TPP hay cú phản đòn của Mỹ với Trung Quốc

13:57 | 06/10/2015

2,452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như việc ra mắt Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB) là cú knock out của Trung Quốc với Mỹ thì việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP được coi là đòn đánh trả ngọt ngào của Washingtong dành cho Bắc Kinh trên võ đài kinh tế.
tin nhap 20151006135154

Hồi tháng 6/2015, Trung Quốc chính thức ra mắt Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á. Khi đó báo chí kể cả của phương Tây đều bình luận rằng đây là một chiến thắng của Trung Quốc trước Mỹ trong trận đấu kinh tế-địa chính trị với Mỹ.

Bởi lẽ, Mỹ không tham gia vào AIIB đã đành nhưng hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Washington đều gia nhập hàng ngũ do Bắc Kinh dẫn đầu.

AIIB là dự án dược Trung Quốc nêu lên bên lề hội nghị APEC ở Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái. Mỹ không hưởng ứng cho nên nhiều nước đồng minh cũng đứng ngoài. Nhưng cho đến khi nước đồng minh cố cựu nhất là Anh công bố gia nhập AIIB rồi lần lượt đến Đức, Pháp, Ý, cũng noi theo thì Mỹ hiểu rằng sự phản đối là không còn ý nghĩa và có hại.

AIIB có số vốn khởi đầu là 50 tỷ USD, sẽ tăng lên thành 100 tỷ. Để so sánh, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 160 tỷ và của World Bank là 223 tỷ. Việc thành lập AIIB là một phần của nỗ lực nhằm có tiếng nói lớn hơn trong lĩnh vực tài chính thế giới của Trung Quốc, vốn cho tới nay vẫn do Mỹ và châu Âu thống lĩnh.

Với AIIB, có thể nói Mỹ đã thua Trung Quốc hiệp một của cuộc đấu kinh tế. Đây còn là một thất bại ngoại giao của Mỹ.

Nhưng việc TPP được hoàn tất đàm phán ngày hôm qua, Mỹ đã coi như gỡ được thế cân bằng với Trung Quốc sau vụ AIIB.

Là sáng kiến trọng yếu nhất về quan hệ mậu dịch được lên kế hoạch sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đạt tới kết quả ở vòng đàm phán Doha năm 2001, TPP đem vào trong một khối chiếm 40% sản lượng của thế giới hai nền kinh tế đứng hàng nhất và ba – Mỹ và Nhật Bản. TPP cũng là thể hiện cụ thể về cam kết của Mỹ đối với khu vực Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến thăm châu Á gần đây nhấn mạnh rằng TPP là một bộ phận quan trọng của chiến lược xoay trục châu Á của chính quyền Obama.

Brad Glosserman, Giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương, cho hay các nhà lãnh đạo châu Á xem sự thành công của TPP là yếu tố then chốt của sự tham gia của Mỹ trong khu vực này. "Yếu tố then chốt ở đây là xem xét và sử dụng từ ngữ chiến lược, bởi vì những gì mà TPP làm là trói buộc và nối kết chúng ta một cách chặt chẽ hơn nữa với các nước trong khu vực, và các mối quan hệ quân sự của chúng ta là nhắm tới mục tiêu làm cho các nước đồng minh tin chắc là chúng ta bị ràng buộc với họ và những địch thủ của chúng ta biết chắc là một vụ tấn công nhắm vào các nước đó sẽ được coi là một vụ tấn công nhắm vào nước Mỹ. Do đó, chúng ta có thể nói là qua việc thật sự nối kết chúng ta một cách hết sức chặt chẽ về mặt kinh tế thông qua TPP và những hoạt động khác trong các lãnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại và chính trị, chúng ta đánh đi một tín hiệu để các đồng minh cũng như các địch thủ của chúng ta biết rõ là chúng ta thật sự đoàn kết với nhau; và vì thế TPP là một bộ phận chiến lược then chốt trong chính sách ngoại giao của Mỹ".

Các phân tích chỉ ra rằng tại châu Á và trên toàn thế giới ngày nay, ít nhất trong một tương lai gần, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn không phải là về mặt quân sự mà sẽ là về kinh tế và ngoại giao.

TPP đã bỏ lơ Trung Quốc ngay từ đầu, vì nhiều phần hãy còn chính sách tập trung hoạch định và nền kinh tế quá cồng kềnh khó đưa vào trong một cơ chế nặng hình thức khoa trương như thế. Mặt khác trong chính sách chuyển trục về châu Á, khía cạnh quân sự vẫn tiềm tàng bên cạnh kinh tế, và sự hiện diện của Trung Quốc có lẽ sẽ làm phiền cho các thành viên khác hơn là trấn an họ.

Nhìn từ quan điểm chiến lược, TPP là vành đai vây quanh con đường tơ lụa Nhất Đới Nhất Lộ và Ngân hàng AIIB của Bắc Kinh.

Trung Quốc đánh giá không sai mục tiêu của TPP: liên kết các nền kinh tế vây quanh Trung Quốc vào một trận tuyến thống nhất. Nếu kể thêm Hiệp định Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership gọi tắt là T-TIP) do Mỹ đang thương thuyết với các nước châu Âu, thì đây quả là một trận tuyến toàn cầu.

Hồi tháng 5/2015, Quốc Vụ Viện của Trung Quốc ban hành kế hoạch “Made in China 2025” để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc trong các lãnh vực tiên tiến. Khi công bố kế hoạch, Bắc Kinh nêu ra mối nguy từ TPP do Mỹ đề xướng cùng 11 quốc gia trên 4 lục địa vây quanh biển Thái Bình vì 1) nâng tiêu chuẩn cạnh tranh trong các lãnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, luật lệ lao động và bảo vệ môi sinh, 2) thu hẹp ưu thế về giá xuất cảng hàng công nghiệp của Trung Quốc, 3) khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó phát triển ra ngoài.

Nhìn trên toàn cảnh, với hàng loạt sáng kiến của Bắc Kinh về “Con Đường Tơ Lụa,” hay Tân Ngân hàng Phát triển BRICS, Ngân hàng AIIB... quả nhiên là ta thấy thương mại cũng là đấu tranh, một diện trong nhiều diện, giữa hai khái niệm về tổ chức và sinh hoạt chính trị ở hai bờ Thái Bình Dương.

Việc 12 nước kết thúc đàm phán TPP được coi là đã bước qua một ải. Tiếp theo là quốc hội các nước này sẽ bỏ phiếu thông qua. Ở Mỹ trong năm tới, tình hình chính trị đổi ngôi nên chưa biết rốt cuộc Mỹ có thắng được Trung Quốc trong hiệp đấu thứ 2 này không.

Sau khi việc đàm phán TPP thành hình thì Quốc hội Mỹ có 90 ngày để xem xét những cam kết của hành pháp, và Ủy ban Thương mại Quốc tế trong nội các Obama có 105 ngày để trình bày với Quốc hội những lợi hại kinh tế của Hiệp ước trước khi văn bản chính thức được công bố như một dự luật. Sau khi Dự luật TPP thành hình thì Hạ viện có 60 ngày để thẩm xét và phê chuẩn. Sau đó, Thượng viện có thêm 30 ngày. Nếu cả hai viện cùng phê chuẩn thì tổng thống mới được ban hành đạo luật TPP.

Cũng đừng quên là TPP khó khăn với nhiều vấn đề nội bộ tại Mỹ. Các công ty Mỹ chưa hoàn toàn tin tưởng rằng TPP dễ dàng đem lại nhiều lợi ích cho họ như chủ trương. Ngay một số người đảng Dân chủ cũng lo ngại sự xuất khẩu việc làm của dân Mỹ và giảm thu nhập trong giới trung lưu. Giới tiêu thụ lo ngại TPP sẽ không bảo vệ an toàn cho họ trước rất nhiều vấn đề phức tạp và mánh khóe ở các nguồn xuất khẩu châu Á.

TPP nếu thành công sẽ là một trong những di sản lớn nhất của Tổng thống Obama trong chính sách đối ngoại. Chưa biết hiệp 2 của võ đài kinh tế Mỹ-Trung sẽ ra sao.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Tổng hợp từ báo chí Pháp)