Độc giả Việt "đói" sách hay

11:14 | 18/09/2020

231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong 1 năm có 37.000 đầu sách của Việt Nam được xuất bản, đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, khó có thể nói độc giả Việt thiếu sách đọc. Nhưng thật sự thì độc giả Việt đang "đói" sách hay, sách tốt.
Độc giả Việt
Số lượng đầu sách của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á nhưng độc giả vẫn thiếu sách hay để đọc (ảnh minh họa: Vương Đức)

Theo số liệu của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019 có 37.100 đầu sách (440 triệu bản) được xuất bản, trung bình 4,6 đầu sách/người/năm, doanh thu tới 2.038 tỉ đồng. Nhìn những con số đó, nhiều người sẽ nói văn hóa đọc đang đi lên.

Thế nhưng, thực tế chưa hẳn theo logic đó. Bởi trong số 440 triệu bản sách thì có tới 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, chiếm tới 84,5%. Chỉ có 140 triệu bản các loại sách phục vụ nâng cao dân trí. Như vậy, nếu chia cho khoảng 100 triệu dân thì số sách để đọc chỉ là 1,4 bản sách/người/năm, rất thấp.

Thế nên mới có nghịch lý: Ngành xuất bản như “diều gặp gió”, song văn hóa đọc vẫn đang “xuống dốc”.

Đó là chưa kể đến chất lượng sách. Mới đây, trong một buổi mạn đàm về việc thúc đẩy văn hóa đọc của Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Nguyễn Nguyên đã thẳng thắn: “Sách giá trị rất ít, sách vô bổ rất nhiều. Ngành xuất bản đang chạy theo số lượng hơn là chất lượng”.

Việt Nam có hơn 37.000 đầu sách 1 năm, cao nhất Đông Nam Á. Indonesia dân số hơn 200 triệu nhưng chỉ có khoảng 30.000 đầu sách, Thái Lan khoảng 14.000 đầu sách, Malaysia có khoảng 19.000 đầu sách, nhưng doanh thu thường gấp 3-4 lần Việt Nam. Điều đó cho thấy, sách của các nước đó phát triển theo chiều sâu, coi trọng chất lượng hơn số lượng.

Đây không phải lần đầu chất lượng sách bị lên tiếng. Trong một hội nghị năm 2018, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp từng khẳng định “không dưới 70% là sách vô bổ” và ông tiết lộ: Trong 5 năm làm Bộ trưởng, ông đã được tặng tới 3 tấn sách, trong đó rất ít sách tốt, còn lại không biết phải xử lý thế nào.

Cũng trong buổi tọa đàm vừa qua, để phát triển văn hóa đọc, có ý kiến cho rằng, cần phải đưa đọc sách thành tiết học bắt buộc trong nhà trường, được xếp thời khóa biểu như các môn học khác. Bởi Thái Lan trở thành nước thứ hai trên thế giới về thời gian đọc sách phần nhiều vì Thái Lan từ lâu đã đưa tiết đọc sách vào chương trình học phổ thông.

Thế nhưng hiện tại, một học sinh lớp 8 thôi đã có đến 56 đầu sách giáo khoa và sách bổ trợ bủa vây. Chưa nói tới việc các gia đình tiêu tốn hàng đống tiền mua sách giáo khoa hằng năm, chỉ riêng việc “tiêu hóa” từng ấy sách giáo khoa đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, lấy đâu thời gian đọc sách bổ trợ dân trí?

Phải chăng văn hóa đọc của chúng ta “đi xuống” vì những lý do đó?

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps