Bí ẩn 6 giếng vuông 300 năm tuổi

08:52 | 13/01/2012

939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có đến 4 cái giếng cổ hình vuông trên dưới 300 tuổi còn nguyên vẹn tại làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Hiện chưa có nghiên cứu nào cho biết giếng cổ của người Chăm hay người Việt.

Giếng Đình

Theo nguồn tư liệu thực địa của ông Đặng Dùng, cư dân bản địa chuyên nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, làng Nam Ô có đến 6 cái giếng cổ hình vuông được tiền nhân tạo lập, phân bố đều khắp theo hướng Đông – Tây – Nam – Bắc với khoảng cách từ 200 đến 300 mét. Trong đó, có 4 cái vẫn còn nguyên vẹn, chất lượng không thay đổi, là giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Trò và giếng Lăng.

Qua quan sát đo đạc, cả 4 giếng trên có hình vuông, được ghép bằng những tấm đá xanh có bề dày 0,10 mét, ngang 1 mét và cao 0,6 mét. Cứ 4 tấm đá như thế ghép thành một ô vuông mỗi cạnh 1 mét ăn trong khớp rãnh được tạo sẵn. Từ đáy giếng – từng ô vuông đặt chồng lên nhau trong khe âm dương lên tới thành giếng. Mỗi giếng có từ 12 đến 14 lớp như thế (tùy theo thế đất cao thấp và mạch nước nơi giếng tọa lạc).

Bốn lớp trên cùng khép vào khe của 4 trụ đá vuông 0,20 mét x 0,20 mét gọi là trụ giếng. Trên mỗi đầu trụ giếng khắc sâu chạy viền thành cổ trụ. Trên thành giếng là 4 thanh đá khác, dài 1 mét vuông đặt nằm ngang – 2 đầu thanh đá ăn vào mộng (đuôi cá) đục sẵn trên vai trụ giếng. Đáy thành giếng có khe áp vào đầu tấm đá dưới nền thành giếng có kết cấu chắc chắn, vững chãi.

Giếng Thành Cung...

Ông Dùng cho biết thêm, các cụ xưa kể rằng để làm kiểu giếng đá vuông này, người xưa phải lấy đá xanh từ xa, nghe đâu là Trường Định (nằm giữa nguồn sông Cu Đê – nay là xã Hòa Bắc, cách làng Nam Ô 6 đến 7 km về phía Tây) đem về chế tác theo quy cách: Khắc chữ lưu năm đời vua vào trụ đá là năm tạo lập. Để giếng có mạch nước tốt, không bị khô cạn vào ngày đại hạn, người xưa đã mời các bậc thâm nho trong vùng, các thầy địa lý để tìm và chọn nơi tụ thủy. Sau đó đào, tạo một khoảng đất rộng xung quanh chỗ đánh dấu, đào xuống khi nào gặp mạch nước, múc một chén, nếm bằng lưỡi, ngửi bằng mũi và để qua đêm nhìn bằng mắt xem có phèn đọng hay không. Xấu thì tìm chỗ khác, tốt thì tiến hành xếp từng phiến đá thành ô vuông, sắp dần lên cho đến khi đặt trụ giếng, khép đá thành tang giếng.

Sau khi giếng được công nhận là gặp mạch nước tốt, mọi người reo hò hoan hỷ bày tỏ niềm vui. Giếng chính thức đưa vào cho dân làng sử dụng. Các giếng cổ hình vuông trên là của cư dân Champa trên đất Nam Ô hay là sản phẩm của người Việt đến nay vẫn bỏ ngỏ, bởi chưa có một cuộc khảo cứu nào của các nhà chuyên môn để trả lời vấn đề này.

Giếng Lăng

Trong số 6 giếng vuông cổ có 2 giếng đã bị lấp khi mở QL1A (nay là đường Nguyễn Lương Bằng). 4 cái còn lại vẫn nguyên vẹn, chất lượng không thay đổi là giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò và giếng Lăng.

Giếng Đình là giếng nằm bên làng cổ, hiện nằm giữa đường làng thuộc địa phận tổ 37, Nam Ô 2A. Theo các cụ kể lại, giếng Đình là cổ nhất, được tạo lập từ triều Lê Trung Hưng với dòng chữ khắc “Dương Hòa Nguyên niên – Ất Hợi tuế – Lục nguyệt tạo” (1635). Giếng Đình là giếng làng dùng cho láng giềng Nam Ô thời đó sử dụng.

Giếng Thành Cung là giếng dùng cho quan binh đồn trú và sĩ dân sử dụng. Hiện giếng nằm trong khu dân cư thuộc địa phận tổ 32, Nam Ô 2B, trên thành giếng có bảng đá khắc chữ “Di tích cổ”.

Giếng Cồn Trò là giếng mang tên địa danh Cồn Trò. Cồn trò là cồn cát cao, nằm sát đường cái quan hồi đó nên học trò các tỉnh trong Nam khi về kinh ứng thí thường tụ tập ở đây cho đông người rồi vượt Hải Vân Sơn – nhiều ác thú và hiểm trở – nên gọi là Cồn Trò. Số dân sĩ tập trung ngày càng đông và thường xuyên nên triều đình đã lập một nhà công quán và sức dân sở tại đào một cái giếng để đáp ứng nhu cầu dân tình.

Giếng Cồn Trò còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị mang dấu ấn lịch sử. Những chí sĩ lừng lẫy, các quan tướng lưu danh, các sĩ tử thành danh, các sĩ phu bất khuất… thời ấy đều qua đây và uống nước giếng Cồn Trò. Các nghĩa sĩ trong phong trào Nghĩa Hội (1884 – 1885), dưới sự chỉ huy của các chiến tướng Thống Hay, Cai Cải… sau những lần “bình tây sát tả” trở về đều tắm gội bằng mạch nước trong lành của giếng để ý chí thêm cường tráng.

Giếng Lăng là giếng nằm bên lăng ngư ông (một di tích cổ thờ Cá Ông), nay thuộc tổ 35, Nam Ô 2A. Theo các cụ kể, ban đầu giếng dùng cho công việc giả vôi trùng tu Lăng ngư ông, sau đó là nơi cung cấp nước ngọt cho nửa làng Nam Ô. Các thuyền buôn, ghe bầu của thương khách Nam – Bắc, các ghe nghề Thanh Khê một thời đã ghé bến Nam Ô, lấy nước ngọt từ giếng cho sinh hoạt trên biển.

Thành giếng Lăng đã được xây cao để tránh nguy hiểm

Hiện nay, thành giếng của 4 giếng vuông cổ trên đã được người dân xây thêm bằng gạch và xi măng để tránh nguy hiểm. Bởi các giếng nằm giữa khu dân cư, nền đường theo thời gian được bồi cao nên thành giếng bị thấp xuống gần bằng với nền đất xung quanh.

Trừ giếng Cồn Trò là không còn sử dụng, bởi một số người dân vô ý thức đem rác đổ đầy lòng giếng, có nguy cơ phủ cả thành giếng. 3 giếng còn lại thỉnh thoảng người dân vẫn sử dụng, nước giếng vẫn trong vắt, mát lạnh, ngọt lành và không bao giờ cạn, cho thấy tài năng tìm nguồn tụ thủy và kỹ thuật tạo tác giếng của người xưa thật đáng khâm phục.

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, các giếng cổ hàng trăm năm tuổi trên lo rằng sẽ nhanh chóng bị nhà cửa, đường sá đè lấp. Bởi đây không chỉ kết tinh tài năng kỹ thuật của cha ông mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử quý giá.

Theo DT

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc