Cần thay đổi thái độ với người bệnh

07:00 | 28/02/2017

649 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếp tục chương trình khảo sát thực tế tại các bệnh viện về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, công tác vệ sinh xanh, sạch, đẹp bệnh viện… Sáng ngày 22-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thăm và khảo sát một số bệnh viện tại Hà Nội.

Đông y và hô hấp khám… chung phòng

Điểm đến bất ngờ đầu tiên của Bộ trưởng chính là Bệnh viện Xanh Pôn, một trong những bệnh viện đầu ngành của Hà Nội, nhưng đáng tiếc, có mặt tại Khoa Khám bệnh lúc 9h, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tận mắt chứng kiến và tiếp nhận nhiều phản ánh về Bệnh viện Xanh Pôn. Trước cửa phòng khám, các sảnh chờ số bệnh nhân đợi đến lượt khám chật như nêm. Phần lớn đều có bệnh mãn tính đến tái khám, xét nghiệm máu và lấy thuốc. Khi được Bộ trưởng hỏi thăm, nhiều người phàn nàn với Bộ trưởng về thời gian phải chờ đợi quá lâu, quy trình khám chữa bệnh còn chưa khoa học, có khi hết cả ngày chờ.

Bà Nguyễn Thị Bích La ở Lương Ngọc Quyến đến khám tim mạch từ lúc 8h và lấy số thứ tự là 30, tuy nhiên chờ mãi đến thời điểm 9h20 là thời điểm trò truyện với Bộ trưởng vẫn chưa được gọi vào khám. Đáng nói hơn là bảng điện tử trước phòng khám bị hỏng nên chẳng biết đến số bao nhiêu, đã bao nhiêu bệnh nhân vào khám cũng như bệnh nhân ngồi chờ, khoảng bao lâu nữa thì tới lượt. Chính vì tình trạng như vậy mà bà Bích La cũng như nhiều bệnh nhân khác ở đây không dám đi đâu vì sợ bác sĩ gọi không có mặt lại mất… lượt.

can thay doi thai do voi nguoi benh
Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát Bệnh viện Xanh Pôn

Bệnh nhân Hoàng Thị Kim Phương thì phàn nàn, hiện các khu vực lấy thuốc, lấy mẫu xét nghiệm… lẫn lộn như vậy sẽ rất lộn xộn và bệnh viện nên tổ chức lại riêng biệt các khu này để trật tự hơn, dễ bề hoạt động không chỉ cho các bác sĩ khám chữa bệnh mà còn cho cả bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc, 58 tuổi, ở Đống Đa thì thẳng thắn nhận định: “Khâu tổ chức, quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn rất phiền phức cho bệnh nhân. Lần trước tôi đến đây khám tiểu đường, đợi mãi mới xếp được sổ lấy số thứ tự, rồi lại đợi mãi mới tới lượt khám. Lúc này mới được chỉ định đi lấy máu, xét nghiệm. Đợi đến trưa mới có kết quả, quay lại phòng bác sĩ khám thì đã đến giờ nghỉ trưa. Thế là chiều phải quay trở lại để được bác sĩ chỉ định thuốc, lấy thuốc”.

Một bệnh nhân khác phản ánh với Bộ trưởng, cán bộ thu thẻ BHYT và sổ khám bệnh của bệnh viện còn xẵng giọng, thiếu hòa nhã với bệnh nhân.

Vào bên trong, Bộ trưởng cùng đoàn công tác còn ngạc nhiên hơn khi bệnh viện bố trí 2 bàn khám gồm 1 bàn khám tim mạch, 1 bàn khám nội chung trong phòng khám ấy hay khám đông y và hô hấp cũng chung phòng khám khác. “Như vậy là sai hết quy trình của Bộ Y tế”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê nhận xét ngay với Bộ trưởng, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn.

Tiến bộ nhưng vẫn phải khắc phục

Sau khi thị sát tại một số khu vực khác trong bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện Xanh Pôn thời gian qua có rất nhiều thay đổi tích cực, cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều so với đợt kiểm tra trước đây của chính Bộ trưởng. Đặc biệt, khu Trung tâm Kỹ thuật cao của bệnh viện được thành phố hợp tác với nước ngoài đưa kỹ thuật cao vào phục vụ nhân dân là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại bệnh viện và đặc biệt việc tổ chức khám chữa bệnh chưa khoa học, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu của bệnh viện đáng phải xem xét, sắp xếp lại. Bộ trưởng cho rằng, cách bố trí từ khâu tiếp đón, phân chia bàn khám, khu vực chờ đợi khám, lấy mẫu xét nghiệm… phải phân khu riêng, cải tiến quy trình tiếp đón bệnh nhân, quy trình khám chữa bệnh làm sao để tạo thuận lợi nhất cho người bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vừa qua khi chấm điểm độc lập các bệnh viện về thái độ phục vụ, Bệnh viện Xanh Pôn chỉ đạt trên 76 điểm - mức thấp so với mặt bằng chung là 86 điểm. Vì vậy, bệnh viện phải tiếp tục tập trung vào cải tiến khoa khám bệnh, tiếp tục chấn chỉnh thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên. Bộ trưởng nói: “Tập trung vào dịch vụ kỹ thuật cao là tốt, nhưng phục vụ bệnh nhân BHYT, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn phải quan tâm hàng đầu. Vì nếu chúng ta không tôn trọng bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ quay lưng với mình, bệnh viện sẽ mất nguồn thu”.

Tiếp tục thị sát Bệnh viện Thanh Nhàn, Bộ trưởng đã đến thăm, kiểm tra thực tế công tác khám chữa bệnh tại các khoa Cấp cứu Nội, Ngoại, Sản và Nhi. Tại đây, Bộ trưởng đã trực tiếp hỏi thăm các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện, về phong cách phục vụ của cán bộ y tế… Trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mẹ một bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, chị rất vui mừng khi các bác sĩ điều trị cho con chị có thái độ rất hòa nhã, tận tâm, tận tình với bệnh nhân. Chị bảo dường như chỉ đạo của Bộ Y tế về việc thay đổi thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của các nhân viên y tế ngày càng thể hiện rõ trong từng hành động, lời nói. Và đó không chỉ là ý kiến của riêng mẹ bệnh nhi mà còn là ý kiến của nhiều người nhà bệnh nhân và bệnh nhân khác tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Kết thúc chương trình thị sát tại Bệnh viện Thanh Nhàn, phát biểu với lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các khoa, phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những đổi mới của bệnh viện trong xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, cách sắp xếp các phòng, bàn khám và khu vực chờ khám đã khoa học hơn… làm cho người bệnh hài lòng không chỉ về cơ sở vật chất mà về cả tinh thần phục vụ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Bệnh viện Thanh Nhàn cần quyết liệt đổi mới trong công tác quản trị, xây dựng mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp, đặc biệt chú ý đến các nhà vệ sinh tại các khoa, phòng…

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã tới kiểm tra Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Bộ trưởng đã lưu ý phòng tiêm chủng của trung tâm phải bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát kỹ tiền sử bệnh tật của các bé để tránh tai biến, đồng thời trong phòng tiêm phải bố trí khoa học, để có thể tăng được bàn tiêm mà vẫn đảm bảo an toàn cho tiêm chủng…

Sau những lần “vi hành” của Bộ trưởng Bộ Y tế, chất lượng điều trị khám chữa bệnh, phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế cải thiện hẳn so với trước đây. Và điều đó cũng cho thấy, “lãnh đạo không nói chơi” khi Bộ trưởng kiên trì giám sát theo “quy trình” từ lúc xây dựng chủ trương, triển khai chủ trương và đánh giá “nghiệm thu” chủ trương nhằm mục đích thay đổi bằng được, khắc phục bằng được những tồn tại của ngành y. Hy vọng tinh thần đó của Bộ trưởng cũng được truyền sang lãnh đạo các bệnh viện và toàn thể nhân viên y tế để ngành y xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”.

Nguyễn Bách