Thăng trầm Bảo tàng Vũ khí cổ

07:40 | 28/05/2017

4,215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ai đã thân thuộc với thành phố biển Vũng Tàu đều không mấy xa lạ với Bảo tàng Vũ khí cổ (Worldwide Arms Museum) Robert Taylor. Song, đằng sau Bảo tàng vũ khí tư nhân lớn nhất và duy nhất được cấp phép hoạt động tại Việt Nam này lại là một câu chuyện thăng trầm mà ít ai biết đến…

Bảo tàng “độc nhất vô nhị”

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Vũ khí cổ của ông Robert Taylor vào một dịp rất tình cờ. Lần ấy, sau khi hoàn thành công việc chính mà vẫn còn chút ít thời gian, chúng tôi liền nảy ra ý định thăm thú cái bảo tàng “độc nhất vô nhị” mà bấy lâu vẫn hay nghe nói đến. Tuy không phải dân Vũng Tàu, nhưng chúng tôi ít nhiều cũng đã nghe nói đến địa điểm này, đặc biệt vào thời điểm tháng 4-2016, khi các báo rầm rộ đưa tin Bảo tàng Vũ khí cổ hoạt động trở lại sau 4 năm đóng cửa.

Không như những gì hình dung trước đó, không gian hơn 1.500m2 tại bảo tàng khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp với hơn 3.000 mẫu vật trưng bày được chăm chút đến từng chi tiết. Ở đây có những bộ sưu tập thật sự quý hiếm (như cây súng cổ của Hà Lan - chỉ duy nhất có 2 cây trên thế giới; súng cạc-bin của vua Napoléon Bonaparte (từ 1600-1620); súng lục của Nữ hoàng Anh (năm 1728) hay súng máy Maxim Nga của Thế chiến thứ I…). Bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor có sự sắp xếp không gian trưng bày khá khoa học và đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, chuyên nghiệp không thua kém bất cứ bảo tàng chính thống nào trên thế giới.

thang tram bao tang vu khi co
Bên trong Bảo tàng Vũ khí cổ

Ở khu vực tầng trệt có 3 dãy nhà trưng bày. Khu vực đầu tiên vị chủ nhân dành không gian trưng bày các hiện vật từ thời kỳ Cổ đại đến Trung cổ. Các chiến binh Viking, Spartan, Trung Quốc, các Samurai và Shogun - tướng quân Nhật Bản, quân đội La Mã, quân Hoplite, các chiến binh thập tự chinh (người Anh, người Tây Ban Nha, người Đức), những võ sĩ giác đấu được trưng bày cùng với những loại trang phục và vũ khí đặc trưng. Một số hiện vật là đồ cổ nguyên bản, có một số khác được phục chế lại...

Khu vực quân đội châu Âu được dành nhiều không gian hơn với sự xuất hiện của những người lính Pháp, Nga, Thụy Điển, Phần Lan... Trang phục của lính Hoàng gia Nga gây ấn tượng với sự phong phú và những chiếc mũ kiểu cách không kém quân đội Hoàng gia Anh. Những khẩu hỏa mai của tầng lớp quý tộc châu Âu được trưng bày khoe phần báng súng được khảm khắc rất cầu kỳ…

Tầng trên dành cho quân đội Anh bởi sự yêu mến của người chủ sở hữu dành cho quê hương mình. Tại đây, những người đưa thư, người thổi kèn hiệu, lính đánh bộ, kỵ binh Anh, thủy quân, kỵ binh của Nữ hoàng được phục chế trang phục và những phụ kiện đi kèm hết sức tinh xảo và chi tiết. Khu vực này cũng trưng bày nhiều súng côn, súng lục, súng trường, súng hỏa mai... của Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Ở mỗi khu vực trưng bày đều có riêng một hướng dẫn viên. Các hướng dẫn viên sẽ trình bày cho du khách tham quan nắm rõ niên đại, xuất xứ, cũng như những nét đặc sắc riêng của từng hiện vật.

Để xây dựng nên bảo tàng này, hướng dẫn viên cho chúng tôi biết: Ông Robert Taylor vốn là một nhà sưu tầm có tiếng. Những hiện vật thuộc sở hữu của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng trên thế giới. Ông đã lấy lại nhiều hiện vật từng cho các bảo tàng mượn trưng bày mang về Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng này cũng chỉ đủ không gian trưng bày khoảng 2/3 số vũ khí, trang phục mà ông Taylor có. Hiện bảo tàng vẫn đang tiếp tục được mở rộng để có thể trưng bày nốt số hiện vật mà ông Taylor còn đang lưu giữ tại quê nhà.

Vốn không đam mê vũ khí, hay có sở thích thăm thú, tìm hiểu các bảo tàng, thế nhưng chuyến tham quan lần này khiến chúng tôi cực kỳ ấn tượng. Bởi ở đây có vô số hiện vật giá trị cùng với các bộ trang phục và vũ khí của các đội quân trên thế giới. Để một bảo tàng tư nhân đi vào hoạt động không phải là điều dễ dàng gì, huống hồ đây còn là một kho vũ khí quân sự với đủ các chủng loại, niên đại trên toàn cầu. Thế nhưng, điều khiến chúng tôi tò mò hơn cả, chính là vị chủ nhân của bảo tàng “độc nhất vô nhị” này.

May mắn cho chúng tôi, lần ấy, ông Robert Taylor và cả vợ ông là chị Nguyễn Thị Thu Trang đều có mặt ở bảo tàng.

Ông Robert Taylor là người Anh, năm nay ông đã ngoài 70, dáng người tầm thước, rắn rỏi, khỏe mạnh. Nhưng, cái chúng tôi ấn tượng đầu tiên ở ông không phải là về tuổi tác hay ngoại hình, mà là nụ cười vô cùng thân thiện. Vẻ ngoài ấy đã khiến chúng tôi an tâm bắt chuyện với ông hơn, dù vốn liếng tiếng Anh của cả nhóm cũng không khá mấy.

“Long đong” theo phận chủ

“Dù rất khó khăn nhưng tôi luôn giữ quyết tâm phải đưa Bảo tàng Vũ khí cổ hoạt động trở lại”, ông Taylor tâm sự về thời kỳ bảo tàng mới bắt đầu được thành lập nhưng lại phải đóng cửa vì nhiều lý do. Với sự yêu thích đặc biệt dành cho các quân trang, vũ khí cổ, ông Robert Taylor bắt đầu công trình sưu tầm của mình khi mới 18 tuổi. Món đồ đầu tiên mà ông sưu tầm được là một thanh kiếm cổ 100 năm tuổi được mua bằng những đồng tiền đầu tiên ông kiếm được. Trải qua hơn 52 năm, niềm đam mê ngày càng lớn, ông Robert đã dành gần như toàn bộ số tiền làm ra để đến nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan… tìm kiếm các món vũ khí “độc”, “lạ” cho bộ sưu tầm của mình.

Theo lời chị Thu Trang, ông vốn là kỹ sư có tiếng trong ngành xây dựng, đặc biệt chuyên về kỹ thuật chống ăn mòn, cách nhiệt, cách âm ở các công trình dầu khí. Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, ông làm kỹ sư cho một tập đoàn lớn của Thái Lan. Từ đó, ông có điều kiện đến nhiều quốc gia, giao lưu với nhiều người có chung niềm đam mê sưu tầm. Bạn bè ông có mặt ở khắp nơi trên thế giới, cả trong giới sưu tầm lẫn những người buôn bán đồ cổ. Mỗi khi nghe nói ở đâu có món đồ nào độc đáo đang được đấu giá, ông lại liên hệ nhờ bạn bè ở đó mua và trông coi giúp.

thang tram bao tang vu khi co
Bảo tàng Vũ khí cổ của ông Robert Taylor

Năm 1989, Robert Taylor đặt chân đến Việt Nam. Trong quá trình công tác tại Vũng Tàu, ông đã đem lòng yêu và quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất ấm áp này. Năm 1998, ông kết hôn với một phụ nữ người Việt và quyết định mở Bảo tàng Vũ khí cổ tại đường Hải Đăng (TP Vũng Tàu) vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, khi bảo tàng vừa mới được du khách biết đến cũng là lúc nó phải đóng cửa do giữa ông Robert Taylor và vợ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Trong khi TAND TP Vũng Tàu đang thụ lý vụ án phân chia tài sản thì người vợ này đã bán toàn bộ tài sản chung của hai người, từ nhà cửa, đất đai, trong đó có cả căn nhà làm Bảo tàng Vũ khí cổ khiến Taylor mất trắng toàn bộ tài sản gom góp trong nhiều năm…

Chị Thu Trang, khi ấy chỉ là một người bạn làm ăn bình thường của ông Robert. Chị là chủ một quán bar có tiếng ở Vũng Tàu, nơi ông Robert cùng bạn bè hay lui tới. “Quan hệ làm ăn cũng đơn giản. Chẳng qua lúc đó quán của chị có nhiều món đồ nội thất đẹp, lạ, ông thấy thích nên có đặt vấn đề mua bán để dùng trang trí cho bảo tàng. Mình thấy có mối làm ăn tốt thì cũng đồng ý thôi. Thế là quen biết từ đó” - chị Trang kể.

Có lẽ do duyên số, Thu Trang bắt đầu thân thiết hơn với gia đình ông Robert Taylor khi cậu con trai 10 tuổi của chị được một lần đến thăm ngôi biệt thự của ông. Ngôi nhà có hồ bơi, sân vườn nhiều cây xanh mát, có nhiều thú vật nuôi như chim chóc, vượn, khỉ, chó, mèo… không khác gì một khu vui chơi thu nhỏ khiến cậu bé vô cùng thích thú. Thế là mỗi ngày, cậu nhóc đều đòi mẹ cho sang chơi nhà ông Taylor. Khi chị bận việc trông coi quán, cậu nhóc cũng nằng nặc đòi đi chơi một mình. Thậm chí có lần, cậu bé còn mang cả quần áo, đồ ăn, đồ chơi bỏ vào balô rồi đạp xe đến nhà ông Taylor, khiến cả gia đình chị nháo nhào tìm kiếm, tưởng cậu nhóc… bỏ nhà đi bụi. Về phần ông Taylor, là một người thân thiện và vui vẻ, ông cũng rất hoan nghênh cậu nhóc đến chơi nhà mình. Chị Trang và ông cũng bắt đầu trở thành những người bạn thân thiết từ lúc ấy.

Đến khi cuộc hôn nhân của Taylor rạn nứt và đổ vỡ, chị Trang là người ở bên cạnh giúp đỡ ông mọi mặt. Bảo tàng đóng cửa, chị đã giúp ông tìm nơi lưu giữ toàn bộ số cổ vật của mình. Trong suốt quãng thời gian xử lý tranh chấp tài sản, chị Trang cũng là người giúp ông xử lý các giấy tờ thủ tục pháp lý; đồng thời trở thành chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông đang trong tình trạng vô cùng suy sụp.

May mắn thay, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sớm nhận thấy giá trị du lịch từ bảo tàng vũ khí cổ cùng tâm huyết của Robert Taylor. Đầu năm 2014, tỉnh đã gợi ý cho ông mượn căn nhà số 98 Trần Hưng Đạo làm địa điểm trưng bày toàn bộ vũ khí cổ. Mong muốn của chính quyền địa phương là bảo tàng này sẽ trở thành một địa điểm độc đáo, phục vụ khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của các nước trên thế giới.

Ông Taylor chia sẻ: “Khi tôi nhận được quyết định của chính quyền địa phương cho tôi mượn căn nhà mới để trưng bày vũ khí cổ cũng là lúc tiền bạc, tài sản cạn kiệt nên tôi rất vui mừng. Tôi rất may mắn khi nhận được sự đồng thuận từ chính quyền. Đặc biệt, người vợ sau của tôi đã động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất để tôi thực hiện ước mơ…”.

“Bộ sưu tập vũ khí cổ này có thể nói là tâm huyết cả đời của ông ấy. Ông ấy có thể không có nhà ở, nhưng bảo tàng thì bằng mọi giá phải giữ lại. Được chính quyền hỗ trợ tối đa, cho mượn miễn phí trong vòng 5 năm để mở lại bảo tàng, thực sự chúng tôi biết ơn vô cùng” - chị Trang kể, không giấu nổi vẻ phấn khởi, vui mừng của mình.

Chuyện tình xuyên biên giới

Trong khoảng thời gian 4 năm từ 2012-2016 để làm đầy đủ các thủ tục xin phép, cải tạo, sửa sang, Bảo tàng Vũ khí cổ của ông Robert Taylor lại một lần nữa được đón du khách đến tham quan. Thế nhưng, có thể nói, đó là 4 năm vô cùng gian truân, vất vả của cả hai vợ chồng. Có địa điểm mới, ông Robert Taylor lại phải sang Thái Lan làm việc để kiếm tiền tu sửa căn nhà, mặc dù ông đã gần cái tuổi thất thập cổ lai hy. “Tôi cứ đi, về giữa Thái Lan và Việt Nam 2 lần/tháng, bao nhiêu tiền kiếm được đều dùng hết cho việc sửa sang, mua sắm đồ trưng bày hiện vật. Vợ tôi thì ở nhà trông coi, lo lắng tất cả mọi việc” - ông Robert Taylor nói với chúng tôi bằng giọng Anh đặc trưng của mình.

thang tram bao tang vu khi co
Ông Robert Taylor bên bộ sưu tập súng cổ yêu thích

Tất nhiên, sau khi bị một cú sốc cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, ông trở nên cảnh giác hơn rất nhiều. “Ban đầu ông ấy cũng nghi ngờ chị dữ lắm. Nhưng khổ, khi đó ổng còn gì để mất nữa đâu?!” - chị Trang cười hiền. Trong khoảng thời gian 2012-2015, chị chỉ với danh nghĩa là bạn gái, đứng đằng sau hỗ trợ cho ông mọi việc: từ lo giấy tờ, mua vật liệu, đồ dùng, tìm thợ cho đến quản lý nhân công… Thậm chí, chị còn sang nhượng cả quán bar của mình để góp tiền phụ ông tu sửa ngôi nhà số 98 Trần Hưng Đạo để mở lại bảo tàng. “Những khi ổng bận làm việc ở Thái Lan, mình tôi lo lắng mọi thứ. Thợ sửa nhà đến đâu, tôi chụp hình lại rồi gửi qua điện thoại cho ổng xem để quyết định” - chị Trang nói.

Sau quãng thời gian 3 năm đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu, thương yêu… như một định mệnh, ông Robert Taylor đã trút bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh trong quá khứ, quyết định một lần nữa gắn bó đời mình với một phụ nữ Việt.

Tôi hỏi, điều gì ở ông Taylor đã khiến chị hy sinh nhiều như vậy? Câu trả lời của chị đơn giản đến không ngờ. Chị thương cái tính nhân hậu của ông.

Chị Trang nói, trước mở quán bar, chị vốn đã quen biết nhiều người ở giới thượng lưu Vũng Tàu. Thế nhưng, chị chưa gặp một vị “đại gia” nào có lối sống “tuềnh toàng”, tội nghiệp như ông Robert.

Có lần cùng nhau đi công việc, chị phát hiện ra trong vali của ông chỉ toàn quần áo rẻ tiền. Nhìn những chiếc may ô đã ngả màu, những chiếc quần đùi giãn thun rộng hoác, chị không khỏi chạnh lòng. Bữa ăn thường ngày của ông cũng không hề có tôm, cua, cá, thịt… mà chỉ đơn giản là salad, bánh mì sandwich, đồ hộp hoặc đồ đông lạnh như dăm bông, thịt muối. Về điểm này, không phải Robert Taylor tằn tiện trong việc ăn uống, mà theo chị Trang kể, đó là do tính yêu thương động vật đến lạ kỳ của ông.

Ngày trước khi còn ở ngôi biệt thự số 14 Hải Đăng, Robert Taylor có cả một chuồng lớn để dành nuôi vượn. Có lần, khi phát hiện một chú vượn bị thương đến mù cả hai mắt ở khu rừng gần nhà, Robert Taylor đã gác hết mọi công việc ở Việt Nam để đưa chú vượn về Anh chữa trị. May mắn thay, cuộc phẫu thuật đã thành công, chú vượn đó lại được ông đưa về Việt Nam nuôi dưỡng, sống khỏe mạnh cho đến cuối đời… Ngoài ra ông Robert Taylor còn nuôi rất nhiều loài vật khác như cá cảnh, chim chóc, chó, mèo… Quanh căn nhà trên triền núi của ông cũng có rất nhiều khỉ sinh sống. Chúng tụ tập lại hàng đàn do ông Robert vẫn luôn để dành thức ăn cho chúng mỗi ngày.

“Khí hậu, con người ở đây đều rất ấm áp”

Từ khi bảo tàng mở cửa trở lại, ông Robert Taylor chuyển đến sống và làm việc tại đây. Chúng tôi hỏi ông, điều gì khiến ông gắn bó với Việt Nam, đặc biệt là Vũng Tàu như vậy? Robert trả lời: “Khí hậu và cả con người ở đây đều rất ấm áp!”.

“Khi tôi đặt chân đến Việt Nam vào năm 1989, tôi chưa thấy ở đâu lại nhiều người nghèo đến vậy. Tôi quyết định phải làm một điều gì đó. Tôi thành lập công ty, tôi đem những kiến thức, kỹ thuật xây dựng mình có được truyền lại cho các bạn. Tôi đã từng có hai công ty xây dựng lớn ở Việt Nam, từ đó chúng tôi đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư người Việt. Có nhiều người đã từng làm cho tôi, rồi sau này họ tách ra làm công ty riêng, làm ăn phát đạt. Sau đó, họ lại mời tôi về làm cố vấn. Tôi xem đó là niềm tự hào, là thành công của mình ở đất nước này. Đến khi tôi lâm vào khó khăn, cũng chính nhờ những người bạn này và cả người phụ nữ của tôi giúp tôi vượt qua tất cả. Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, và tôi cũng chọn Việt Nam làm nơi sinh sống đến cuối đời. Tất nhiên, một phần cũng vì tôi không thích khí hậu lạnh lẽo ở Anh cho lắm!” - Robert Taylor cười lớn.

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam trải qua nhiều sóng gió, cái được cũng không ít mà cái mất cũng quá nhiều, ông Robert Taylor giờ đây chỉ còn một tâm nguyện lớn cuối cùng, đó là có thể xây dựng lại được ngôi nhà mới, và nơi đó sẽ trở thành nơi ông trưng bày tất cả bộ sưu tập của mình, là bảo tàng của riêng ông. Giấc mơ của ông, không chỉ là được chia sẻ với mọi người niềm đam mê lớn nhất đời mình, mà còn là mong muốn góp phần làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa, du lịch của nơi ông chọn là quê hương…

Nguyên Phương