Thí điểm bỏ biên chế ở giáo viên: Nên làm theo lộ trình

21:33 | 30/05/2017

1,365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trương thí điểm bỏ công chức, viên chức giáo viên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi chủ trương này sẽ tác động đến hơn 1 triệu giáo viên đang công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Khi đưa ra chủ trương này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng việc chuyển sang chế độ hợp đồng “có vào - có ra” sẽ từng bước cải thiện được thu nhập, chất lượng đội ngũ giáo viên được gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục.  Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy về đề xuất này.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Nên bỏ nhưng phải cẩn trọng

thi diem bo bien che o giao vien nen lam theo lo trinh

Chủ trương bỏ công chức, viên chức ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay là ý tưởng tích cực tác động đến động lực, có thể coi là cuộc cải cách mạnh dạn.

Cơ chế biên chế như hiện nay một phần là nguyên nhân triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động. Nó làm nảy sinh tình trạng trì trệ ở đội ngũ giáo viên, không ít người coi đó như “cái rọ” an toàn để làm sao cứ phấn đấu vào được biên chế Nhà nước là không còn lo bị sa thải. Mà những tiêu cực để chạy được vào biên chế Nhà nước trong ngành giáo dục đã xảy ra quá nhiều rồi. Trong khi giảng dạy theo hợp đồng là thực hiện chế độ trả lương theo việc làm, điều này sẽ tạo điều kiện để thầy cô có quyền quyết định khối lượng công việc, mức thu nhập của bản thân. Từ đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu cũng như thời hạn hoàn thành công việc. Như vậy việc làm, thu nhập, đời sống của giáo viên được gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ. Anh hoàn thành nhiệm vụ tốt thì anh được hưởng chế độ xứng đáng, bằng không thì anh nhận lương ít đi. Tôi cho rằng, đây chính là nguồn động lực mà tự thân từng thầy cô sẽ phải không ngừng nỗ lực. Việc thực hiện chế độ hợp đồng cũng sẽ giúp cho cơ sở đào tạo được toàn quyền lựa chọn những thầy, cô giáo ưu tú... để ký hợp đồng. Do đó, chất lượng đào tạo có điều kiện được nâng cao.

Tất nhiên, với tình hình hiện nay, để xóa bỏ được quan niệm về biên chế Nhà nước sẽ gặp khó khăn. Bởi nó đã gắn với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên nhiều năm qua nên Bộ GD&ĐT cần tính toán biện pháp giải quyết phù hợp. Bộ phải tính đến những yếu tố như: Khi bỏ biên chế thì mô hình tổ chức quản lý ở các cơ sở giáo dục sẽ như thế nào? Hiệu trưởng nằm trong diện biên chế hay hợp đồng? Ai là người được quyền quyết định tuyển dụng hay sa thải lao động?... Chưa kể, hiện nay các trường ĐH, CĐ hay trung cấp chuyên nghiệp đang tiến tới thành lập hội đồng trường nên khi toàn bộ đội ngũ lao động ở dạng hợp đồng rất có thể sẽ khiến cấu tạo bộ máy của nhà trường không ổn định. Khi ấy sẽ thành lập hội đồng trường như thế nào? Đảng ủy trường sẽ hoạt động ra sao? Đó đều là những điều cần phải tính đến. Quyết định bỏ biên chế sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong hàng loạt các quy định, chế độ gắn liền với cách quản lý, sử dụng lao động... Do vậy, khi thực hiện việc bỏ biên chế giáo dục cần được nghiên cứu một cách thấu đáo và thật kỹ lưỡng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nếu làm thì phải sửa luật

thi diem bo bien che o giao vien nen lam theo lo trinh

Xét trên bình diện làm thế nào để huy động được nguồn lực xã hội, giảm bớt ngân sách Nhà nước để chi trả lương cho đội ngũ công chức, viên chức thì đây là một việc cần làm và sẽ tốt nếu làm được. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên là một lực lượng rất quan trọng, đóng vai trò sống còn và cũng là chủ thể của ngành giáo dục thì thực hiện cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Bất kỳ chế độ chính sách nào cho đội ngũ giáo viên khi có sự thay đổi cũng cần phải có tính toán thận trọng, phù hợp với quy định pháp luật hiện nay. Phải đặt đội ngũ giáo viên vào trong bối cảnh chung của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước, nhất lại là một nghề đặc thù, có lượng công chức, viên chức lớn như ngành giáo dục. Xét cho cùng, việc trả lương theo ngạch công chức, viên chức hay không cũng không phải là điều quan trọng, mà quan trọng nhất là khi thay đổi thì quyền lợi, chế độ, thu nhập của đội ngũ giáo viên vẫn được đảm bảo.

Theo tôi, nếu thực hiện thì phải có lộ trình. Hệ ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp có thể thực hiện thí điểm, từng bước chuyển dần sang cơ chế hợp đồng đối với các giảng viên, giáo viên. Còn đối với hệ thống giáo dục phổ thông thì cần phải xem xét kỹ càng hơn.

Tất nhiên những lo ngại về tiêu cực cũng có thể xảy ra. Bởi trước nay, ngành giáo dục đã nhiều bất cập về nạn “chạy” công chức, thậm chí “chạy” cả hợp đồng. Nên khi thực hiện cần có một chính sách công khai, minh bạch để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh. Những câu chuyện như sự chuyên quyền của hiệu trưởng hay ban giám hiệu các trường là có, nên có thể thực hiện ký hợp đồng ở cả cấp ban này. Bởi khi ký hợp đồng sẽ không có gì được gọi là chắc chắn, tất nhiên họ sẽ phải nỗ lực hơn, phải cố gắng hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Những việc này, doanh nghiệp họ đã làm cả rồi.

Do đây là vấn đề có thể tác động đến hàng triệu thầy cô giáo, nên Bộ GD&ĐT cần phải phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu kỹ. Điều quan trọng nhất là chính sách phải nhất quán, bình đẳng và tổ chức đồng bộ chung chứ không thể riêng lẻ áp dụng riêng cho hệ thống giáo dục và đào tạo. Tránh sự chênh lệch trong các đơn vị sự nghiệp công lập giữa các ngành, lĩnh vực với nhau. Trước mắt, Bộ GD&ĐT từng bước xin chủ trương thí điểm để có lộ trình phù hợp, sau khi thí điểm cần tổng kết thực tiễn, nếu khả quan sẽ tiến tới đề xuất sửa đổi Luật Viên chức một cách căn cơ. Bộ GD&ĐT cũng phải tiếp tục hoàn thiện báo cáo đề án đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục và đào tạo để báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện đề án tổng thể trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương sẽ có giải pháp tổng thể về cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Bỏ biên chế chưa chắc giảm tiêu cực trong giáo dục

thi diem bo bien che o giao vien nen lam theo lo trinh

Với góc độ là giáo viên phổ thông, khi đón nhận chủ trương dù mới là dự kiến này của Bộ, tôi cho rằng, có vẻ như trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Chính về “đổi mới căn bản toàn diện” trong ngành giáo dục thì Bộ GD&ĐT đang lúng túng và đang tự làm khó mình khi đưa ra phương án này. Tôi luôn ủng hộ sự đổi mới của ngành, nhưng không tán thành cách làm này.

Trong quá trình đổi mới toàn diện ngành giáo dục thì việc đổi mới về con người là vấn đề cốt lõi, cụ thể là việc bỏ biên chế giáo viên, theo tôi, Bộ GD&ĐT rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng. Cần phải có lộ trình và sự tham vấn rộng rãi từ dư luận xã hội, đặc biệt những cán bộ quản lý, giáo viên đã và đang trực tiếp giảng dạy ở tất cả các bậc học phổ thông. Nếu triển khai thực hiện thì phải dân chủ, đúng lộ trình và đúng quy trình. Chưa ai dám khẳng định chắc chắn tính khả thi, tính hiệu quả của phương án này nhưng tôi tin, nếu được tham vấn thì số lượng giáo viên sẽ phản đối nhiều hơn là đồng thuận. Vì sự thay đổi đó sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến công ăn việc làm, đến miếng cơm manh áo, đến đời sống của họ.

Tôi thiết nghĩ, phương án này sẽ giúp thủ trưởng các cơ quan, trường học, các cơ sở đào tạo có thêm rất nhiều quyền tiếp nhận và sử dụng lao động, nhưng nó cũng sẽ tạo ra cho những người lao động là giáo viên trẻ vừa ra trường có quyền lựa chọn môi trường, cơ quan công tác, theo điều kiện khả năng của mình. Hệ lụy dễ xảy ra từ phương án này là sự tiêu cực bằng tiền bạc trong tuyển dụng hợp đồng giáo viên ở các cơ quan sự nghiệp hành chính của ngành giáo dục.

thi diem bo bien che o giao vien nen lam theo lo trinh
Không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường

Bộ GD&ĐT sẽ nghĩ gì và hành xử như thế nào khi những cán bộ quản lý, giáo viên đã cống hiến nhiều năm trong ngành, đã được biên chế và hưởng lương từ ngân sách sẽ không còn là viên chức? Chế độ, chính sách về lương bổng, các danh hiệu, thành tích trong cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục của họ sẽ như thế nào?

Phương án này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để triển khai đồng bộ, đồng loạt thì sẽ vô cùng phức tạp. Đây là phương án của Bộ GD&ĐT dành cho ngành mình nhưng sẽ đụng chạm đến nhiều bộ, ngành liên quan như: Tài chính; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội… Đồng thời, nó lại tương tác đến việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, Luật Lao động, Luật Thi đua thưởng… Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định vấn đề hệ trọng này.

Đổi mới để phát triển là sự phù hợp của xu thế chung, quy luật chung nhưng cần sự ổn định chứ không nên tạo ra sự xáo trộn và bất ổn. Thoạt nghe, thì phương án này tưởng chừng sẽ giảm thiểu được những tiêu cực trong ngành giáo dục, nhưng không phải, nó thậm chí còn đem đến những hậu quả không lường trước được. Theo tôi phương án này sẽ khó có tính khả thi vì điều kiện kinh tế xã hội hiện tại của đất nước và thực trạng chung của ngành giáo dục chưa thể thực hiện trong giai đoạn hiện tại. Và chắc chắn rằng, phương án đó sẽ vấp phải sự phản ứng nhiều chiều, thậm chí sự thiếu đồng thuận, đồng tâm, đồng hành của ngay những người trong cuộc, trong nghành.

Tóm lại, tôi cho rằng, khi hoạch định và ban hành một chủ trương để tạo nên sự thay đổi mang tính đột phá, Bộ GD&ĐT nên thận trọng, dân chủ và triển khai đúng lộ trình. Mọi sự nóng vội đều trả giá, mọi sai lầm đều dẫn đến những hệ lụy khó cân đong đo đếm. Đổi mới để phát triển cần sự ổn định chứ không nên tạo nên sự xáo trộn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình): Giáo viên sẽ thôi dựa dẫm vào sự an toàn của hai chữ “biên chế”

thi diem bo bien che o giao vien nen lam theo lo trinh

Là một giáo viên, tôi nghĩ đây là một chủ trương tốt, nếu thí điểm thì nên thực hiện, còn áp dụng trong quy mô toàn ngành giáo dục thì còn cần dựa vào kết quả thí điểm và có những biện pháp quản lý cụ thể. Sở dĩ khẳng định đây là một chủ trương tích cực, bởi tôi nghĩ chủ trương này sẽ có tác động tích cực đến chất lượng giáo viên. Giáo viên không thể trông chờ và dựa dẫm vào sự an toàn của hai chữ “biên chế” để hình thành độ ì trong chuyên môn, không tiếp tục phấn đấu, học hỏi. Bỏ biên chế, đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh sẽ tăng lên, giáo viên sẽ phải không ngừng phấn đấu để đáp ứng được yêu cầu của nhà trường, học sinh, phụ huynh.

Hơn nữa những giáo viên trẻ, có năng lực nhưng hiện nay do quy định về biên chế không có được việc làm tốt sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ngoài ra, với những môn học mới theo chương trình dự thảo mới của Bộ GD&ĐT thì việc ngay lập tức tuyển được vào biên chế lượng giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy là việc rất khó, hơn nữa gây cồng kềnh cho bộ máy.

Có ý nghĩa nhất trong chủ trương này sẽ là quyền lợi của học sinh. Học sinh sẽ có quyền và cơ hội được học những giáo viên thật sự có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của các em và khi việc học trên lớp được đáp ứng theo yêu cầu sẽ có thể giảm bớt gánh nặng của việc dạy thêm học thêm.

Tuy nhiên, chủ trương này cần được nghiên cứu và tính toán kỹ để tránh gây tâm lý hoang mang cho giáo viên cũng như không để hình thành tính chuyên quyền của hiệu trưởng (tuyển dụng và sa thải mang tính cảm tính), không để học sinh biến thành ông bà chủ, còn giáo viên thành người làm thuê, khiến hệ giá trị đạo đức bị đảo lộn. Bài toán hạch toán kinh tế cho các nhà trường cũng sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Và tôi cũng e rằng, nhiều môi trường giáo dục, nhất là giáo dục chuyên biệt, từ chỗ tiêu chí là tuyển chọn học sinh có năng khiếu sẽ phải chuyển sang tiêu chí học sinh có đủ điều kiện tài chính để học tập và chi trả lương cho giáo viên. Từ đó xảy ra trường hợp học sinh có điều kiện nhưng không học giỏi, ngược lại những em có hoàn cảnh khó khăn, sẽ không thể tham gia theo học ở những môi trường giáo dục tốt.

Suy cho cùng, đổi mới chất lượng giáo dục là một nhiệm vụ lớn lao đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo tôi cần phải có sự đổi mới từ gốc là khâu đào tạo. Trong khi các trường sư phạm, khoa sư phạm điểm xét tuyển vào càng ngày càng thấp so với trước đây thì việc thay đổi ở các khâu khác cũng rất khó mang lại hiệu quả tốt. Vẫn biết sau khi ra làm nghề, giáo viên vẫn không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng nếu tuyển vào trường sư phạm mà sinh viên không đạt trình độ khá thì đào tạo học sinh khá còn khó chứ chưa nói gì đến học sinh giỏi.

Để nâng cao mức thu nhập cho giáo viên thì xóa bỏ biên chế có thể là một giải pháp tốt. Ngoài ra cần chấp nhận sự thật, giáo dục là một nghề. Không thể đánh đồng việc dạy thêm, học thêm theo nhu cầu của học sinh với những hiện tượng biến tướng để cấm đoán, bắt phạt hay kỷ luật. Bởi với giáo viên, chỉ có cách làm giàu chân chính, nhất là dạy học! Giáo dục là nền tảng của một quốc gia, bởi vậy cũng không nên đặt toàn bộ gánh nặng tài chính lên phụ huynh và học sinh. Cần có biện pháp tăng phúc lợi xã hội để đầu tư nhiều hơn cho giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Thông thường việc tuyển dụng giáo viên về các trường tiểu học và THCS vẫn do UBND quận, huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường. Chính yếu tố này dẫn đến việc vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ về nhân lực tại các trường.

Nếu như không phân cấp mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường chắc chắn sẽ mờ nhạt, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý sẽ can thiệp sâu vào chuyên môn, cũng như nhiều hoạt động khác của trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết, về lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục.

Huyền Anh