Trung Quốc phá giá đồng tiền, ai bị thiệt?

14:00 | 12/08/2015

3,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để tăng xuất khẩu, Trung Quốc (TQ) đã phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Động thái trên của TQ cùng với sự sụt giảm của kinh tế nước này sẽ gây ra thiệt hại gì cho thế giới và nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Trung Quốc phá giá đồng tiền, ai bị thiệt?
Mức phá giá 1,9% được coi là mạnh nhất tại TQ trong nhiều năm qua, và đang tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới

Ngân hàng Nhân dân TQ (PBoC) ngày 11/8 đã phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong ba năm qua.

PBoC đã ấn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ từ 6,1162 nhân dân tệ/1 USD của ngày 10/8 tăng lên 6,2298 nhân dân tệ/1 USD. Cơ quan này cho biết việc giảm 1,9% sẽ giúp tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường hơn.

Quyết định của PBoC được đưa ra sau những bản báo cáo mới nhất cho thấy tình hình kinh tế của TQ đang gặp khó khăn. Một số chuyên gia kinh tế thế giới cũng tin rằng Bắc Kinh quyết định điều này để hỗ trợ cho xuất khẩu vì trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, lượng hàng xuất khẩu của TQ giảm tới 7%.

Ngay sau thông báo phá giá đồng tiền của TQ, thị trường vàng chứng khoán châu Á đã nhuộm một màu đỏ.

Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 87,94 điểm (0,42%), xuống 20.720,75 điểm, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng mất 35,96 điểm (0,65%), xuống 5.473,2 điểm.

Giá vàng trên thị trường châu Á lại giảm trong phiên giao dịch chiều 11/8, do đồng USD mạnh lên sau khi TQ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ. Vào lúc 13 giờ 16 phút chiều (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Manila đã giảm 0,3% xuống 1.100,70 USD/ounce.

Mỹ đã có phản ứng đầu tiên sau quyết định của TQ. Chiều ngày 11/8, Mỹ cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động của việc TQ phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng cũng cảnh báo Bắc Kinh không nên rời xa cam kết hướng tới áp dụng một giá tỷ giá hối đoái theo quy luật thị trường hơn.

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói: “Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động đầy đủ của sự thay đổi này, song Bắc Kinh đã cho thấy rằng những thay đổi được công bố ngày hôm nay là một bước đi nữa của nước này trong việc tiến tới một tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định nhiều hơn. Bất kỳ động thái đảo ngược các biện pháp cải cách nào cũng sẽ là một diễn biến tiêu cực”.

Các chuyên gia cho rằng bước đi của TQ có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ” nhằm giành lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu. Trước đây, hàng hóa của TQ đã rất rẻ vì nhiều lý do. Nhưng bây giờ TQ phá giá thì chắc chắn sẽ làm cho hàng hóa của TQ rẻ hơn khi xuất khẩu và vì vậy cho nên TQ sẽ có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu và hàng hóa TQ sẽ có năng lực cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam.

Hành động của Bắc Kinh đã gây phản ứng dây chuyền ở các nền kinh tế khác. Các đồng tiền của nhiều quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Philippines đồng loạt giảm giá.

Ngoài tác động từ việc phá giá đồng tiền, sự sụt giảm của kinh tế TQ trong thời gian qua đang gây lo ngại cho cả thế giới.

Tình hình từ những tháng gần đây cho thấy Hoa Lục không còn là một miền đất hứa. Doanh số tại thị trường TQ của công ty xe hơi đứng đầu thế giới Volkswagen (Đức) vào tháng 6 sụt 3,9% so với tháng 1/2015, mức giảm lớn nhất kể từ một thập niên. Tình hình hàng bán ra chậm khiến nhiều đại gia như BMW (Đức) hay Nissan (Nhật) buộc phải hạ dự báo tăng trưởng.

Ngành luyện kim và các sản phẩm sắt thép cũng là khu vực chịu nhiều hệ quả. Tập đoàn đứng thứ hai Nhật Bản JFE Holdings phải hạ thấp dự kiến tăng trưởng hồi cuối tháng 7, do tốc độ tăng trưởng chững lại, và tình trạng thép dư thừa tại quốc gia tiêu thụ thép số một thế giới. Công ty Mỹ sản xuất thang máy Otis và các hệ thống điều hòa nhiệt độ đang sẵn sàng chờ đợi tình hình tồi tệ hơn so với dự đoán.

Lo ngại nhất vẫn là các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu trước viễn cảnh hụt hơi của nền kinh tế, vốn tiêu thụ đến 51% lượng than toàn cầu, 50% quặng đồng hay 11% dầu mỏ. Thiệt hại nặng nhất có thể là Brazil, với 20% hàng xuất khẩu sang TQ. Tiếp đó là Nga, Chili, Argentina, hay Úc và các quốc gia vùng Vịnh.

Nhu cầu từ TQ sụt giảm cũng sẽ kéo giá nguyên nhiên liệu xuống mạnh, như vậy gián tiếp có lợi cho các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đối với các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay New Zearland, mức sụt giá này không bù lại được thiệt hại do xuất khẩu giảm, bởi tỷ trọng hàng xuất khẩu sang TQ của các nước này vốn rất lớn (10,1% GDP Hàn Quốc, 16,7% GDP Singapore hay 4,2% GDP New Zearland).

Xét trong tương quan này, ảnh hưởng của tình trạng hụt hơi của kinh tế TQ đối với khu vực đồng euro và Mỹ được đánh giá là không đáng kể, bởi xuất khẩu sang Hoa Lục chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (tương đương 1,5% và 0,7% GDP).

Nhiều nhà quan sát ghi nhận, xu thế kinh tế TQ tăng trưởng chậm lại chủ yếu gắn với sự thay đổi của mô hình kinh tế chuyên gia công xuất khẩu của nước này. Agatha Kratz, chuyên gia về TQ thuộc cơ quan tư vấn Hội đồng châu Âu nhận xét: “Đã bắt đầu quá trình dịch chuyển quy mô lớn nhiều xí nghiệp từ Hoa Lục sang các quốc gia trong vùng có nhân công rẻ hơn, như Việt Nam. Xu hướng này được dự đoán là sẽ còn tiếp tục, và tình hình này cũng có thể có lợi cả cho khu vực Đông và Trung Âu. Bên cạnh đó, chính quyền TQ đang có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, giành giật những thị trường đang trỗi dậy, nơi các công ty ngoại quốc vốn đứng đầu lâu nay”.

Theo kinh tế gia Mark Williams thuộc văn phòng tư vấn kinh tế vĩ mô Capital Economics, nhìn chung trong thời gian mấy thập niên vừa qua có đến “một phần ba tổng lượng tăng trưởng kinh tế toàn cầu là đến từ TQ, (…) tuy nhiên mối quan hệ giữa quốc gia này với phần còn lại của thế giới đã thay đổi rất lớn”, với sự sụt giảm mạnh của xây dựng và công nghiệp nặng, các khu vực vốn là trụ cột truyền thống của tăng trưởng kinh tế TQ.

THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho

THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho

Chứng khoán lao dốc nhiều lần, tăng trưởng kinh tế giảm, đồng tiền bị phá giá, con rồng Trung Quốc không còn phun lửa nữa mà đang ho.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới