"Tiếng Anh liên kết" làm khổ học sinh

18:21 | 29/10/2012

2,493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hiện nay, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội hiện nay đều “liên kết” chính thức hoặc không chính thức với các trung tâm ngoại ngữ “gọi là” có yếu tố nước ngoài để… làm khổ học sinh và thu tiền không chính đáng.

Đâu đâu cũng … liên kết

Hiện nay, khoảng 20 tỉnh, thành trên toàn quốc thí điểm thực hiện chương trình tiếng Anh từ lớp 3 với 100 trường, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trong trường tiểu học từ năm 2010.

Mới đầu năm lên lớp 3, con trai chị Nguyễn Thị Dung (Trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình) đã phải đóng học phí tiếng Anh với số tiền 6 triệu đồng/năm học. Theo chị Dung, con chị học tiếng Anh từ năm lớp 2 theo chương trình liên kết với Language Link, mỗi tuần 2 tiết.

Học sinh nào không học chương trình này, phải chuyển sang lớp bình thường vì chỉ lớp chọn mới được học liên kết với trung tâm ngoại ngữ Language Link. Điều đáng nói ở đây là mặc dù cuối năm học sinh được cấp giấy chứng nhận của Trung tâm Language Link nhưng hiệu quả giảng dạy không được như mong muốn.

 

Hiện nay Hà Nội có khoảng 300 trường tiểu học đang triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường

 

Chị cho biết: “Mang tiếng học với trung tâm tiếng Anh nổi tiếng nhưng thời gian học quá ngắn, các cháu mới chỉ ổn định lớp đã mất quá nửa thời gian, còn học hành được gì nữa”. Vì thế, sau một năm học theo chương trình liên kết mà khả năng tiếng Anh của con trai chị không khá lên, chỉ biết thêm được vài từ mới. Lo cho việc học của con, ngoài việc học tiếng Anh theo chương trình liên kết của nhà trường, chị vẫn phải cho con trai đi học thêm ngoại ngữ ở trung tâm gần nhà để củng cố thêm kiến thức.

Chị thở dài: “Đã tốn 6 triệu/ năm học cho trung tâm tiếng Anh ở trường, còn phải tốn vài trăm nghìn/tháng cho con học trung tâm khác. Chất lượng thế này thì thà không liên kết còn hơn”.

Cũng như chị Dung, anh Hoàng Thái Sơn hiện có con học lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Trường có liên kết với Trung tâm ngoại ngữ FLC dạy tiếng Anh với giá 500.000đ/tháng với thời lượng 2 buổi/tuần.

Anh Sơn cho biết, khi phụ huynh có ý kiến về việc học tiếng Anh và không muốn tham gia thì được cô giáo cho biết, cả lớp đều học. Nếu con không học, không theo kịp các bạn. Vì vậy, hầu hết phụ huynh đều cắn răng “tự nguyện” cho con theo học.

 

Không học thì chuyển lớp

Gọi là chương trình “liên kết, tăng cường” tùy nhu cầu của học sinh và phụ huynh, nhưng hiện nay, các chương trình ngoại ngữ liên kết đang được thực hiện không theo hướng “tự nguyện” thật sự, mà họ có đủ chiêu thức để bắt buộc học sinh phải tham gia. Thông thường, hiệu trưởng các trường thường triển khai bằng cách giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm các lớp hoặc tuyển sinh thông qua áp lực với Ban phụ huynh.

Theo đó, giáo viên chủ nhiệm “dọa” học sinh và phụ huynh bằng hai cách: Một là học sinh nào không tham gia tiếng Anh tăng cường có nguy cơ phải đứng ở sân trường khi các bạn cùng lớp học tiết tăng cường; Hai là học sinh không tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ có nguy cơ bị chuyển sang lớp khác.

Sau khi học hết 1 năm theo chương trình liên kết ngoại ngữ mà con trai không tiến bộ, chị Dung cùng toàn bộ phụ huynh kiến nghị không cho con theo học lớp liên kết nữa thì nhận được sự phản ứng khá tiêu cực của nhà trường. Chị bức xúc: “Khi chúng tôi tỏ ý không muốn cho các cháu theo học lớp liên kết này thì họ có thái độ ngay. Họ còn bóng gió rằng nếu như không học lớp này nữa thì cứ tự nhiên chuyển lớp, mà sang lớp khác thì không dám đảm bảo chất lượng giáo viên. Sợ con bị trù úm nên chúng tôi đành cho các cháu học tiếp”.

Chị Dung còn cho hay, gia đình chị coi số tiền 6 triệu/năm học cho chương trình ngoại ngữ liên kết này như phí “bôi trơn” để thầy cô “dễ chịu” với con mình hơn.

Nhiều học sinh bị "ép" học tiếng Anh tăng cường, liên kết

Ở đây, chuẩn mực giáo dục ở bậc tiểu học không còn được tôn trọng khi việc xếp lớp và triển khai chương trình đào tạo lấy yếu tố lợi ích của hiệu trưởng và những người liên quan làm trọng, thay vì lấy lợi ích và sự trưởng thành về trí lực và thể lực của học sinh làm đầu.

Có thể nói, bất kỳ vị phụ huynh nào ở trong trường hợp của chị Dung, không ai lại nỡ “đày đọa” con bằng cách dám không tham gia chương trình tăng cường và đành “nghiến răng” cho con tiếp tục theo học vì “tiếc cô, tiếc lớp”. Mặc dù hầu như ai cũng biết chắc rằng, cái chương trình tăng cường kia sẽ không thể bổ sung thêm kiến thức cho con em mình.

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 300 trường tiểu học đang triển khai nhiều chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức tự chọn cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Nhưng chỉ có 3-4 chương trình được Sở GD-ĐT Hà Nội thẩm định và kiểm soát được chất lượng dạy học.

Dù với hình thức “tự chọn” nhưng ở những nơi tổ chức tiếng Anh tăng cường, đại đa số phụ huynh đăng ký cho con học. Một số nơi thu hút phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh bằng cách đưa chương trình này vào các lớp “chất lượng cao”, nên phụ huynh muốn con học “chất lượng cao”, muốn chọn thầy, cô giáo tốt thì phải đăng ký tiếng Anh.

Không chỉ trường tiểu học, hàng trăm trường mầm non trên địa bàn Hà Nội cũng đua nhau đưa tiếng Anh vào chương trình cho trẻ từ 3-5 tuổi. 100% trường treo biển “chất lượng cao” đều dạy tiếng Anh.

Về việc các trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ để thu tiền bất hợp lý, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quan điểm của Bộ là việc dạy dạy tiếng Anh trong trường tiểu học cần phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và đồng tình của xã hội.

“Chúng ta không cấm cách dạy ngoại ngữ có hiệu quả và được lòng nhân dân nhưng không cho phép việc ép học sinh học kém hiệu quả để thu lợi không chính đáng. Việc xử lý “ép học sinh học thêm, thu thêm” bất chính đã nằm trong quyết định chung của UBND thành phố về dạy thêm, học thêm. Bộ GD-ĐT ủng hộ việc xử lý nghiêm các sai phạm và sẵn sàng phối hợp với thành phố để làm lành mạnh việc học ngoại ngữ” - ông Thành cho biết thêm.

Vương Tâm