Buồn như thầy đồ… thi hỏng!

19:00 | 04/02/2015

1,913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Con số 70% “thầy đồ” không vượt qua được kỳ sát hạch để được vào Hồ Văn “cho chữ” xuân Ất Mùi quả khiến nhiều người dân ngỡ ngàng.

Thầy đồ cũng đi thi

Với mục đích đảm bảo chất lượng con chữ, tránh tình trạng viết sai, viết ẩu đồng thời nâng tầm hoạt động viết thư pháp từ tự phát sang tự giác, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sát hạch các ông đồ để chuẩn bị cho “Hội chữ Xuân” năm nay.

Tuy nhiên, sau cuộc sát hạch thì con số 70% thầy đồ thi trượt đã không khỏi khiến nhiều người dân ngỡ ngàng.

Nội quy của cuộc thi sát hạch là mỗi thầy đồ phải thi hai phần gồm: Chữ Quốc ngữ và chữ Hán Nôm, nội dung viết về mùa xuân hoặc khuyến học. Yêu cầu của Ban tổ chức là chữ viết phải đúng quy cách về mặt thư pháp, bố cục, đường nét, trình tự và vị trí đóng triện… Thế nhưng, trong phần thi chữ quốc ngữ thì có tới 70% thầy đồ thi hỏng, còn phần thi chữ Hán thì chỉ 11% thầy đồ “qua ải”.

"Xin chữ" đầu xuân ở đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Theo TS. Phạm Văn Ánh, thành viên ban phụ trách chấm thi ở mảng chữ Hán thì: Đề thi phần chữ Hán tương đối dễ, các thầy Đồ chỉ phải viết đúng 4 chữ với những yêu cầu tối thiểu. Vậy mà số thầy viết được cả 4 chữ rất ít, có người viết 4 chữ thì sai đến 3 chữ, thậm chí có người viết còn không khác nào dùng mực bôi bẩn lên giấy. Nguy hiểm hơn là có thầy còn chưa cả biết cách… cầm bút.

Nghe có vẻ bi hài, nhất lại ở một cuộc thi dành cho những người được mặc định là… “hay chữ”.

Xuân Ất Mùi là năm thứ 2 sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức “Hội chữ Xuân”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cuộc thi “sát hạch” các ông đồ được tổ chức. Kết quả của cuộc sát hạch lần này tuy phũ phàng nhưng đã phản ánh đúng thực trạng “bát nháo” nơi chợ chữ mà bấy lâu còn tồn đọng.

Lý giải cho cái sự “trượt” của mình, nhiều thầy đồ biện bạch: Bình thường viết đẹp nhưng do đi thi nên hồi hộp quá mà viết chữ xấu. Cũng có người cho rằng do mực không được đẹp, chất liệu giấy xấu, thành thử chữ cũng… xấu theo. Thậm chí không ít thầy Đồ đã không ngần ngại mà xin thi lại.

Tuy nhiên, từ góc độ người chấm thi, TS Phạm Văn Ánh khẳng định: Với người đã không biết viết thì có viết đi, viết lại cũng cho ra một kết quả… trượt. Kinh nghiệm như điều chỉnh mực cho phù hợp với giấy là điều tối thiểu mà thầy đồ nào cũng phải biết vậy mà đổ lỗi cho giấy, mực xấu thì không thuyết phục.

Khỏi phân tích cũng đủ hiểu, chất lượng các thầy đồ đến đâu. Vậy là lâu nay đã có biết bao chữ được xin không ra… hồn chữ?

So với hành động “gom” thầy đồ về khu vực Hồ Văn của năm trước thì cuộc thi “sát hạch” năm nay được đánh giá là động thái cần thiết, được nhiều người dân ủng hộ. Thực tế thì trước những sự vụ bát nháo xảy ra nơi chợ chữ thì việc cần phải có phương án phân định chất lượng thầy đồ cũng đã được những người yêu chữ trăn trở từ lâu. Một thực trạng rõ ràng là bên cạnh những nhiều ông đồ thứ thiệt, am hiểu cách thức viết chữ, thông tường ý nghĩa sâu xa của chữ viết, nét chữ hào sảng, rồng bay phượng múa thì cũng không ít thầy đồ xem việc viết chữ như một cách… làm tiền.

Vậy mới nói, cuộc thi sát hạch chính là phép thử, qua đó có sự đào thải những người không xứng đáng đứng.

Sòng phẳng mà… mua chữ?

Được biết, những thầy đồ chữ viết đã được thẩm là qua kỳ thi sát hạch sẽ được nhận thẻ và ngồi hoạt động trong khu vực Hồ Văn. Việc quy tụ các thầy về Hồ Văn cũng là để dễ bề quản lý, bởi theo BTC thì: Về bản chất các ông đồ tham gia vào “Hội chợ chữ” là những người bán chữ. Vì vậy nhất thiết phải sát hạch để xem họ có biết viết và biết nhiều chữ hay không, tránh tình trạng để người dân mua phải… hàng rởm.

Điều này đã được GS. Trần Lâm Biền đồng tình. Ông cho rằng: Các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa không chỉ sát hạch một lần về khả năng viết chữ mà cần sát hạch thật nghiêm về khả năng cảm thụ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp cũng như thông tường kiến thức của các thầy đồ. Nếu làm được như vậy thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, người cho chữ mới xứng đáng với mặt chữ và người xin chữ mới xứng với hồn chữ, bằng không cũng chỉ như “nước chảy bèo trôi”, không chỉ chữ nghĩa trả thầy mà còn làm xấu đi một nét văn hóa đẹp của người Việt.

Từ "Hội chợ chữ" xuân 2014 các thầy Đồ bị "gom" về khu vực Hồ Văn

Tuy nhiên trước “Hội chợ chữ” năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng khẳng định sẽ tiếp tục mạnh tay với trường hợp thầy Đồ làm sai quy định bằng cách: Thầy đồ nào nhổ lều ra ngoài thì sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa.

Bên cạnh đó để tránh tình trạng "nhìn mặt phán giá", năm nay Ban tổ chức cũng sẽ niêm yết mức “giá sàn” đối với việc mua chữ. Cụ thể người xin chữ các ông Đồ sẽ tự mua loại giấy mà mình cần và chọn người viết theo nội dung yêu cầu. Giá cả sẽ là: 200.000 đồng/biểu trục nhỏ; Mành nhỏ: 200.000 đồng/cái; Giấy in hoa văn hình rồng: 130.000 đồng/tờ; Giấy bìa các loại từ 100.000 đồng trở xuống.

Thực tế trên con phố được mệnh danh phố "ông đồ" nhiều năm trở lại đây, việc “xin chữ” đã biến tấu và người ta ngầm hiểu với nhau rằng muốn có chữ là phải mua. Tuy nhiên cách quy định rạch ròi về giá cả này nên chăng khiến cả người cho chữ và người xin chữ không khỏi chạnh lòng? Nó khiến người ta nghĩ đến một cuộc buôn - bán mà ở đó mọi sự phải… sòng phẳng.

Bấy lâu, “xin chữ” đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong mỗi câu chuyện về chữ nghĩa, hẳn ai cũng được giác ngộ: Xin chữ là cầu mong sự may mắn cho một năm mới an lành, ngoài ra cũng thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, người xin chữ phải trọng đạo thánh hiền, biết lễ giáo, gia phong.

Trong khi đó, thầy đồ là những người được mặc định là một chuẩn mực về lễ giáo, thông kim bác cổ, cốt cách được mọi người kính trọng, tâm trong, đức sáng. Nên người xin chữ không chỉ mong những may mắn, tài lộc mà còn được thưởng thức tài nghệ của người “có chữ”.

Đó còn chưa kể, những người đã qua “cửa sát hạch” thì chí ít cũng đã khẳng định cái sự tâm huyết với con chữ. Vậy nên, hà cớ gì mà phải quá sòng phẳng để mất đi những ý niệm tốt về nét đẹp đã trở thành truyền thống này?

Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định trong "Hội chợ chữ" xuân Ất Mùi sẽ có đội ngũ giám sát các ông Đồ và chỉ những người được cấp thẻ mới được hoạt động cho chữ.

Hội chữ xuân Ất Mùi sẽ bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng trong khuôn viên Hồ Văn. Thời gian các ông đồ sẽ cho chữ từ 8h30 đến 20h hằng ngày. Riêng ngày 30 Tết sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau, ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, thời gian cho chữ sẽ kéo dài từ 8h30 đến 22h.

Huyền Anh (Tổng hợp)