Tìm tiếng nói chung của ngành y tế và BHXH

07:08 | 15/11/2017

1,556 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn được coi là “nóng” do chưa tìm được tiếng nói chung giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Đã có rất nhiều đại biểu “hiến kế” cho vấn đề này.   

Ba “công đoạn” trong ngành y

Mở đầu bài phát biểu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đánh giá rất cao sự cố gắng của Bộ Y tế và cơ quan BHXH trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh thời gian qua, nhất là khi có nhiều thay đổi về chính sách vận hành ngành y tế mới chính thức được áp dụng. Theo ông Hiếu, rất nhiều các cuộc họp, hội thảo, khảo sát… đã được tiến hành để tìm ra được hướng đi ổn định, lâu dài với mục đích cao nhất là chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng phải tốt hơn. Đồng thời, đảm bảo cân đối quỹ BHYT trong hoàn cảnh ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, vẫn còn nhiều bất đồng tồn tại do cách hiểu về sự việc theo các hướng khác nhau. Ông Hiếu nói: “Theo tôi, có thể hiểu một cách đơn giản, ngành y tế có ba công đoạn: Đầu vào chính là thuốc và các vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám, chữa bệnh; đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh mà thước đo rất rõ ràng chính là sự hài lòng của người bệnh; còn khâu giữa chính là nhân viên y tế. Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không nên lãng phí, trục lợi quỹ BHYT. Chúng ta chỉ có thể tác động đến đầu vào và khâu giữa, còn đầu ra thì đương nhiên không thể giảm đi vì chúng ra không thể làm giảm sự hài lòng của người bệnh…”.

tim tieng noi chung cua nganh y te va bhxh
Bệnh nhân khám BHYT

Ông Hiếu phân tích tiếp: “…Đầu vào là khâu tưởng khó mà hóa dễ, tưởng dễ lại hóa khó. Dễ là vì chúng ta chỉ việc áp dụng tổ chức đấu thầu tập trung, áp giá thuốc, vật tư thiết bị chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương tự hoặc thấp hơn trong khu vực như cách làm trong những năm vừa qua. Khó ở chỗ việc này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền hình thành ra mức giá rất “made in Vietnam” này”.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, chỉ cần cải tổ đầu vào, BHXH Việt Nam sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn, vì hiện nay đại đa số tiền của quỹ bảo hiểm y tế dùng để chi trả cho thuốc và các vật tư tiêu hao ngành y tế.

Không được lãng phí quỹ BHYT

Về quy trình khám chữa bệnh, ông Hiếu đánh giá cần xem xét lại các quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT, tránh các bất cập làm mất công sức người bệnh, ùn tắc bệnh viện và lãng phí quỹ BHYT. Ví như việc khám bệnh mãn tính, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường không nên quy định cứ khám 1 lần/tháng. Vì như vậy rất nhiều các xét nghiệm chỉ cần 6 tháng, 1 năm thực hiện một lần mà vẫn phải thực hiện 1 tháng 1 lần sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và tốn kém cho quỹ và làm ảnh hưởng đến ùn tắc, quá tải bệnh viện. Hay như bệnh nhân đang dùng thuốc mỗi tháng một lần lại phải thay đổi thuốc với lý do rất lãng xẹt là thuốc này, đợt này BHYT chỉ thầu có vậy, rất dễ gây bức xúc cho dư luận.

Khâu giữa chính là nhân viên y tế, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chính là khâu khó nhất thì liên quan trực tiếp đến những người đang tạo ra các sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần phải tiến hành đồng thời theo hai hướng. Hướng thứ nhất, nâng cao chất lượng nhân viên y tế. Muốn vậy, phải tạo điều kiện, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn và an toàn hơn, bảo đảm thu nhập để các nhân viên y tế yên tâm làm việc. Vì nếu vừa làm vừa lo phương tiện thuốc men, lương tháng chậm, bạo hành từ gia đình bệnh nhân… thì không một “từ mẫu” nào có thể yên tâm làm việc được.

Song song với đó, một việc hết sức quan trọng nữa là cần có kế hoạch để nâng cao kiến thức, tái đào tạo một cách thường xuyên toàn bộ hệ thống vì chỉ có như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lạc hậu gây nguy hiểm cho người bệnh, tốn kém cho quỹ BHYT.

Tiếp nữa, cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch hoạt động của nhân viên y tế. Theo ông Hiếu rất cần có các hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với BHXH và Bộ Y tế để xem xét các tranh cãi về chỉ định cách thức tiến hành, kết quả của một phương pháp điều trị là đúng hay sai. Tránh hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm cũng như sự áp đặt xuất toán (không thanh toán) của BHYT không được các bệnh viện “tâm phục, khẩu phục” như đang diễn ra hiện nay.

Ông Hiếu khẳng định, Nghị quyết Trung ương 6 về bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khỏe người dân được Tổng bí thư ký ngày 25-10-2017, bên cạnh chỉ ra các yếu kém và hạn chế của ngành y, đã đề ra các giải pháp rất cụ thể để đạt được mục tiêu cần đạt được năm 2025 và 2030 như: tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch; thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế, cho công tác y tế dự phòng… Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, các bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng tìm ra các phương pháp cụ thể để đưa nghị quyết vào đời sống xã hội bên cạnh sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Nguyễn Anh