THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc phá giá đồng tiền ngày thứ ba liên tiếp

06:00 | 14/08/2015

2,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp các phản ứng lo ngại trong hai ngày qua, Chính quyền Trung Quốc hôm qua (13/8) lại phá giá đồng tiền lần thứ 3 liên tiếp chỉ trong 3 ngày khi giảm thêm 1% tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ.
THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc phá giá đồng tiền ngày thứ ba liên tiếp

Giá trị đơn vị tiền tệ của Trung Quốc đã mất hơn 3% tính từ lần điều chỉnh đầu tiên hôm 11/8

Dù đã quyết định tiếp tục hạ giá đồng tiền, Ngân hàng Trung ương TQ vẫn cố gắng trấn an rằng “không có cơ sở” nào cho sự mất giá kéo dài, và chính quyền TQ sẵn sàng can thiệp trong trường hợp “biến động” quá mức.

Ngay từ hôm 11/8, Bắc Kinh đã bắt đầu hạ tỷ giá tham khảo của đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ với mức gần 2%, qua ngày hôm sau, 12/8, tỷ giá đó tiếp tục bị giảm thêm 1,6%. Các quyết định này đồng nghĩa với việc giảm giá đồng tiền nhân dân tệ, cho dù Ngân hàng Trung ương TQ không công nhận điều đó.

Theo giới phân tích, khi quyết định giảm mạnh tỷ giá của đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh nhắm tới việc khôi phục năng lực xuất khẩu và nền kinh tế gặp khó khăn. Thế nhưng quyết định của TQ đã khiến nhiều thị trường tài chánh trên thế giới đồng loạt sụt giá, cũng như đẩy giá cả nguyên liệu đi xuống.

Nhiều tiếng nói đã vang lên, tố cáo Bắc Kinh khởi động một cuộc “chiến tranh tiền tệ” mới, thậm chí có tin cho rằng mục tiêu tối hậu của TQ đẩy cho đồng nhân dân tệ giảm đến 10% giá trị.

Như để bác bỏ các cáo buộc về việc khởi động cuộc chiến tiền tệ, trong cuộc họp báo hiếm hoi tổ chức vào hôm 13/8, Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ Trương Hiểu Hoa cho rằng: “Hiện không có cơ sở nào cho một sự suy giảm kéo dài trong tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ” và TQ có đủ “khả năng giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định ở một mức hợp lý và cân bằng”.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ Dịch Cương nhấn mạnh : “Ý tưởng cho rằng chúng tôi muốn hạ giá đồng tiền với tỷ lệ 10% để kích thích xuất khẩu là một điều hoàn toàn vô lý, đó là những tuyên bố quá đáng”.

Theo hãng AFP, chính quyền TQ có dấu hiệu muốn ngăn chặn đà tụt giá của đồng nhân dân tệ. Hãng tin Mỹ Bloomberg tiết lộ là vào hôm qua, vài phút trước kết thúc các giao dịch ngoại tệ tại TQ, Ngân hàng Trung ương đã ồ ạt thu mua đôla, giúp cho đồng nhân dân tệ tăng mạnh đột ngột…

Theo giới phân tích, Bắc Kinh không thể để cho đồng tiền của họ trượt giá quá mức vì điều đó có thể khuyến khích hiện tượng vốn chạy ra khỏi TQ, làm chi phí nhập khẩu gia tăng, và thổi phồng khối nợ của các doanh nghiệp TQ.

Trung Quốc xếp hạng bét về quyền lực mềm
THẾ GIỚI 24H: Mỹ lúng túng vì Trung Quốc phá giá đồng tiền
Trung Quốc phá giá đồng tiền, ai bị thiệt?
THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho

Myanmar loạn trước bầu cử

Chủ tịch đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), đảng đang cầm quyền tại Myanmar, bị buộc từ chức hôm 13/8. Cảnh sát được lệnh vây quanh trụ sở của đảng tại Naypyidaw. Theo giới quan sát, sự kiện này mang dấu hiệu đấu đá nội bộ trước kỳ bầu cử được cho là căng thẳng sẽ diễn ra ngày 8/11.

Cuộc bầu cử Nghị viện sắp tới được đánh giá là một cuộc kiểm nghiệm nền dân chủ sau hàng chục năm nằm dưới sự điều hành chế độ quân sự. Thế nhưng, cuộc bầu cử sắp tới cũng đánh dấu những bất đồng sâu sắc và nghiêm trọng trong nội bộ đảng đang chiếm đa số tập trung chủ yếu các cựu sĩ quan cao cấp.

Tổng thống Thein Sein và người đứng đầu đảng hiện nay, đồng thời là chủ tịch Nghị viện, ông Shwe Mann, đều rũ bỏ quân phục để tham gia vào cuộc tuyển cử đầy tranh cãi năm 2010. Thế nhưng, cả hai cựu tướng quân đội không còn cùng chiến hướng và giữ mối quan hệ căng thẳng từ nhiều tuần nay.

Mọi việc diễn ra tại trụ sở của đảng USDP ở Naypyidaw. Tổng thống Thein Sein không còn giữ một trọng trách gì trong đảng, đã đích thân tới can thiệp cùng với cảnh sát, vào tối hôm qua, ngay giữa buổi họp liên quan tới cuộc bầu cử.

Theo AFP, có khoảng sáu cảnh sát đã canh giữ lối vào chính của trụ sở đảng vào sáng ngày 13/8. Trong khi đó, theo một nguồn tin ẩn danh từ trong nội bộ đảng USDP, khoảng 100 cảnh sát đã chặn các cửa ra vào của trụ sở đảng vào tối hôm trước.

Phát ngôn viên của phủ Tổng thống tuyên bố với AFP rằng: “Đây chỉ là việc nội bộ trong ban lãnh đạo của đảng, không có gì phải lo lắng” để che giấu vụ lật đổ bất ngờ này. Ông từ chối bình luận việc cảnh sát được triển khai xung quanh trụ sở của đảng USDP và cho biết Chủ tịch đảng không bị bắt giữ. Con trai của ông Shwe Mann cho biết là những “nhân viên cảnh vệ” trên cũng có mặt tại tư gia của cha mình tại thủ đô Naypyidaw.

Được coi là người mềm dẻo hơn những thành viên cực đoan nhất của chế độ, gần đây, ông Shwe Mann đã ủng hộ ý tưởng hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo đảng đối lập Aung San Suu Kyi. Ông cũng là người phản đối nhiều cựu tướng lĩnh về tầm ảnh hưởng của quân đội tại Nghị viện.

Theo một số nguồn tin trong nội bộ đảng, ông Shwe Mann cũng tỏ ra ngập ngừng ủng hộ những ứng viên trung thành với Tổng thống và đã không chấp nhận một số quân nhân mới giải ngũ được quân đội tiến cử.

Từ năm 2011, chính phủ bán dân sự của Tổng thống Thein Sein đã thực hiện nhiều cuộc cải cách quan trọng: ân xá hàng nghìn tù nhân chính trị, để đảng của nhà đối lập Aung San Suu Kyi vào Nghị viện, mở cửa nền kinh tế… Cuộc cách mạng tuy còn nhỏ song đã cho phép phương Tây dỡ bỏ các trừng phạt đối với Myanmar. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, tình hình Myanmar đang trở lại thời kỳ trước đây. Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Suu Kyi, được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Thế nhưng, nhà lãnh đạo sẽ không thể trở thành Tổng thống vì một điều khoản trong Hiến pháp Myanmar cấm bà giữ chức vụ tối cao vì có chồng và con mang quốc tịch Anh.

Mỹ nợ người dân Cuba rất nhiều

Ngày 13/8, đánh dấu sinh nhật lần thứ 89 của mình, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã tuyên bố Mỹ nợ Cuba "nhiều triệu USD" vì lệnh cấm vận kinh tế kéo dài nửa thế kỷ mà Washington áp đặt lên La Habana.

Những bình luận trên của ông Fidel nằm trong một bài viết được giới truyền thông đăng tải 1 ngày trước chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Cuba để mở lại Đại sứ quán Mỹ tại đây - một phần trong quá trình tái lập quan hệ ngoại giao song phương.

Trong bài viết, ông Fidel nêu rõ: "Cuba đáng được nhận bồi thường tương xứng với tổn thất, tổng cộng nhiều triệu USD, vì chúng tôi đã công bố những tài liệu và lý lẽ không thế chối cãi trong tất cả những bài phát biểu tại Liên Hợp quốc ." Tuy nhiên, ông không đề cập tới số tiền cụ thể mà ông cho là Washington nợ La Habana.

Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại Cuba hồi năm 1962, 3 năm sau khi ông Fidel nắm quyền bằng cách hạ bệ một chính quyền được Mỹ ủng hộ.

Ba Lan chỉ trích NATO coi Ba Lan là “vùng đệm”

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 13/8 đã chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì coi Ba Lan như một vùng đệm giữa Nga và Đức.

Theo nhà lãnh đạo quốc gia Trung Âu, liên minh quân sự này cần đóng căn cứ xa hơn về phía Đông.

Tổng thống Duda, người chỉ trích gay gắt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở Ukraina, muốn một sự đảm bảo an ninh vững chắc hơn từ phía NATO cũng như một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của liên minh quân sự phương Tây này trên đất Ba Lan.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Duda nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn là một vùng đệm. Chúng tôi muốn trở thành sườn Đông thực sự của liên minh. Ngay bây giờ, nếu chúng ta nhìn vào sự bố trí các căn cứ… thì giới tuyến là nước Đức. NATO được cho là hiện diện tại đây để bảo vệ liên minh… Nếu Ba Lan và các nước Trung Âu khác tạo thành cạnh sườn thực sự của NATO, khi đó lẽ dĩ nhiên tôi có thể kết luận một cách logic rằng các căn cứ nên được bố trí tại những nước đó.”

Đức và một số thành viên khác trong NATO đã ngăn cản đề nghị của Ba Lan và các thành viên khác ở Đông Âu về một sự hiện diện chiến đấu lâu dài của liên minh ở khu vực này. Thay vào đó, NATO chọn cách tăng cường tập trận chung và luân chuyển lực lượng trên khắp khu vực này.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc phá giá đồng tiền ngày thứ ba liên tiếp
Một người đàn ông Hàn Quốc (trái) tự thiêu trong khi người phụ nữ cố gắng dập lửa trong một cuộc biểu tình chống Nhật Bản đòi bồi thường đầy đủ và một lời xin lỗi từ chính phủ Nhật Bản cho những nô lệ tình dục thời chiến trong trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.

G.K

Năng lượng Mới