Rêu phong giếng cổ

15:51 | 11/02/2012

1,702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi nói về làng, thì hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình luôn là hiện thân. Song có một nghịch lý, cây cổ, đình cổ đều nằm trong danh mục bảo tồn, thì giếng cổ lại bị gạt ra ngoài lề...

Xưa nay, trong tâm thức của người Việt, giếng không chỉ là con mắt của đất mà còn là trái tim của làng, cái hồn của xóm… Nhưng giữa thời buổi hiện đại này, mọi thay đổi, mọi tiện nghi đang xồng xộc đến với từng ngôi làng, gõ cửa từng nhà. Giếng xưa được coi trọng là thế, giờ rêu phong cỏ dại mọc đầy. Có khi chỉ vài năm nữa thôi, giếng – nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cả làng chỉ còn trong tiềm thức của những người "mắc bệnh” hoài cổ…

Giếng nghìn năm tuổi

Tháng 4/2011, cả Hà Nội xôn xao khi công nhân xây dựng tại khu vực Ciputra (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) bỗng tình cờ phát hiện một kiến trúc mộ, nằm sâu dưới lòng đất tới gần 2m. Khi đoàn khảo cổ được mời tới để khai quật, đào rộng ra bỗng thấy một lòng giếng cổ nằm sâu dưới lòng đất. Giếng được xây bởi một lớp gạch đơn bó chéo nhau, với đường kính lòng giếng là 74cm. Không gian quá hẹp, người thi công ở độ sâu 4m chỉ còn cách dùng bay để nạo dần từng lớp đất bùn trên thành. Lẫn với đất, trong thành giếng có khá nhiều mảnh gạch và sành sứ cũ. PGS.TS Nguyễn Lân Cường hào hứng phân tích, sự xuất hiện của chiếc giếng cổ này là minh chứng khá chắc chắn về khả năng tồn tại của một cộng đồng cư dân tại đây vào thế kỷ IV – VI.

Giếng ngọc làng Diềm

“Khác với những chiếc giếng cổ trong Hoàng thành, rất có thể giếng cổ ở Đông Ngạc là giếng được sử dụng vào mục đích “đại trà” hơn. Ngoài ra, những viên gạch được “vứt” xuống lòng giếng mang nhiều niên đại khác nhau, rải rác từ thế kỷ VI cho tới tận thế kỷ XV. Điều đó chứng tỏ sự tồn tại lâu dài xuyên suốt theo thời gian của cư dân tại đây – khu vực nằm cạnh sông Hồng và là ngoại vi của thành Đại La cũ” – ông Cường nói. Xung quanh sự tồn tại của ngôi mộ cổ và giếng cổ còn biết bao bí ẩn mà người đời nay không dễ dàng gì lý giải được, nhưng rõ ràng nhất, sự có mặt của giếng là minh chứng cho sự tồn tại của cư dân Việt bao đời trên đất Đại La.

Trước khi phát hiện giếng cổ Đông Ngạc, vào năm 2007, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tổ chức với mục đích nhận diện rõ hơn về tầm vóc của Thăng Long cũng như các triều đại trong lịch sử. Cuộc khai quật di chỉ khảo cổ Hoa Lâm Viên – Mai Lâm – Đông Anh khi đó được đặc biệt chú ý. Bởi địa danh này được cho là nơi phát tích của nhà Lý. Và khi đến thăm chùa Phúc Lâm – thôn Du Nội, các nhà khảo cổ mới ngỡ ngàng, bởi trong khuôn viên chùa có một giếng đá đẹp “ngoài sức tưởng tượng”. Chiếc giếng đá được xây hoàn toàn bằng những tảng đá lớn nguyên khối, phần thành giếng được tạo bởi hai khối đá cao 30cm, đường kính của giếng khoảng 80cm.

Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa, giếng đá được xây đầy tính nghệ thuật và vững chắc. Chính vì thế, qua thời gian, giếng đá cổ vẫn tồn tại như một biểu tượng về văn hóa, lịch sử. Theo ghi nhận của các nhà khảo cổ, giếng đá này đã trên 800 năm tuổi và được cho là cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Phúc Lâm Tự được xây dựng vào năm 1224, thời nhà Lý, chắc chắn giếng được đào cùng với thời điểm dựng chùa. Trên thành giếng còn hằn sâu những vết tích thời gian – những rãnh đá bị mòn lõm sâu trên thành miệng – dấu vết của dây gầu kéo nước.

Giếng thần thoại

Không chỉ là một vật thể tồn tại, xung quanh những chiếc giếng nghìn tuổi này còn biết bao truyền thuyết. Tại khu di tích đền Hùng (Phú Thọ), có đền Giếng, đây là nơi thờ tự Công chúa Ngọc Hoa và Công chúa Tiên Dung, hiện vẫn còn khẩu giếng tương truyền, giếng là gương soi của hai nàng công chúa con Vua Hùng thứ 18. Trong khu thành Cổ Loa (Hà Nội) trước đền Thượng có giếng Ngọc nơi lưu dấu mối tình của Mỵ Châu – Trọng Thủy. Có tích cho rằng, đem ngọc trai mà rửa nước giếng này, ngọc sẽ trong và đẹp. Ở vùng Dâu, Bắc Ninh hiện cũng còn giữ được một giếng nước không có thành cao.

Giếng cổ Hoàng thành

Truyền thuyết lưu lại rằng, đây là chỗ bà Man Nương cắm cây gậy của Đại sư Đà La cho mà tạo nên nguồn nước chống hạn. Ngày nay, nước giếng vẫn còn trong vắt và không bao giờ cạn. Cũng ở Bắc Ninh, tương truyền rằng, sở dĩ người làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long) hát quan họ hay là nhờ uống nước giếng Ngọc – đền Cùng. Giếng này nước trong ngọt nức tiếng, quanh năm suốt tháng không bao giờ thấy nước giếng vơi. Giếng Ngọc xưa kia chỉ là một vũng nước nhỏ, bên dưới có mạch nước chảy từ trong núi Tượng (theo cách gọi dân dã của người dân trong vùng, còn theo sách “Văn Hiến Kinh Bắc” nguồn nước này được chảy từ hai ngọn núi là Kim Sơn và Kim Lĩnh). Giếng chỉ rộng chừng 20m2, sâu 8m, hình bán nguyệt, có 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ ở sát mép nước giếng. Người làng Diềm có một thói múc nước giếng Ngọc về để pha trà, nấu rượu dù hệ thống nước máy trong làng đã được đầu tư về tới tận từng hộ gia đình. Dòng nước nguồn chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên thứ nước có vị ngọt, mát hiếm có.

Và chính dòng nước trong lành ấy đã dưỡng những giọng hát dân ca quan họ nổi tiếng khắp đất Kinh Bắc. Trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện đượm màu thần thoại về 2 công chúa xinh đẹp và tài giỏi con Vua Lý. Bấy giờ ở vùng núi Kim Lĩnh của làng Diềm còn hoang sơ, có nhiều thú dữ. Hai nàng liền xin phép vua cha cho về đây để diệt trừ thú dữ, giúp dân làng tránh tai họa. Sau này, khi vua cha tận dụng một hang động lớn dưới chân dãy núi Kim Lĩnh xây dựng kho lương, hai nàng liền tự nguyện xin được trông nom, quản lý kho quân lương này. Khi hai nàng hóa thân, dân làng tri ân công đức, lập đền thờ dưới chân núi Kim Lĩnh. Đền Cùng ra đời từ đó. Dưới giếng Ngọc làng Diềm có nhiều cá. Và người dân trong làng thì một mực tin rằng, đó chính là hóa thân của hai nàng công chúa. Chốn linh thiêng này vì thế mà luôn được trân trọng giữ gìn. Hàng năm dân làng tổ chức lễ tát giếng vào ngày 3/3 âm lịch.

Di sản quý

Theo thống kê, trong đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long vào năm 2003 đến năm 2006, tại di chỉ này đã tìm thấy cả thảy 14 chiếc giếng. Trong đó, có 2 giếng thời Đại La, 3 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần và 7 giếng thời Lê. Có niên đại sớm nhất là chiếc giếng nằm ở hố B9, với khoảng 1.300 năm tuổi. Khi phát lộ, giếng nước này không chỉ gây ngạc nhiên cho giới khảo cổ mà còn góp phần lý giải nhiều điều thú vị. Thú vị ở chỗ, vị trí của nó, nằm ngay bên thềm một con sông vào thời Lê, vậy mà nó vẫn còn nguyên vẹn. Thứ nữa, giếng được xây bằng gạch xám, nhưng trên miệng lại có thêm hàng gạch đỏ, đặc trưng thời Lý. Điều này khẳng định, giếng có từ thời Đại La, nhưng được tái sử dụng vào thời Lý. Đến khoảng thế kỷ XI, giếng bị lấp đi để lấy chỗ xây dựng một công trình kiến trúc. Sự có mặt của giếng cũng góp phần khai quang vấn đề về vị trí của An Nam đô hộ phủ. Khi khai quật, trong lòng giếng chứa rất nhiều vò, sành, cùng các vật liệu kiến trúc cao cấp. Sau khi phát lộ, các nhà khảo cổ đã tiến hành khơi và làm sạch lòng giếng. Và chỉ một thời gian sau, nước về đầy và trong vắt.

Các giếng thời Lý trong khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long thường được lát bằng gạch đỏ, giếng thời này đào không sâu, chỉ chừng hơn 2m, lại là giếng mạch ngang, vì thế phần lớn bị cạn nước vào mùa khô… Năm 2004, thêm một chiếc giếng khá đặc biệt nữa đã được các nhà khoa học tìm ra. Giếng có niên đại thời Lê nằm ở phía bắc khu A, giáp đường Hoàng Văn Thụ. Khi phát hiện, trong lòng giếng có chứa nhiều đồ gốm sứ cao cấp, cùng một số mảnh vỡ của gầu, dây kéo. Điều đặc biệt là, những sợi dây kéo này được làm bằng chất liệu nilon, bện tết khá cầu kỳ. Các mảnh gầu ở đây bằng gỗ và đều được sơn son thếp vàng và có đai sắt. Rất tiếc, trải qua thời gian dài, hoa văn trên các mảnh gầu đã bị mờ đi. Sự phát hiện quan trọng này đã đưa đến khẳng định giếng thuộc “đẳng cấp cao”. Hiện, các mảnh gầu này đang được bảo quản, trong tương lai sẽ được phục chế lại theo đúng nguyên bản…

Gìn giữ thế nào?

Hiện những chiếc giếng cổ nằm trong khuôn viên đình, chùa hay trong những di tích thì được bảo tồn rất tốt, còn những chiếc giếng làng, cùng với sự phát triển của làng theo năm tháng hoặc là biến mất hoặc là hoang phế rêu phong. Xưa giếng được quan niệm là nơi tụ thủy, tục phúc, cả làng có ăn nên làm ra hay không đều trông cả vào cái “huyệt đan sa” linh thiêng này, vì thế mới có câu ca dao "Mắt toét là tại giếng đình/ Cả làng mắt toét riêng mình em đâu”. Xưa cả làng, cả xóm đều lấy nước chung trong một cái giếng. Giờ nhiều nơi, nước máy vào đến tận nhà, rồi hơn chục năm trước thì mốt dùng nước giếng khoan. Sự tiện lợi không còn, giếng làng bỗng chốc trở thành vật thừa thãi. Không được sự chăm sóc, cái “huyệt đan sa” linh thiêng ngày nào giờ dương xỉ mọc đầy…

Giếng ở Mai Lâm, Đông Anh

Khi nói về làng, thì hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình luôn là hiện thân. Song có một nghịch lý, cây cổ, đình cổ đều nằm trong danh mục bảo tồn, thì giếng cổ lại bị gạt ra ngoài lề. Nếu nói đến giếng cổ, mà không nhắc đến những chiếc giếng bậc nhất xứ Đoài hẳn sẽ là thiếu sót. Nhưng cho đến nay, những các cấp quản lý văn hóa ở Sơn Tây lại không thể thống kê có bao nhiêu giếng đã bị lấp, bao nhiêu “chuyển đổi chức năng” thành nơi đổ phế thải.

Xưa tại di tích Linh Tiên Quán (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) có một giếng cổ với cấu trúc độc đáo. Tương truyền, giếng có từ hàng nghìn năm nay được dùng để lấy nước luyện linh đan. Trong kháng chiến trước đây, giếng Linh Tiên là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm du kích và người dân. Đáng tiếc là hiện nay giếng cổ mang đậm huyền thoại này hầu như bị bỏ quên, không còn nước…

Một lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, giếng cổ chưa được xếp vào danh mục kiểm kê di tích, do đó giếng cổ không thuộc trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa… Vị lãnh đạo này nói vậy cũng không sai, bởi ngành văn hóa chỉ có trách nhiệm kiểm kê và quản lý các di tích đã được xếp hạng hoặc nằm trong danh mục kiểm đếm.

Trong khi các di tích khác đã và đang có sự quan tâm của ngành di sản thì những chiếc giếng vốn gắn bó với tín ngưỡng làng bị lãng quên. Mặc cho địa phương, muốn giữ kiểu gì thì giữ. Thế là hình thành nên muôn hình vạn trạng các kiểu “giữ gìn”. Có làng (giờ đã lên phố) lấy lưới mắt cáo bọc miệng giếng để tránh trẻ con nghịch ngợm rồi ngã xuống, cũng tránh cả người dân vô ý đem rác ra giếng mà đổ. Lại cũng có nơi, cẩn thận hơn, làm tấm bê tông nặng tới mấy người khiêng đắp đầy miệng giếng, nhưng cũng chỉ là để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Giếng làng giờ chỉ còn trong tiềm thức.

Quỳnh Anh