Tường trình từ tâm điểm của bạo lực

18:21 | 23/05/2011

615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở..." Kinh thánh viết như vậy và nhóm nhà báo cũng không biết làm gì hơn ngoài "cầu nguyện" và nằm chờ một phép lạ của Chúa giúp mở cánh cửa hải quan giữa Jordan và Palestine... Phép lạ ấy, kỳ lạ, lại nằm trong tay người Israel. "Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở..." Kinh thánh viết như vậy và nhóm nhà báo cũng không biết làm gì hơn ngoài "cầu nguyện" và nằm chờ một phép lạ của Chúa giúp mở cánh cửa hải quan giữa Jordan và Palestine... Phép lạ ấy, kỳ lạ, lại nằm trong tay người Israel.

LTS: Nửa thế kỷ nay, Trung Đông luôn nóng bỏng bởi xung đột, chiến sự liên miên giữa Israel – Palestine. Mới cách đây một tuần, bạo lực lại bùng phát dữ dội giữa quân đội Israel và người Palestine. Nhưng vùng đất ấy cũng là nơi chào đời của ba tôn giáo lớn, được mệnh danh "Vùng đất Thánh”, nơi mỗi một viên đá cũng có thể kể một câu chuyện đầy mê hoặc và đậm màu huyền thoại.

Có mặt trong đoàn nhà báo Việt Nam tại khu Bờ Tây giữa những ngày nóng bỏng này, phóng viên Lê Khánh Duy của VietNamNet đã gửi về tòa soạn những ghi chép, tường thuật trực tiếp từ điểm nóng Trung Đông.

Kỳ 1: Palestine vẫn là “Miền đất hứa”

Đoàn nhà báo Việt Nam tới thăm Palestine theo lời mời của sứ quán Palestine tại Hà Nội từ ngày 12 tới ngày 23 tháng 5. Sáng ngày 12, đoàn đã tới thủ đô Amman của Jordan chỉ cách biên giới Palestine vài chục cây số nhưng tới sáng ngày 17 vấn không có visa vào đuợc lãnh thổ Palestine. Trong suốt hành trình đã có không ít kỉ niệm vui buồn cất giữ của đoàn với vùng đất thánh này.

"Miền đất hứa Jerusalem kia rồi!”

Chúng tôi đã nhìn thấy nó, nhưng không phải trên lãnh thổ Palestine mà từ bờ bên này Biển Chết, trên lãnh thổ Jordan. Ở bờ bên kia, xứ Jerusalem, người ta đang biểu tình và đánh nhau. Ở bờ này, các nhà báo lại "tác nghiệp” bằng cách rong ruổi trên chiếc xe du lịch 7 chỗ lang thang hết khu cũ tới khu mới của thành phố Amman.

"Đụng độ nổ ra ở Issawiyya, Al-Tur và Ras al-Amud, những khu vực sát sườn thành phố cổ Jerusalem. Tại trại tị nạn Shufat ở Đông Jerusalem, cảnh sát chìm của Israel đã tới khu vực đụng độ và bắt giữ một số người Palestine. Ở Bờ Tây, 500 người ủng hộ phe Hamas đã tuần hành ngay giữa trung tâm Hebron, mang theo những poster kỷ niệm ngày Nakba. Trên phía Bắc, 20 người Palestine đã ném đá vào quân lính Israel tại Qualandia gần Ramallah.” Tờ Al Zazeera viết thế trong một bài báo ngày thứ bảy, 14/05.

Đụng độ nóng bỏng như vậy nhưng cách đó chỉ một eo biển ngắn cũn cỡn, các nhà báo Việt Nam vẫn nằm phơi mình trên Biển Chết với tờ Jordan Times trên tay và quay mặt về vùng chiến Jerusalem. Jerusalem ở đâu đó sau dãy núi kia, căng thẳng bởi bạo lực bùng phát trong ngày Quốc khánh Israel. Ở bờ biển bên này, chúng tôi vẫn giết thời gian với biển xanh, đùi cừu hầm, nước quả ép và những quán bar.

Miền đất hứa Palestine vẫn ở phía sau những chắn song sắt mà đòan nhà báo không có visa để vượt qua

Chẳng có trường báo chí nào dạy kiểu tác nghiệp "xuyên biển” kỳ lạ thế. "Như đi an dưỡng chứ tác nghiệp gì.” "Thế mà có khi lại được chấm nhuận bút cao vì đã tường thuật từ nơi đặc biệt nguy hiểm.” Chúng tôi đùa nhau. Đã ba ngày rồi, đoàn nhà báo đến từ Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trong khách sạn 5 sao Bristol ở thành phố Amman, Jordan. Hết giờ ngủ lại đến giờ ăn mà vẫn thấy chưa hết ngày hết buổi.

"Cuộc đời làm báo thật là hay

Nói phét, chơi rong suốt cả ngày.”

"Đại nhà báo” Như Phong theo cách gọi của chúng tôi đọc thơ vui, những câu đùa của cây viết phóng sự lão làng làm thời gian trôi nhanh hơn một ít. Nhưng cũng không vì thế mà 3 ngày "ăn sung, mặc sướng” ở khách sạn 5 Sao ở Amman trôi đi dễ dàng. Ai có thể thích kiểu cách 5 Sao tùy họ, với những cây viết sẵn sàng tới miền đất của xung đột này, 3 ngày ở thủ đô Amman chính xác hơn là 3 ngày "ăn vạ, nằm vật.” Chưa bao giờ, chúng tôi sốt ruột muốn vào lãnh thổ Palestine như lúc này.

"Làm báo là có mặt ở những nơi điển hình, gặp những nhân vật điển hình trong những thời điểm điển hình,” nhà báo Như Phong tâm sự về nghề báo trong những giờ ăn tối rảnh rỗi ở Amman. Chúng tôi càng sốt ruột bởi không có thời điểm nào điển hình hơn lúc này để có mặt ở một địa điểm lúc nào cũng điển hình như Palestine.

Thứ 7, 14/05, là ngày Quốc khánh Israel, ngày này năm 1948, Israel tuyên bố thành lập nhà nước trên vùng đất mà Kinh Thánh đã ghi rằng Chúa hứa cho họ. Chỉ sau đó một ngày, chủ nhật, 15/05, là ngày Thảm hoạ của người Palestine. Quốc khánh của người Israel lại là Quốc hận của người Palestine bởi ngay sau sự lập quốc của dân tộc Do thái,

khoảng 700 000 người Hồi giáo đã phải rời bỏ quê hương hoặc bị trục xuất trong cuộc chiến tranh xảy ra sau đó.

Thế mà, cả hai ngày quan trọng ấy đã qua đi trước sự tiếc nuối của nhóm nhà báo chỉ ở cách đó có vài chục cây số.

"Một trong những cuộc tuần hành lớn nhất đã diễn ra tại Bờ Tây gần trại tị nạn và trạm kiểm soát Qalandiya, cửa chính vào Bờ Tây từ Israel. Một số người đã bị thương bởi hơi cay quân đội Israel. Bạo loạn gia tăng sau cái chết của một thanh niên 17 tuổi bị bắn giữa các cuộc đụng độ vào thứ 6 ở Silwan, vùng lân cận Đông Jerusalem.”

Lại là tin Chủ nhật từ hãng Al Zazeera. Những tin tức chỉ gây thêm sự sốt ruột. Nhà báo Như Phong tiếp tục giảng "đạo làm báo”: "Cái giống làm báo chỉ cần có mặt ở đó chụp một cái ảnh rồi viết gì thì viết, ngồi dịch báo Tây ra cũng được. Nhưng phải có mặt ở đó chứ không thể ngồi trong phòng mà phịa ra được.”

Làm báo salon kiểu ngồi trong phòng điều hòa tường thuật chiến sự nóng bỏng không phải là cách của TBT báo Năng lượng mới Như Phong. Với ông, 3 ngày ở Amman là 3 ngày "ăn trực, nằm chờ” hơn là "ăn sung, mặc sướng”. Chỉ thấy có nhà nghiên cứu Trung Đông Nguyễn Ngọc Hùng tỏ ra bình tĩnh và thanh thản hơn cả. Đã hơn 65 tuổi, ông vẫn ăn ngủ ngon lành hơn tất cả chúng tôi.

"Mọi sự đều có thể xảy ra, tôi đã nói với các bạn rồi. Thậm chí có thể chúng ta sẽ không có visa và phải đi về. Đứng về mặt an ninh, người Israel có cái chính đáng của họ. Họ không lường được người Palestine sẽ phấn khích thế nào trong ngày này và cũng không muốn Palestine khuyếch trường Ngày thảm họa này với thế giới.” Ông Hùng phân tích.

Đại sứ Palestine Saadi Salama mới là người sốt ruột nhất cho dù ông đã qua được biên giới từ ngày thứ 6, 13/05. Từ Ramallah, ông liên tục gọi về: "Các bạn đi chơi Biển Chết đi, đi thành phố cổ Jerash chơi đi cho đỡ buồn, ở khách sạn làm gì. Chúng tôi đã nhờ quốc tế và Tổng thư ký liên đoàn bóng đá thế giới can thiệp rồi. 300 người đã vào được rồi, chỉ còn 80 người nữa thôi. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng các bạn sẽ vào được”.

"Người Palestine đã rất khôn ngoan khi tổ chức một giải bóng đá 16 đội để nhân sự kiện thể thao này mời các nhà báo tới. Palestine muốn truyền đi thông điệp rằng họ đủ đoàn kết và năng lực để điều hành một nhà nước độc lập. Họ đang làm tất cả để được Liên Hợp Quốc chứng nhận là nhà nước độc lập vào tháng 9 tới. Nhưng Israel hiểu điều đó, và quyền quyết định có cho vào lãnh thổ Palestine hay không lại nằm trong tay họ. Vậy nên chúng ta phải chờ đợi mà thôi.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng phân tích thêm.

Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Chúng tôi cũng còn biết làm gì hơn ngoài nằm khểnh ở khách sạn Bristol 3 ngày ròng rã, đọc hết sạch một cuốn Chuyện Kinh Thánh 500 trang và chờ đợi một đấng Cứu thế của Thiên Chúa đưa chúng tôi tới Miền đất của Sữa và Mật ong mà Ngài đã hứa.

"Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở…” Kinh thánh viết như vậy và nhóm nhà báo cũng không biết làm gì hơn ngoài "cầu nguyện” và nằm chờ một phép lạ của Chúa giúp mở cánh cửa hải quan giữa Jordan và Palestine… Phép lạ ấy, kỳ lạ, lại nằm trong tay người Israel.

Theo Tuanvietnam