạm vi nền kinh tế như một chiến lược sống còn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và các chính sách cần thiết để thực hiện chiến lược đó. Tiếp tục thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, phạm vi ngành, vùng và địa phương. Trong đó cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án cụ thể để phát triển ngành hàng nông, lâm sản. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ ngành nông, lâm nghiệp theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng các biện pháp hỗ trợ mà Hiệp định nông nghiệp của WTO đã quy định. Tạo điều kiện thuận lợi để nông dân và DN có thể phản ứng nhanh nhạy, có hiệu quả trước sự thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp trực tiếp hỗ trợ DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, nâng cao năng lực quản trị điều hành DN, đáp ứng đòi hỏi của cơ chế thị trường, giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng gia nhập thị trường thông qua tham gia các chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp là ưu tiên hàng đầu để xây dựng thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới. Triển khai các biện pháp nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm mới, khắc phục tình trạng chất lượng sản phẩm thấp, không đồng đều và giá thành cao, khiến cho DN gặp khó cạnh tranh trong tiêu thụ. Hỗ trợ DN liên kết, liên doanh để tạo nên sức mạnh cộng đồng, khắc phục tình trạng tranh mua tranh bán trên thị trường và sự yếu kém về quy mô nhỏ bé của mình.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông – lâm sản; Các chính sách thuế (kể cả các ưu đãi, miễn giảm) cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, vừa tạo thuận lợi cho các DN; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ DN sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản; Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các ngành hàng nông, lâm sản;…

Thanh Ngọc