Bùng nổ nông nghiệp sạch ở châu Âu

07:52 | 09/08/2017

5,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nông nghiệp hữu cơ hay còn được gọi là nông nghiệp sạch đang bùng nổ tại các nước châu Âu, do nhu cầu về thực phẩm lành mạnh ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Trong khi những nước Nam Âu có nhiều diện tích nông nghiệp hữu cơ thì các nước Bắc Âu là những quốc gia tiêu thụ mạnh nhất loại thực phẩm sạch này. Ngành nông nghiệp sạch của châu Âu đang tìm chỗ đứng trong hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của châu Âu, mức tiêu thụ các nông sản hữu cơ ở 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 28,3 tỉ euro trong năm 2015, trong đó 4 quốc gia (Đức, Pháp, Italia và Vương quốc Anh) chiếm 70%.

Nhưng xét về tỷ lệ thì người dân Đan Mạch, Áo và Thụy Điển là những người tiêu thụ thực phẩm hữu cơ nhiều hơn cả, với tỷ lệ lần lượt là 8,4%, 8% và 7,7% trong tổng số lượng thực phẩm mà họ mua trong năm 2015.

bung no nong nghiep sach o chau au
Một cửa hàng bán nông sản sạch tại Pháp

Thị trường nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Âu là Đức, với doanh thu 8,62 tỉ euro vào năm 2015, tăng gấp 4 lần so với mức của năm 2000. Mặc dù vậy, thực phẩm sạch chỉ chiếm 5% tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nước này.

Nhưng ở Đức, nơi đại đa số các thực phẩm sạch được bán trong các siêu thị, nhu cầu tiêu thụ loại thực phẩm này phát triển nhanh hơn so với mức sản xuất. Do đó, đa phần thực phẩm sạch bán ở Đức được nhập từ Tây Ban Nha và Italia.

Nếu như Đức là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch lớn nhất châu Âu thì thị trường năng động nhất ở châu lục này lại là Thụy Điển. Năm 2014, mức tiêu thụ loại thực phẩm này ở Thụy Điển tăng 38% và tăng lên 39% vào năm 2015. Doanh thu trong năm 2015 là 2,3 tỉ euro. Sở dĩ thị trường này phát triển mạnh ở Thụy Điển là vì nhiều nghiên cứu được Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia thực hiện, đã chỉ ra rằng, thực phẩm sạch có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt trong số đó, một nghiên cứu cho thấy cả một gia đình đã giảm được các tạp chất của thuốc trừ sâu trong nước tiểu nhờ ăn thực phẩm sạch. Ngay từ năm 2013, các bếp ăn tập thể (trường học, bệnh viện) ở Thụy Điển đã sử dụng tới 23% tổng nhu cầu thực phẩm sạch của cả nước.

Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, nông nghiệp sạch là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.

Trong 5 năm qua, diện tích đất nông nghiệp dùng cho thực phẩm sạch tại 28 nước EU tăng 21% lên 11,1 triệu ha vào năm 2015 so với 9 triệu ha trong năm 2010, theo Cơ quan Thống kê Eurostat của châu Âu. Diện tích đất trồng nông nghiệp sạch ở tất cả các quốc gia trong số 28 thành viên EU đều tăng, ngoại trừ Vương quốc Anh (495.929ha, giảm 29% so với mức của năm 2010) và Hà Lan (giảm 4%). Đáng lưu ý là chỉ riêng 4 quốc gia (Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Đức) đã chiếm hơn một nửa (53%) tổng diện tích trồng nông nghiệp sạch của toàn châu Âu.

Ba Lan, đứng thứ 5, với gần 600.000ha vào năm 2015 (tăng 11% so với năm 2010), nhưng được coi là quốc gia có tiềm năng to lớn cho sự tăng trưởng của thực phẩm hữu cơ, theo một báo cáo tháng 4-2017 của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Mỗi nước châu Âu có một thế mạnh riêng về một loại nông sản sạch nào đó. Chẳng hạn, về ngũ cốc thì Đức, Italia và Tây Ban Nha dẫn đầu, nhưng về rau sạch thì Ba Lan nắm vòng nguyệt quế với 41.819ha trồng rau sạch, bỏ xa nước đứng thứ 2 là Italia với 29.487ha, Pháp (16.832ha). Ba Lan là nhà sản xuất dâu tây sạch số một ở châu Âu với 2.900ha vào năm 2015.

Nếu nói về các loại đậu sạch thì Pháp, Tây Ban Nha và Italia là nhóm dẫn đầu chứ không phải Hà Lan (thường được biết đến với loại đậu Hà Lan). Đây cũng là nhóm các nước có sản lượng nho, rượu vang sạch không những hàng đầu châu Âu mà cả thế giới. Italia cũng dẫn đầu luôn về sản lượng các loại cam, chanh sạch. Xứ tháp nghiêng cũng là quán quân về thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch.

Bao giờ nông nghiệp Việt Nam... sạch?

Những năm 60 của thế kỷ trước, nền nông nghiệp Việt Nam đã được xem là nông nghiệp sạch. Nguồn hữu cơ chủ yếu được sử dụng là phân bón, bao gồm phân chuồng trại, tro rơm rạ, bèo hoa dâu và các nguồn phân xanh cũng như các chất phế thải từ nguồn hoa màu.

Tuy nhiên, do sức ép về dân số, tài nguyên đất trở nên hạn hẹp về số lượng và xuống cấp về chất lượng, do nhu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu, nền nông nghiệp sạch Việt Nam đã chuyển sang nền nông nghiệp sử dụng phân bón vô cơ.

Song chính việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ đã có tác động xấu đến môi trường, đặc biệt gây ô nhiễm nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm an toàn đang kích thích sự quay trở lại của nền nông nghiệp sạch những năm 60.

Tuy nhiên, việc tái chuyển đổi nền nông nghiệp hiện nay sang nông nghiệp sạch ở nước ta gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, cho tới nay thị trường mà ngành nông nghiệp nước ta hướng tới là thị trường trung bình thấp, các nước đang và kém phát triển. Vì vậy, nền nông nghiệp được khuyến khích chạy theo sản lượng, phát triển theo chiều rộng.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp nước ta đã từ lâu quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cũng dùng nhiều hóa chất nhưng rất tùy tiện nên đất đai bạc màu, bị nhiễm độc, môi trường bị ô nhiễm nặng và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng không tốt. Do đó, trước hết cần vận động nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP để giảm dần, tiến tới hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp và thay thế bằng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và phân bón hữu cơ. Quá trình chuyển đổi này không thể ngày một ngày hai mà đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo Nhà nước cũng như sự đồng lòng của người nông dân trong một thời gian dài.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc