‘Xuân yến’: Giữa buổi yến tiệc của mùa thanh xuân

09:18 | 25/06/2016

769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Xuân yến” là cuốn sách mới được dịch ở Việt Nam của An Ni Bảo Bối, một giọng văn đặc biệt khác lạ giữa buổi bình minh những nhăng nhố của đời sống này.

Độc giả Việt Nam mới được tiếp xúc với hai tác phẩm của An Ni Bảo BốiHoa bên bờĐảo tường vi, đã xuất bản từ rất lâu. Thuở trước, đọc hai tác phẩm này rất dễ say đắm như say mùi khói thuốc giữa mùa hè ảo não, giữa những khối thành thị buồn.

Đó là mùi của những hoang dại tuổi trẻ. Một thứ mùi vong niên buồn bã, nhưng cũng ngàn năm quyến rũ mà ai cũng từng một lần trong đời trải qua. Giờ đây, bước vào Xuân yến bạn đọc rất dễ bị choáng ngợp với sự ăm ắp của suy tư.

Với tác phẩm Xuân yến lần này, được xem như một trưởng thành, đầy đặn và thâm trầm hơn rất nhiều của An Ni. Xuân yến sẽ khiến người đọc thổn thức, thẫn thờ trong mênh mông những câu chuyện riêng tư tâm tình.

xuan yen giua buoi yen tiec cua mua thanh xuan
"Xuân yến" là tác phẩm thứ 3 của An Ni Bảo Bối tại Việt Nam sau "Hoa bến bờ" và "Đảo tường vi". 

Đọc Xuân yến, có lẽ sẽ mải miết trong chút mệt mỏi, ngột ngạt như đang đeo đuổi một cuộc hành trình không đích đến, trên một chiếc xe đêm, thỉnh thoảng ngạt thở, thỉnh thoảng bồi hồi trong cơn say xe, rồi thỉnh thoảng lại nhìn mãi về chốn u tối nhập nhoạng bên ngoài cửa kính.

Cứ như thế, chưa hề biết rằng cuối cùng của chuyến xe là ở đâu; chỉ biết, khi trời sáng, lòng sẽ se sắt mà nhớ đêm khuya sâu kín. Cái nỗi niềm nhớ tiếc bi ai, và nâng niu đẹp đẽ ấy vốn là nỗi niềm chung của nhân gian này.

Khánh Trường, Tín Đắc và cô nhà văn, (cũng là người kể chuyện chính của tác phẩm) là ba điểm tựa của buổi yến tiệc mùa xuân trong Xuân yến.

Khánh Trường vốn là cô gái hư cấu sáng tạo nên bởi người đàn bà viết. Tín Đắc lại là người phụ nữ xa lạ ở tận bên kia bán cầu, gửi cho cô những tâm sự về cuộc đời đầy màu sắc của mình. Để rồi từ ấy, nhờ có ngòi bút của người viết mà hai số phận khác biệt nhau, xa lạ nhau có thể một lần được tương phùng nơi miền núi xa xôi đầy hoang dại của đời sống.

Ở bên nhau một năm tại Xuân Mai, điều cả hai người nhìn ra trong nỗi cô đơn giữa thiên nhiên lừng lững chính là tâm hồn họ. Hóa ra, càng đi xa, càng trải qua nhiều câu chuyện ái tình, chuyện phiêu bạt đời sống, thì việc nhìn rõ bản thân mình, đến gần với bản thân mình lại chính là đoạn đường cuối cùng mà mỗi người có thể đi tới.

Hai cô gái, họ đều đã sống một tuổi trẻ chưa từng biết sợ hãi là gì, chưa từng biết dừng chân lại, để rồi dừng lại bên nhau giữa nơi xa thẳm ấy, và sau đó là bước đi đến những khúc ngoặt trầm lặng trong cuộc đời.

Dĩ nhiên, Khánh Trường và Tín Đắc đều đã tìm được một nơi chốn để neo đậu vào. Chẳng biết chốn tạm bợ ấy sẽ là bao lâu, nhưng cũng xem như là cuộc đời sau bao biến động, có nơi yên ấm. Nhưng suy cho cùng, điều An Ni viết, cái yên ấm ấy lại chính là sự yên ấm bởi đã đến được với cùng sâu tâm hồn, mà khai phá, mà giao hòa với chính tâm hồn mình.

Những xúc cảm về tâm hồn cứ nẩy ra, rồi đặc quánh lại, rồi cũng chìm xuống tận đáy sâu tâm hồn. Hóa ra ấy cũng là đắm chìm, như người ta đắm chìm vào bể ái tình. Ái tình của những tâm hồn trôi dạt. Mỗi cô gái, bước vào tuổi trẻ, sống trong tuổi trẻ, rồi tạm biệt tuổi trẻ bằng bản năng thuần khiết, xúc cảm hoang dại, bằng lòng yêu, lòng khát, lòng sợ hãi, để rồi cũng từ những mê cung dệt đan ấy mà cuộn tròn vào trong bản thể của riêng mình.

xuan yen giua buoi yen tiec cua mua thanh xuan
Nhà văn An Ni Bảo Bối được gọi là "mỹ nữ viết văn" của văn học đương đại Trung Quốc

Những câu văn trong Xuân yến cứ tràn ra như một lời thì thầm, là lời nói mà lại vô vàn tĩnh lặng, là tĩnh lặng mà lại chất chứa sẻ chia. Ấy là con đường êm dịu vô cùng mà độc giả có thể từ đó bước vào buổi yến tiệc tuổi trẻ mà An Ni đã tạo nên.

Dù mọi điều đã qua đều đang trở nên cũ kĩ, hoài ảo, tàn phai, cô đơn, yếu đuối, u mê. Dù Xuân yến, có thể đang dần biến mất, nhưng không bao giờ chết, cũng giống như cây cầu cổ xưa của thành Chiêm Lý u buồn mà Khánh Trường đã từng một lần được ngắm nhìn.

Lối viết của An Ni trong Xuân yến là một lối viết đầy tĩnh tại hư ảo. Sự đan cài giữa những dư âm tưởng tượng và vết dấu hiện thưc được An Ni khai thác vô cùng tinh tế. Ấy là sự tinh tế trong việc xây dựng nhân vật, xử lý tình huống, và đặc biệt là lối sử dụng từ ngữ.

Ai đã từng đọc đôi chút sáng tác của An Ni, đều nhận ra sự hòa nhã, bao dung, nâng niu, thanh thản trong những từ ngữ mà cô sử dụng. Chỉ có người sống nhiều trong cô độc tĩnh lặng cùng chữ nghĩa mới có thể tỏ bày niềm yêu chữ nghĩa một cách bao dung thơ mộng đến thế.

Sau cuối cùng, khi những nhân vật đều có số phận của riêng mình, chỉ còn lại người viết, trống rỗng, bơ vơ, cô độc, và lại tiếp bước những hành trình mới. Rồi có biết bao số phận nữa sẽ được thấu cảm; chỉ có người viết ấy, vẫn bước đi, đi mãi, lặng thinh và kiếm tìm. Ấy cũng là hình ảnh một An Ni đầy quyến luyến và khiến độc giả si mê.

xuan yen giua buoi yen tiec cua mua thanh xuan

‘Lũ mục đồng’: Bước vào thế giới của những giấc mơ

Bước vào thế giới của “Lũ mục đồng” - tác phẩm của nhà văn Le Clézio, Nobel năm 2008 là bước vào thế giới của những giấc mơ. Tám câu chuyện trong tập truyện ngắn xét đến cùng là những biến ảo, những sắc màu của cùng một cơn mơ. 

xuan yen giua buoi yen tiec cua mua thanh xuan

‘Hãy đi đặt người canh gác’: Cơn vỡ mộng của sự trưởng thành

Những tưởng “Giết con chim nhại” là tác phẩm duy nhất của Harper Lee - nhà văn vĩ đại của văn học Mỹ. Thực tế, dù được xem là tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại nhưng “Giết con chim nhại” lại được viết sau “Hãy đi đặt người canh gác”. 

Phong Linh