THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc vẫn còn cay cú quá khứ chiến tranh

07:00 | 04/09/2015

4,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cây kem in hình cái đầu của tội phạm chiến tranh người Nhật đã bị hành quyết, Hideki Tojo, đang bán chạy nhất Trung Quốc cho thấy quá khứ chiến tranh giữa hai nước vẫn còn rất nặng nề.
the gioi 24h trung quoc van con cay cu qua khu chien tranh
Một người phụ nữ bán kem hình cái đầu của tội phạm chiến tranh người Nhật đã bị hành quyết, Hideki Tojo, tại một cửa hàng kem ở Thượng Hải, Trung Quốc, kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai

Một hãng kem tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, vừa cho ra một sản phẩm là que kem mang hình dáng bán thân của Đô đốc Hideki Tojo, người chỉ huy cao nhất của quân đội Thiên hoàng thời chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Hãng kem này đã đưa ra lời quảng cáo là Vạn người cùng xơi tên tội phạm chiến tranh Nhật Bản.

Một dòng chữ quảng cáo sản phẩm khác thì nói là “Không bao giờ quên nỗi nhục của quốc gia”.

Trong khi đó thì trong một lời phát biểu ngày hôm 1/9 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng những kẻ xâm lăng Nhật Bản là bọn hung bạo và đã hành xử một cách dã man đối với người dân Trung Quốc.

Ông Tập nói thêm là dù đối diện với sự hung bạo đó, người dân Trung Quốc đã dùng máu thịt của mình để xây nên một Vạn lý trường thành mới chống quân xâm lược.

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì buổi đại lễ đánh dấu 70 năm ngày chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc ở châu Á, mà Trung quốc gọi là ngày chiến thắng phát xít Nhật.

Trở lại với que kem mang hình bán thân Đô đốc Tojo, một người Trung quốc bình luận trên mạng là ăn que kem đó có vẻ vui thật, nhưng mà giai đoạn lịch sử đó không có thích hợp với chuyện ăn uống tiêu thụ như thế.

Nhật Bản hôm 3/9 bày tỏ “thất vọng” vì không có dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương trong bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc tại buổi lễ diễu binh rầm rộ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến thứ hai tại châu Á. Tokyo kêu gọi Bắc Kinh không nên chú tâm vào quá khứ “lịch sử đau buồn” mà nên hướng nhìn về tương lai.

Trước báo giới, phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, không đưa ra bình luận về buổi lễ diễu binh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói “đã 70 năm trôi qua từ khi chấm dứt Thế chiến thứ hai, và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ cùng giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng thế giới theo hướng xây dựng, thay vì nhấn mạnh vào quá khứ đau thương của Trung Quốc”.

Tại Trung Quốc, cuộc chiến 1937-1945 được chính thức gọi là “Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Hoa chống xâm lược Nhật Bản và cuộc Thế chiến chống chủ nghĩa phát xít”.

Tổng thống Barack Obama cho rằng việc Mỹ nối lại quan hệ với cựu thù Nhật Bản “là một minh chứng về sức mạnh của hòa giải”. Theo ông Suga, những lời bình luận của Tổng thống Obama nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của liên minh Nhật Bản-Mỹ trong việc gìn giữ hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Tokyo cũng đã tỏ ra không hài lòng về việc Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tham dự lễ diễu binh và cho rằng, ông phải tỏ ra “trung lập” về vấn đề này.

Hậu quả của cuộc chiến bành trướng của Nhật Bản vẫn là một điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và hai nước Triều Tiên.

Làm khó nhau

Mặc dù thỏa thuận mua bán tàu Mistral giữa Pháp và Nga đã được hủy bỏ, đôi bên đã chấp nhận các điều khoản đền bù nhưng vụ này vẫn chưa thể nói là xong hẳn. Báo Thương gia của Nga ngày 2/9 cho biết nước này muốn khách hàng tiềm năng mua tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp phải mua kèm các trực thăng Ka-52K mà Nga chế tạo riêng cho những tàu này.

Theo các nguồn tin, số phận các tàu Mistral do Pháp đóng liên quan trực tiếp tới kế hoạch đưa ra thị trường máy bay Ka-52K.

Trong trường hợp khách hàng từ chối mua trực thăng Ka-52K, Nga dự định sử dụng quyền phủ quyết của mình, và điều này sẽ gây khó khăn đáng kể cho Pháp, nước đang rất muốn nhanh chóng bán 2 tàu trên.

Những khách hàng tiềm năng mua Mistral là Ấn Độ, Brazil, Arập Xê út, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ai Cập. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng phần lớn các tuyên bố của Paris về việc sắp bán được những tàu này là "không có cơ sở tin cậy".

Trước đó, có tin nói rằng trong chuyến thăm Kuala Lumpur, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thảo luận việc bán những tàu này cho Chính phủ Malaysia.

Thế giới bàn cách khắc phục hậu quả từ TQ

Các vị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của 20 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ gặp nhau cuối tuần này ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, để cùng tìm giải pháp cho bài toán làm sao giảm bớt những trở ngại gây nên từ kinh tế của Trung Quốc.

Trong những tuần lễ gần đây, các dấu hiệu cho thấy mức phát triển kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán thế giới và giá hàng hóa.

Theo IMF, đây là những thử thách mà nhóm G20 phải tìm cách đối phó, để giảm bớt áp lực đối với nền kinh tế của các nước trong nhóm, giúp giảm thiểu áp lực chung cho toàn cầu. Vì thế, mọi người đang chờ đợi xem phái đoàn đại diện Trung Quốc sẽ nói gì khi trình bày kế hoạch giúp ổn định thị trường và giúp Hoa Lục tăng trưởng kinh tế.

Trước ngày cuộc họp của G20 diễn ra, Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde nói rằng năm nay, mức phát triển kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn tỷ lệ 3,3% mà Quỹ dự báo hồi tháng 6/2015.

“Người giàu cũng khóc”

Cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu đang khiến nước Đức rơi vào cảnh “người giàu cũng khóc”. Ngày 3/9, Hungary mở lại những tuyến tàu điện đưa người di cư tới biên giới với các nước mà họ muốn đến.

Hungary là một nước “nghèo” trong EU nên người di cư chỉ coi đây là điểm trung chuyển dẫn họ tới miền đất hứa là các nước Tây Âu giàu có trong đó có Đức. Trước hành động này, nhiều nước châu Âu đã cho đóng cửa biên giới mặc dù giữa các quốc gia này đã ký hiệp ước cho công dân tự do đi lại. “Tuyệt chiêu” của Hungary là chở di dân tới biên giới và chuyện họ muốn đi tiếp đến đâu là tùy.

Cuộc khủng hoảng này đang đe dọa quyền tự do đi lại của châu Âu và de dọa tinh thần và nội dung của Hiệp ước Tự do Di trú Schengen.

Hình ảnh ấn tượng

the gioi 24h trung quoc van con cay cu qua khu chien tranh 1

Hơn 700 sĩ quan cảnh sát mới của Pháp đứng nghiêm trong một buổi lễ tại Sở Cảnh sát ở Paris.

G.K

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)