THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho

06:00 | 12/08/2015

2,489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chứng khoán lao dốc nhiều lần, tăng trưởng kinh tế giảm, đồng tiền bị phá giá, con rồng Trung Quốc không còn phun lửa nữa mà đang ho.
THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho
Trung Quốc phá giá đồng tiền hôm 11/8

Sáng 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo quyết định giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ. Mức giảm là 1,9% so với giá ngày hôm trước. Đây cũng là mức giảm cao nhất trong 3 năm qua.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được đưa ra sau những bản báo cáo mới nhất cho thấy tình hình kinh tế của Trung Quốc (TQ) đang gặp khó khăn.

Một số chuyên gia kinh tế thế giới cũng tin rằng Bắc Kinh quyết định điều này để hỗ trợ cho xuất khẩu vì trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, lượng hàng xuất khẩu của TQ giảm tới 7%.

Giới đầu tư nước ngoài e ngại nền kinh tế thứ hai của thế giới hạ cánh thô bạo sau nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế TQ đang suy yếu: từ thị trường chứng khoán lao xuống dốc, tăng trưởng chờ đợi dưới 7%, tệ nhất từ ¼ thế kỷ nay, cho đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trầy trật, xuất khẩu giảm 8...

Nguyên nhân làm TQ mất sức cạnh tranh trong tư cách là công xưởng của thế giới: nhân công đắt đỏ hơn, đồng nhân dân tệ mạnh, năng suất kém, khiến cho sản phẩm giá hạ của TQ không cạnh tranh được với các quốc gia Đông Nam Á hay châu Phi.

Giới phân tích cho rằng kinh tế TQ yếu kém đi hiện nay là một thách thức đối Chủ tịch Tập Cận Bình. Khó khăn kinh tế sẽ khiến người dân mất tin tưởng vào chính quyền.

Trở lại cơn tuột dốc của thị trường chứng khoán TQ những ngày gần đây, các chuyên gia phân tích: Chính quyền đã can thiệp và ngăn chặn được đà tuột dốc, nhưng ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng trước một vấn đề nan giải gây khó khăn và làm ông suy yếu đi trong cuộc đấu tranh nội bộ. Đó là việc các tập đoàn nhà nước vẫn giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi, cải tổ gì cả.

Về hậu quả đối với bên ngoài, dĩ nhiên giới đầu tư nước ngoài ở TQ, như các tập đoàn sản xuất xe hơi phương Tây đã bị tác hại nặng nề. Nhưng nếu quả thật hoạt động kinh tế TQ chậm lại đột ngột, thì đó sẽ là điều đen tối đối với mọi người.

Trong bài xã luận tựa đề “Khi TQ tăng trưởng chậm lại... “, tờ Le Figaro của Pháp ghi nhận là thời kỳ mà sản phẩm thường dùng nhất hầu như đều mang ghi chú ''made in China” sắp nhanh chóng đi qua. Con rồng TQ không còn phun lửa nữa mà đang ho.

Tờ báo nhắc lại các sự kiện từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào đầu hè đã làm mọi người hụt hẫng, giới đầu tư cũng như chính quyền, Bắc Kinh đã tung 144 tỉ USD để trấn an các thị trường tài chính, cho đến mức tăng trưởng thấp như nói trên và việc TQ mất sức cạnh tranh.

Tờ báo cho rằng kinh tế TQ đang trở nên “bình thường” và không có gì đáng ngạc nhiên, có điều là nó mang mầm mống xáo trộn và có thể gây bất ổn. Sự chuyển mình của chàng khổng lồ háu ăn như thế, không phải là chuyện dễ làm.

Tờ báo nhìn thấy là cách Bắc kinh giải quyết khủng hoảng sẽ có ảnh hưởng ở cấp độ thế giới. Kinh tế TQ chậm dần sẽ khiến nhu cầu về nguyên liệu giảm đi, nhập khẩu TQ giảm khiến đầu tư thay đổi, cũng như quy trình sản xuất quốc tế.

Kinh tế TQ hạ cánh nhẹ nhàng thì các nước phát triển cũng như trỗi dậy có thể rút tỉa được lợi, nhưng nếu hạ cánh thô bạo thì sẽ gây suy thoái toàn cầu, các đối tác yếu của TQ sẽ bị đè bẹp và chính quyền TQ vốn đặt lên hàng đầu sự ổn định có thể bị ảnh hưởng.

Bài học cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn từ Trung Quốc
3 thắc mắc về thị trường chứng khoán Trung Quốc
Chứng khoán Trung Quốc: Bài học gì cho chúng ta?

Một năm cuộc chiến Mỹ-IS: bên tám lạng đằng nửa cân

Cách đây gần 1 năm, các chiến đấu cơ của Mỹ đã bay trên bầu trời Iraq để thực hiện những vụ không kích đầu tiên nhắm vào nhóm khủng bố gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS). Kể từ khi đó, Mỹ đã tăng cường thêm các cuộc tấn công, và giới lãnh đạo IS đã đáp lại, khiến thế giới tự hỏi liệu có bên nào thắng hay không.

Chỉ mới cách đây một năm, lời kêu cứu đã vang lên. Một phụ nữ người Kurd tên là Shiren Suleiman bị thất tán từ Sinjar kể rằng những người trong gia đình bà đã bị thương và bị đói khát.

Những lời than van, kèm với hình ảnh cuộc tiến công nhanh chóng của IS ở khắp Iraq, đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đáp lại: “Tôi đã chỉ thị cho quân đội thực hiện những vụ tấn công có mục tiêu nhắm vào các đoàn công-voa của quân khủng bố IS”.

Kể từ tháng 8/2014, đã có hơn 5.900 vụ không kích của liên minh do Mỹ lãnh đạo nhắm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, đánh trúng hơn 8.700 mục tiêu.

Mỹ đã được sự trợ giúp của lực lượng trên bộ - nổi bất là chiến binh người Kurd ở miền bắc, và lực lượng Iraq, một số tận dụng sự huấn luyện bổ túc của Mỹ.

Tuy nhiên, các chiến binh Hồi giáo đã không chùn bước. Bị đẩy lui ở nhiều nơi tại Iraq, họ đã bành trướng ra những nơi khác.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Cũng như mọi nỗ lực quân sự, sẽ có những thời kỳ tiến bộ nhưng cũng có một số trở ngại, như ta đa thấy với những thắng lợi của IS ở Ramadi tại Iraq và trung nam bộ Syria”.

Những người khác cho rằng sách lược có khuyết điểm, chẳng hạn như ông Christopher Harmer thuộc Học viện Chiến tranh: “Máy bay của chúng ta có thể nhắm trúng bất cứ nơi nào ở Syria hay Iraq trong một chu kỳ tương đối ngắn nhưng thực ra chúng ta không làm gì để hạn chế sự tăng trưởng của IS”.

Các giới chức Mỹ cho hay các vụ không kích đã gây thiệt mạng hoặc gây thương tích cho khoảng 15.000 phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, nhưng nói thêm rằng nhóm nay có thể quy tụ tới 30.000 chiến binh được tăng cường bởi luồng chiến binh liên tục đổ từ nước ngoài vào.

Tuy nhiên, vẫn có một số người tin rằng việc tôn thờ bạo lực của Nhà nước Hồi giáo đang bắt đầu có tác động dội ngược. Giáo sư Max Abrahms của trường Đại học Northwestern nói: “Những hình ảnh này mặc dù mang tính cách hung hãn, thực ra lại phản tác dụng đối với tổ chức bởi vì chúng sẽ làm cạn cái hồ chứa tân binh đầy tiềm năng và đó chính là điều chúng ta đang chứng kiến”.

Một năm sau những vụ không kích đầu tiên, Iraq, Mỹ và các đồng minh vẫn còn chật vật tìm cách đẩy lui Nhà nước Hồi giáo, và một số giới chức cảnh báo rằng còn nhiều năm nữa mới đi đến chiến thắng.

Tờ Daily Mail của Anh số ra ngày 11/8 đưa tin, mục tiêu tấn công chính của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là nhằm vào Nữ hoàng Anh Elizabeth II, người sẽ tham dự nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng sắp tới. Ngoài ra, báo trên còn cho biết các nhân vật khác trong hoàng gia, trong đó có Thái tử nước Anh Charles, và Thủ tướng David Cameron cùng nhiều quan chức khác nhau, các cựu chiến binh trong Chiến tranh Thế giới thứ II, binh lính của quân đội Anh cũng có thể bị tấn công.

Ukraina sắp có biến cố lớn

Theo AFP, ngày 11/8, Ukraina tuyên bố sẽ sử dụng toàn bộ kho vũ khí của nước này để chặn đứng mọi bước tiến của lực lượng nổi dậy, động thái tăng thêm tính cấp bách của chuyến thăm thiện chí của Bộ trưởng Quốc phòng Anh.

Người phát ngôn Quân đội Ukraina Vladyslav Seleznyov nói: "Chúng ta sẽ huy động toàn bộ kho vũ khí và tất cả mọi phương tiện sẵn có để đẩy lùi đà tấn công của kẻ thù. Chúng ta không thể mạo hiểm với mạng sống của các binh s​ỹ. Trước đây, hiếm khi phiến quân tiến hành các vụ tấn công bằng tên lửa Grad, nhưng giờ đây, việc này diễn ra hàng ngày”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã có cuộc gặp Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk tại Kiev. Trong phát biểu được phát trên truyền hình Kiev của Ukraina, ông Fallon cũng khẳng định "sẽ tiếp tục sát cánh" với Ukraina.

Cùng ngày người phát ngôn quân đội Ukraina, ông Vladislav Seleznyov tuyên bố các lực lượng ủng hộ Kiev tham gia tác chiến tại vùng Donbass có quyền khai hỏa đáp trả nếu các cứ điểm của họ bị lực lượng tự vệ Donbass tấn công.

Phát biểu trên cổng thông tin Ukrainskaya Pravda, ông Seleznyov nói: “Kiev tuân thủ các thỏa thuận và đã thông báo cho Phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), văn phòng OSCE tại Kiev và các đối tác Phương Tây” về cái mà Ukraina gọi là những sự vi phạm liên tiếp các thỏa thuận Minsk của lực lượng tự vệ thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Nhật tái khởi động lò phản ứng hạt nhân

Sáng 11/8, tại Nhật Bản, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đã được tái khởi động, 4 năm sau khi xảy ra thảm họa Fukushima và tất cả các lò đã phải ngừng hoạt động.

Nằm cách thủ đô Tokyo 1000 km về phía tây nam, nhà máy điện hạt nhân Sendai cho khởi động một trong hai lò, sau khi đã tiến hành luyện tập trong nhiều ngày kịch bản đối phó với thảm họa giống như ở Fukushima. Đối với chính phủ Nhật Bản, ưu tiên hiện nay là phải bảo đảm an toàn trong việc tái khởi động lò phản ứng đầu tiên.

100 triệu USD đã được đầu tư vào nhà máy điện Sendai để phòng ngừa tái diễn thảm họa Fukushima. Việc kích hoạt tâm lò đã được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Nhật Bản. Được khai thác từ 31 năm nay, lò phản ứng này đã phải ngừng hoạt động vào tháng 5/2011, tức là hai tháng sau khi xảy ra sự cố Fukushima.

Trong khi đó, cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Nhật Bản muốn bảo đảm chắc chắn là không tái diễn một thảm họa như Fukushima. Do vậy, nhà máy điện Sendai và các cơ sở khác, hiện đã sẵn sàng cho tái khởi động các lò phản ứng, đã phải đề ra các biện pháp đối phó với trường hợp hệ thống làm mát lò phản ứng bị mất điện hoàn toàn và các tâm lò bị nóng chảy cùng một lúc, giống như tình huống đã xẩy ra tại Fukushima.

Trong bán kính 160 km xung quanh nhà máy điện Sendai, có 5 núi lửa đang hoạt động. 57% dân Nhật chống lại việc tái khởi động lò hạt nhân. Thế nhưng, việc Nhật Bản phải nhập khẩu ồ ạt khí đốt và than cho các nhà máy nhiệt điện đã làm cán cân thương mại bị thâm hụt và làm tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Rồng Trung Quốc đang ho
Xe tăng của Nga "bay" trong một cuộc tập trận

G.K

Năng lượng Mới