"Báo động đỏ" kinh tế Trung Quốc

14:50 | 11/08/2023

2,084 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhiều chuyên gia, dù kinh tế đang trên đà giảm phát, nhưng Trung Quốc không còn nhiều dư địa chính sách để vực dậy nền kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc đang rơi vào trạng thái trì trệ.
Kinh tế Trung Quốc đang rơi vào trạng thái trì trệ.

Nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của Trung Quốc liên tục hứa hẹn sẽ thực hiện thêm biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển chậm chạp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều này khó có thể xảy ra vì Trung Quốc còn quá nhiều thách thức để thúc đẩy nền kinh tế như cách đây 15 năm.

Trở lại năm 2008, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã triển khai gói tài chính trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó được coi là một thành công và giúp nâng cao vị thế chính trị trong nước và quốc tế của Bắc Kinh cũng như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 9% trong nửa cuối năm 2009.

Tuy nhiên, các biện pháp tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ chỉ đạo cũng dẫn đến việc mở rộng tín dụng chưa từng có và nợ chính quyền địa phương tăng mạnh, từ đó nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn để phục hồi. Vào năm 2012, Bắc Kinh cho biết điều đó sẽ không lặp lại.

Ngoại trừ một số giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và điều chỉnh lãi suất, chính phủ Trung Quốc hầu như không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ trợ cấp cho người tiêu dùng hay hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ông Craig Singleton, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dường như không ban hành bất kỳ biện pháp kích thích tài chính hoặc tiền tệ lớn nào, bởi họ lo ngại làm như vậy có thể làm trầm trọng thêm rủi ro nợ của Trung Quốc”.

Kể từ tháng 4/2023, hàng loạt dữ liệu kinh tế và thống kê dân số đã làm dấy lên lo ngại. Sau khi chấm dứt các hạn chế phòng dịch, nền kinh tế Trung Quốc có khởi đầu mạnh mẽ, nhưng dần “mất đà” trong cuộc phục hồi hậu COVID. GDP quý II của nước này gần như không tăng trưởng so với quý trước. Các dấu hiệu giảm phát đang trở nên phổ biến hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.

“Kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990 cho thấy Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào “bẫy thanh khoản”, một kịch bản trong đó chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng giữ tiền mặt của họ thay vì chi tiêu”, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis cho biết.

Mức tăng/giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI - màu đen) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI - màu đỏ) của Trung Quốc qua các tháng so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị: %.
CPI và PPI của Trung Quốc liên tục sụt giảm

Nói cách khác, các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc bị thúc đẩy bởi tâm lý rất tiêu cực về triển vọng kinh tế, thích thoái vốn và giảm đòn bẩy tài chính trong bối cảnh doanh thu giảm.

Theo các nhà phân tích, để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo, Bắc Kinh cần hành động. Cắt giảm lãi suất là không đủ, trừ khi chúng đi kèm với các biện pháp tài chính để thúc đẩy nhu cầu. Các chuyên gia cho rằng: “Một sự kết hợp chính sách toàn diện - kích thích tiền tệ và tài khóa, bao gồm cơ sở hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng, bên cạnh tái cơ cấu nền kinh tế sẽ hữu ích để xây dựng lại niềm tin. Tuy nhiên, dư địa chính sách của Trung Quốc không còn nhiều.

Và ngay cả khi Bắc Kinh có hành động, sẽ kém hiệu quả hơn so với năm 2008. Bà Garcia-Herrero nói: “Một biện pháp kích thích tài chính dựa trên cơ sở hạ tầng sẽ cần phải lớn hơn nhiều để có tác động kinh tế tương tự. Nó cũng ngụ ý rằng, nếu hành động được thực hiện, nợ công ở Trung Quốc sẽ tăng vọt lên trên mức 100% GDP. Điều này sẽ khiến nền kinh tế “nằm trong số những nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất thế giới”.

Theo ông Derek Scissors, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một "phản ứng đúng đắn" đối với suy thoái kinh tế là Bắc Kinh quay trở lại con đường cải cách ủng hộ thị trường và để khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn. Tuy nhiên, giờ đây, có quá ít lựa chọn tốt để Trung Quốc vực dậy nền kinh tế của mình.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Xuất khẩu của Trung Quốc chuyển hướng từ phương Tây sang NgaXuất khẩu của Trung Quốc chuyển hướng từ phương Tây sang Nga
Giá dầu đảo chiều khi thị trường lo ngại nền kinh tế Trung QuốcGiá dầu đảo chiều khi thị trường lo ngại nền kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sắp có Trung Quốc sắp có "chúa chổm" thứ hai sau Evergrande?