COP28: Các nước đang phát triển cần được đầu tư nhiều hơn

07:46 | 03/12/2023

285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một nhóm chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc cho biết hôm thứ Bảy rằng, việc đầu tư chưa đủ nhiều ở các nước đang phát triển gây ảnh hưởng tới những nỗ lực giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời kêu gọi COP28 thúc đẩy "sự thay đổi căn bản".
COP28: Các nước đang phát triển cần được đầu tư nhiều hơn

Hội đồng cấp cao về tài chính chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc từng chia sẻ vào năm 2022 rằng, các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) cần chi khoảng 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm cho năng lượng sạch và khả năng phục hồi khí hậu vào năm 2030, gấp 4 lần so với mức hiện tại.

Trong một phân tích được công bố ngay trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai, các tác giả đã cảnh báo rằng đầu tư vào khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi “đang ở trạng thái bế tắc” và hành động ngắn hạn là điều cần thiết.

Đồng tác giả nghiên cứu Nicholas Stern cho biết: “Tại sao chúng ta chưa thể đi đúng hướng về lượng khí thải? Bởi vì chúng ta chưa đầu tư đủ vào những gì cần làm để giảm lượng phát thải”.

Các cuộc đàm phán COP28 diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12, sẽ chủ yếu xoay quanh việc đánh giá những tiến bộ hạn chế mà thế giới đã đạt được trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Báo cáo cho biết nguồn tài trợ không đủ sẽ "làm Paris thất bại", đề cập đến thỏa thuận lịch sử năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Ông Stern nhấn mạnh: “Hậu quả sẽ rất tàn khốc, đặc biệt đối với người dân ở các nước kém phát triển”.

Nhiều nước đang phát triển, những nước ít phát thải khí nhà kính nhất, lại nằm trong số các nước phải hứng chịu tác động nặng nề từ sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao.

Nhưng họ cũng nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với nhu cầu ngày càng tăng mà các chuyên gia cho rằng có thể được đáp ứng tốt hơn bằng cách chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, miễn là họ có thể thoát khỏi gánh nặng nợ nần và tiếp cận được các nguồn tài chính.

Báo cáo cho biết 1,4 nghìn tỷ trong số 2,4 nghìn tỷ USD cần thiết sẽ là chi tiêu trong nước, đồng thời bổ sung rằng nguồn tài trợ tư nhân quốc tế phải tăng hơn 15 lần và nguồn vốn từ các ngân hàng phát triển đa phương phải tăng gấp ba.

Ông Stern, tác giả của một báo cáo mang tính bước ngoặt năm 2006 về tác động kinh tế của hiện tượng nóng lên toàn cầu cho biết: “Đây là một sự thay đổi căn bản”.

Nhà kinh tế Vera Songwe, một đồng tác giả khác của báo cáo, nói với các phóng viên: “Càng chờ đợi lâu thì chi phí càng tăng”, đồng thời cảnh báo rằng nhu cầu đầu tư ước tính có thể sẽ phải tăng lên vào năm 2025 nếu tiếp tục trì hoãn hành động.

Bà Songwe cho biết: “Chúng tôi biết những gì là cần thiết, nhưng khoảng cách giữa những gì cần thiết và những gì hiện có vẫn còn rất lớn”.

Đằng sau những cuộc đàm phán về khí hậu tại COP28Đằng sau những cuộc đàm phán về khí hậu tại COP28
COP28 bị tố cáo phục vụ lợi ích cho ngành dầu mỏCOP28 bị tố cáo phục vụ lợi ích cho ngành dầu mỏ
Các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượngCác đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng

Anh Thư

AFP