Cam kết tại COP28 có ý nghĩa gì với châu Á?

07:06 | 06/12/2023

164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà phân tích cho rằng các nền kinh tế châu Á sẽ chịu áp lực mới trong việc cắt giảm than và tăng cường các mục tiêu năng lượng xanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP28
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP28. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28), hơn 110 quốc gia tán thành thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế gọi đây là “đòn bẩy quan trọng nhất” để hạn chế lượng khí thải carbon và tránh điểm tới hạn trong sự nóng lên toàn cầu.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, thỏa thuận này dự kiến sẽ mang lại cho ngành công nghiệp năng lượng và các nhà đầu tư sự "rõ ràng và có thể dự đoán được", cũng như huy động vốn tư nhân rất cần thiết trên toàn thế giới.

Bà Leyen nói thêm tại cuộc đàm phán ở Dubai rằng tiến trình của hiệp ước sẽ được theo dõi và báo cáo để đảm bảo nó được hoàn thành.

Theo Ủy ban Châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Bangladesh nằm trong số các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ mục tiêu này, đồng thời cam kết tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào cuối thập kỷ này.

Tuyên bố của Hội nghị COP28 cho biết, các quốc gia hỗ trợ không có nghĩa vụ phải tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo, nhưng họ phải thực hiện các hành động toàn diện trong nước để góp phần đạt được cam kết này.

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá, vẫn chưa ký thỏa thuận, nhưng cả hai nước đều đã công bố riêng các kế hoạch hướng tới mục tiêu toàn cầu được coi là quan trọng đối với Thỏa thuận Paris 2015, nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), để đạt được mục tiêu đã đề ra đòi hỏi thế giới phải đạt được 11.000 GW năng lượng tái tạo, hoặc tăng thêm khoảng 7.800 GW trong 7 năm tới. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ chiếm phần lớn công suất bổ sung với lần lượt là hơn 4.000 GW và 2.600 GW, tăng gấp 5 và 4 lần so với mức của năm 2022.

Hơn 110 quốc gia ủng hộ cam kết tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Hơn 110 quốc gia ủng hộ cam kết tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember cho thấy, việc tăng gấp ba nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập kỷ này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Các chuyên gia của Ember cho biết thêm, việc xem xét các mục tiêu quốc gia của 57 quốc gia và Liên minh châu Âu - chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu hiện nay - cho thấy thế giới đang trên đà tăng gấp đôi công suất vào năm 2030, và đang có cơ hội tăng trưởng nhanh hơn.

Tuy nhiên, các ưu tiên khác nhau giữa các quốc gia thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo theo tốc độ khác nhau. Ember cho biết Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm nhiều hơn nữa để đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng.

"Là những nước phát thải bình quân đầu người cao, đã được công nghiệp hóa, các quốc gia này có trách nhiệm phải tiến nhanh hơn phần còn lại của thế giới", báo cáo của Ember nêu rõ.

Tuy nhiên, ba nền kinh tế này cũng đang nỗ lực để giảm phụ thuộc năng lượng than, loại nhiên liệu hóa thạch thải nhiều carbon nhất và được nhiều người coi là mối nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trung Quốc đang trên đà tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tương tự, Ấn Độ, Indonesia và Philippines đặt mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trong cùng kỳ.

Theo nhà phân tích Dinita Setyawati của Ember, công suất năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng được kỳ vọng sẽ vượt mục tiêu đến năm 2030 vì công suất hiện tại của họ đang ở mức khá thấp và vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Bà Dinita Setyawati nói: “Chúng ta cũng nên lưu ý rằng các nguồn năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như thủy điện và năng lượng địa nhiệt, cũng quan trọng không kém đối với khu vực”.

Ưu tiên của các nền kinh tế đang phát triển với các mục tiêu đầy tham vọng nằm ở việc đẩy nhanh triển khai và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. IRENA cho biết, lưới điện trong nước sẽ cần phải mở rộng, hiện đại hóa và vận hành linh hoạt hơn để đối phó với sự gia tăng năng lượng tái tạo.

Báo cáo tháng 10 của cơ quan này chỉ rõ: “Cấu trúc tài chính toàn cầu phải được cải cách để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Nam bán cầu bằng cách tăng cường nguồn tài chính cho phát triển và chuyển hướng vốn đầu tư công từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo".

Theo IRENA, cần có các biện pháp quản lý để khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt cho các thiết bị và lực lượng lao động để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển.

Ông Gerry Arances, Giám đốc điều hành của Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển có trụ sở tại Philippines cho biết: “Cam kết này là lời nhắc nhở đến các chính phủ ở châu Á cần tập trung vào việc tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng, đầy đủ sang năng lượng tái tạo”.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượngCác đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Dubai, bắt đầu tham dự COP28 và hoạt động song phương tại UAEThủ tướng Phạm Minh Chính tới Dubai, bắt đầu tham dự COP28 và hoạt động song phương tại UAE
COP28: Các nước đang phát triển cần được đầu tư nhiều hơnCOP28: Các nước đang phát triển cần được đầu tư nhiều hơn
Đan Mạch và Việt Nam đạt được gì từ COP28?Đan Mạch và Việt Nam đạt được gì từ COP28?