Thâm nhập đường dây buôn bán chế phẩm “khủng" từ động vật hoang dã

Bài 4: Cần tăng cường thực thi pháp luật

06:45 | 24/12/2023

1,339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau một thời gian tổ chức điều tra hết sức công phu - từ thủ đô Hà Nội vào các tỉnh miền Trung, vượt qua những ngày mưa lũ cũng như bị “điều tra ngược" từ các đối tượng - chúng tôi đã phát hiện ra nhiều đường dây buôn bán cũng như các chế phẩm từ động vật hoang dã. Dù đã có những chế tài khá nghiêm khắc đối với hành vi buôn bán động vật hoang dã, song dường như việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều điểm cần xem xét...
Bài 1: “Thần dược” cao hổ cốt?Bài 1: “Thần dược” cao hổ cốt?
Bài 2: Giáp mặt “ông trùmBài 2: Giáp mặt “ông trùm" nấu cao hổ cốt
Bài 3: Những đường dây trong bóng tốiBài 3: Những đường dây trong bóng tối
Bài 4: Cần tăng cường thực thi pháp luật

Số cao hổ cơ quan chức năng thu giữ tại nhà một trùm nấu cao tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hổ đã hết, nhưng cao vẫn… hot!

Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tính đến năm 2015 Việt Nam chỉ còn dưới 5 cá thể hổ sống ngoài tự nhiên. Mặc dù vậy, trên thực tế, hổ có thể không còn ở Việt Nam nữa.

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ ở châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam và Trung Quốc, là nguyên nhân chính thúc đẩy tình trạng suy giảm số lượng của loài này. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ xuất phát từ niềm tin vào các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh và trừ tà của các sản phẩm từ hổ. Cụ thể, các sản phẩm làm từ xương và máu hổ được tiêu thụ do các đặc tính được cho là có thể chữa bệnh, các sản phẩm mang tính biểu tượng tâm linh như xương sọ, da, móng vuốt và răng nanh thường được sử dụng như vật trang trí hoặc trang sức.

Báo cáo của Tổ chức TRAFFIC cũng chỉ ra rằng 6% số người tham gia khảo sát sinh sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tự nhận đã từng sử dụng hoặc từng mua sản phẩm từ hổ, 64% trong số họ nói sẽ khuyến khích người khác sử dụng các sản phẩm này.

Cao hổ cốt là sản phẩm được sử dụng nhiều nhất với 83% người tham gia khảo sát thừa nhận đã từng mua và sử dụng. Đối tượng sử dụng cao hổ cốt là nam, nữ có độ tuổi từ 45-60, sinh sống tại các thành phố lớn, có thu nhập trung bình từ 20 triệu đông trở lên, có học thức cao và công việc ổn định (ví dụ làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp hoặc công việc tự do khác). Họ thường biếu tặng cao hổ cốt để nhận được sự tôn trọng từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình và đối tác của họ. Một trong những mục đích sử dụng chính là sử dụng cao hổ cốt để phòng và chữa bệnh có liên quan đến xương khớp.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ được xem là mối đe dọa tới sự sinh tồn của giống loài này trong tương lai. Từ năm 2000, Việt Nam đã tịch thu gần 216 cá thể hổ, con số này chiếm khoảng gần 10% cá thể hổ bị tịch thu tại 13 quốc gia ghi nhận hổ hoang dã sinh sống.

Không những vậy, hổ và các bộ phận, sản phẩm từ hổ còn được rao bán sôi nổi trên các nền tảng trực tuyến với chủ yếu các tài khoản mua bán đến từ Việt Nam. 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội buôn bán, quảng cáo trái pháp luật các sản phẩm từ hổ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022 được xác định đến từ Việt Nam.

Bài 4: Cần tăng cường thực thi pháp luật

Cơ quan Công an kiểm tra tang vật dùng để nấu cao hổ tại nhà đối tượng Ngô Văn Quân - trùm cao hổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng

Mới đây Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp cùng Bộ NN&PTNT vừa công bố kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng “bẫy ảnh” lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy tại các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đang suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt vẫn còn phổ biến. Điều đáng mừng là mức độ phong phú loài và số lượng loài đặc hữu vẫn tương đối cao.

Dự án đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 8 tỉnh thành. Trong khoảng thời gian 2019-2023, các bẫy ảnh đã chụp được 120.000 hình ảnh động vật trong hàng triệu hình ảnh thu về. Trong đó, phần lớn là những loài có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực săn bắt như các loài khỉ, chồn bạc má và lợn rừng.

Đáng chú ý, bẫy ảnh không ghi nhận được hình ảnh của các loài động vật ăn thịt lớn và động vật ăn cỏ như hổ, báo gấm, sói lửa và sao la - một trong số ít loài thú lớn được phát hiện trong 50 năm qua. Bẫy ảnh chỉ ghi nhận quần thể voi châu Á tại 2 khu vực và loài thú móng guốc lớn như bò tót tại 1 khu vực.

Bẫy ảnh cũng ghi nhận 9 loài đặc hữu và 21 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn có nguy cơ bị đe dọa cao. Các loài quý hiếm như mang lớn và gấu chó cũng được phát hiện, góp phần cung cấp một vài ghi nhận về các loài này ở Việt Nam trong 20 năm qua.

Ông Nick Cox - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do WWF thực hiện với tài trợ từ USAID cho biết, lần đầu tiên cơ quan này có trong tay dữ liệu để xác nhận quần thể động vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cùng với đó, kết quả điều tra cũng cho thấy những tín hiệu tích cực nhờ có sự đầu tư đúng đắn từ phía Chính phủ Việt Nam chung tay cùng các tổ chức trong nước và quốc tế.

“Bây giờ là thời điểm vàng để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật” - ông Nick Cox nhấn mạnh.

Bài 4: Cần tăng cường thực thi pháp luật
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật...

Cần tăng cường thực thi pháp luật

Thời gian qua để bảo vệ động vật hoang dã, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và những chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc. Điển hình là tại Điều 244 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định: “Người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1-15 năm”.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường các điều khoản xử lý hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng đề xuất, trước khi các bộ, ngành trung ương hoàn thiện những văn bản trên, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã và siết chặt quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã.

Cùng quan điểm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã vẫn diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp vận chuyển với số lượng lớn. Có trường hợp đối tượng người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm nơi trung chuyển. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật, thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức đối với việc bảo vệ động vật hoang dã.

Một mặt tăng cường tuyên truyền không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã, mặt khác siết chặt công tác quản lý Nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về động vật hoang dã. Đồng thời đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm thông qua việc đấu tranh không khoan nhượng trong công tác xử lý các vụ án. Song song đó, tiếp tục kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của chúng.

Loạt phóng sự trên được thực hiện với sự hỗ trợ từ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT (MBFP) là chủ dự án, phối hợp với WWF và Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Nhóm Phóng viên Điều tra