Bảo vệ động vật hoang dã: Đến lúc phải… chung tay!

07:17 | 08/12/2014

1,724 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) vừa phát đi thông điệp khẩn cấp cần chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Bởi hiện tại nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ trang trí… ở Việt Nam đang ngày một gia tăng.

Năng lượng Mới số 372

Thực trạng buồn

Khảo sát mới đây của Viện Xã hội học đối với hơn 1.000 đối tượng trên địa bàn Hà Nội cho thấy: Hành vi tiêu thụ sản phẩm làm từ động vật hoang dã phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chữa bệnh, trang trí vẫn còn khá phổ biến. Tỷ lệ người đã từng sử dụng các sản phẩm làm từ động vật hoang dã chế biến thực phẩm chiếm 69%, làm thuốc là 67% và làm đồ trang trí là 12%. Trong số những người đã từng sử dụng thực phẩm từ động vật hoang dã, có 64% người nói rằng họ sử dụng vì được mời hoặc được biếu tặng, trên 34% người trả lời do đây là loại thực phẩm “mới lạ”… dẫn đến lý do họ muốn sử dụng, chỉ có 8% người tin rằng những thực phẩm từ động vật hoang dã là bổ dưỡng cho sức khỏe. Từ đó có thể thấy, đa số người sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã là theo phong trào vì “mốt thời thượng” thay vì để chữa bệnh hay bồi bổ sức khỏe. Còn lại với đối tượng dùng sản phẩm làm từ động vật hoang dã làm thuốc thì mục tiêu chữa bệnh lên tới 71%, còn bồi bổ sức khỏe chiếm 27%. Điều này vô hình trung thúc đẩy nhu cầu dùng sản phẩm được làm từ động vật hoang dã gia tăng, khi nó vô tình được tin tưởng sẽ là “thần dược” chữa trị nhiều chứng bệnh nan y.

Buôn bán động vật hoang dã bị cơ quan chức năng thu giữ

Cũng theo khảo sát thì đối tượng tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã không chỉ ở nhóm người có thu nhập hay có địa vị cao trong xã hội mà còn xuất hiện ở cả đối tượng kinh doanh, buôn bán nhỏ, thậm chí là hưu trí và người cao tuổi. Trong khi đó sản phẩm làm từ động vật hoang dã lại ngày một đa dạng khi được bào chế ở nhiều dạng, bao gồm thực phẩm, thuốc hay trang sức. Thêm nữa nguồn cung cấp sản phẩm làm từ động vật hoang dã hiện tại khá phổ biến, thậm chí còn được buôn bán công khai. Chỉ cần qua các trang mạng, khi người tiêu dùng gõ từ khóa “Thực phẩm động vật hoang dã” trên Google là có thể ra vô vàn địa chỉ cung cấp sản phẩm được làm từ “nguyên liệu” này.

Chính vì thế mà con số thống kê từ Cục Kiểm lâm năm 2013 rằng: Có 25 tấn động vật hoang dã đã bị tịch thu trong năm. Con số này tương đương với khoảng 13.400 cá thể động vật. Đến năm 2014, chỉ tính riêng quý I đã có khoảng 5,5 tấn động vật hoang dã bị tịch thu, chủ yếu đều là động vật quý hiếm như: Hổ, tê tê, ngà voi, khỉ, bò xám, tê giác… Điều đáng nói đây mới chỉ là con số dựa trên số lượng động vật hoang dã được phát hiện và tịch thu. Như vậy, con số thực tế về số lượng động vật quý hiếm bị buôn bán sẽ còn cao hơn nhiều.

Thay đổi nhận thức

Với con số khổng lồ như trên đã đẩy nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam đứng trên bờ vực của sự… tuyệt chủng. Nói về thực trạng sử dụng thực phẩm từ động vật hoang dã, TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học nói: “Mặc dù các thực phẩm được làm từ động vật hoang dã khá đắt đỏ nhưng chỉ vì tin tưởng vào hiệu quả của chúng mà nhiều người đã bất chấp để có được sản phẩm cho mình”.

Thế nhưng thực chất các sản phẩm được làm từ động vật hoang dã có phải là… “thần dược” hay không thì trước đó đã có rất nhiều bài học nhỡn tiền. Trong khi người dân đổ xô đi mua sừng tê giác, giá cả được đẩy đến mức... “trên trời”, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới thì khi Bộ Y tế công bố: “Sừng tê giác không phải là một thần dược để chữa các bệnh nan y” đã trở thành “gáo nước lạnh” dội xuống những hiểu biết còn quá mơ hồ ấy.

Thêm nữa, khảo sát từ Viện Xã hội học cũng cho thấy, kiến thức về pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã của người dân Việt Nam còn rất hạn chế. Gần 35% cho rằng pháp luật Việt Nam không quy định xử phạt người tiêu thụ sản phẩm làm từ động vật hoang dã, 62% cho rằng chưa có ai tiêu thụ sản phẩm làm từ động vật hoang dã bị xử phạt và 2/3 số người được hỏi cho rằng mức xử phạt tiêu thụ sản phẩm làm từ động vật hoang dã theo chế tài của pháp luật còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe.

Như vậy là đa số người dân cho rằng việc săn bắn, buôn bán động vật hoang dã là phi pháp nhưng việc tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã lại không vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hành vi buôn bán động vật trái phép đang được đánh giá là hoạt động tội phạm có tổ chức lớn đứng thứ 4 chỉ sau buôn bán ma túy, vũ khí và buôn bán người. Và những người góp phần tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã cũng là một hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hiệp hội Động vật Việt Nam thì hiện Nhà nước cấm sử dụng, buôn bán động vật hoang dã nhưng lại cho phép nuôi động vật hoang dã. Một khi đã cho phép nuôi thì đương nhiên người dân phải bán ra thị trường để kiếm lợi nhuận. Hiện Việt Nam có trên 400 cơ sở nuôi động vật hoang dã, riêng Hà Nội có ít nhất nửa huyện thị có các cơ sở nuôi. Điều này đã giúp cho nhiều hộ gia đình cải thiện được kinh tế. Nhưng từ thực tế đó càng thấy để quản lý tình hình buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã là không hề dễ. Vậy nên cơ quan chức năng cần có những chế tài quản lý thật chặt tới các cơ sở chăn nuôi này để giảm tình trạng buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã ra ngoài thị trường.

Huyền Anh