Phim tết kém “ngon”

09:16 | 15/01/2018

533 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với các nhà làm phim, tết Nguyên đán được coi là “cơ hội vàng” để tung ra các sản phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, mùa phim tết năm 2018 đang bị đánh giá là kém “ngon” cả về số lượng lẫn chất lượng. 

“Né nhau” khi ra rạp

Trước tết Nguyên đán 1 tháng, người ta đã “chốt” số lượng phim ra rạp phục vụ khán giả dịp tết Mậu Tuất với 6 cái tên “Về quê ăn tết”, “789 Mười”, “Đích tôn độc đắc”, “Yêu em bất chấp”, “Siêu sao siêu ngố”, “Cuộc phiêu lưu của Trung Ruồi và Minh Tít”. Xem ra các nhà sản xuất đã không còn mặn mà với phim chiếu tết như những năm trước đây. Không chỉ ít về số lượng mà thể loại phim cũng không có nhiều sự lựa chọn cho khán giả khi tất cả đều là phim hài - tâm lý - tình cảm.

Còn nhớ tết năm 2016, mặc dù cho ra mắt hàng chục phim, song đã “thất thủ” ngay trên sân nhà trước sức nóng của những bộ phim ngoại nhập, khi đó dẫn đầu phòng vé thuộc về “Mỹ nhân ngư” của Trung Quốc. Hay năm 2017, quán quân phòng vé lại gọi tên bom tấn nước ngoài là “xXx: Return of Xander Cage” với doanh thu hơn 40 tỉ đồng. Tiếp đến là bộ phim “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” cũng có mức doanh thu xấp xỉ.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện phát hành của BHD, những năm trước, mọi người vẫn nhận định, tết Nguyên đán là cơ hội của phim Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu của khán giả thay đổi, điều này không còn chính xác. Chúng ta phải chấp nhận dù hơi cay đắng.

phim tet kem ngon
Một cảnh trong phim hài tết “Cuộc phiêu lưu của Trung Ruồi và Minh Tít”

Chính vì thế, hầu hết các đạo diễn đều có xu hướng “né nhau” khi ra rạp và “né” thời điểm tưởng chừng như “mỏ vàng” này. Năm 2017, khi bộ phim “Chạy đi rồi tính” bất ngờ được “ăn tết sớm”, đạo diễn Bảo Nhân lý giải: “Thị trường phim tết năm nay có sự gia tăng cả về số phim Việt lẫn phim ngoại nhập, trong đó có mấy phim “bom tấn”, nên chúng tôi chọn cách ra mắt sớm hơn để né được chút nào hay chút đó. Tôi thấy không chỉ mùa tết mà ngay cả những tháng khác trong năm, nếu chỉ cần có 2-3 phim Việt cùng lúc thì đã là áp lực cạnh tranh rất lớn về suất chiếu”.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho rằng, khuynh hướng phim chiếu rạp ngày tết đã có sự thay đổi mấy năm nay. Lý do đơn giản là vì cứ đổ xô chiếu tết thì sự cạnh tranh tăng lên khiến cho doanh thu bị giảm đi. Ngoài ra, nếu các phim chiếu tết trước đây chủ yếu chỉ mang tính chất gây cười thì bây giờ đã chú trọng đến những tình huống cười trí tuệ. Sở dĩ có sự thay đổi này là do thị hiếu của công chúng bây giờ đã khác.

Phim hài... dung tục

Bên cạnh những bộ phim chiếu rạp, một mảng phim thường được coi là hàng "độc" dịp tết - hài tết - cũng đang chịu sự chỉ trích từ phía khán giả do có quá nhiều cảnh dung tục, phản cảm. “Tỷ phú đè đại gia” của đạo diễn Dương Ngọc Bảo là một trong những dự án phim hài tết sẽ được ra mắt công chúng trong dịp tết Nguyên đán 2018.

Mới đây, ngay sau khi đoạn trailer của bộ phim hài này vừa ra mắt đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận. Mở đầu đoạn trailer, nhà sản xuất giới thiệu rằng “Tỷ phú đè đại gia” là bộ phim hội tụ 10 cái nhất, trong đó có “cảnh quay sexy nhất”. Sau đó, những cảnh quay Quang Tèo trong vai Trần Đại Gia đang xé áo một cô gái khiến cô lộ một phần ngực xuất hiện. Chưa dừng lại ở đó, nhiều phân đoạn có những cảnh quay khoe da thịt cùng với nhiều nữ diễn viên có những hành động phản cảm…

Không riêng gì “Tỷ phú đè đại gia”, trước đó nhiều phim hài tết đã bị chê trách bởi có những cảnh khoe thân, nhân vật hám gái như “Làng ế vợ 3”, “Đại gia chân đất”… Việc dùng những bộ phận nhạy cảm để gây cười khiến khán giả có cái nhìn xấu đi về hài tết.

Chia sẻ về thực trạng này, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay: “Bây giờ các phim hài tết chủ yếu phát trên mạng xã hội và ở mạng thì phải câu view. Một trong những yếu tố câu view chính là sexy, gợi cảm. Nhà sản xuất không vững tay sẽ sẵn sàng lái sản phẩm của mình đi hướng khác”.

Là đạo diễn quen thuộc của dòng phim hài, Bình Trọng thừa nhận có sử dụng tình huống “nóng” nhằm bổ trợ cho phim và gây ra tính hài hước, nhưng lại khẳng định “không sử dụng việc hở hang, gái đẹp để câu khách”.

Qua nhiều năm, nội dung phim hài không có nhiều thay đổi, vẫn bối cảnh làng quê với những câu chuyện đã cũ như đại gia “dởm” đua đòi cuộc sống giàu sang, đám trai làng không lấy nổi vợ… để từ đó xoáy sâu vào thói hư tật xấu. Điều này xuất phát từ chính tư duy của các nhà sản xuất rằng phim tết không cần quá đầu tư, bởi hết tết là... cất kho.

Có thể nói, nhiều năm qua, phim Việt chiếu tết phải đối diện với áp lực cạnh tranh với phim ngoại và cả phim nội tại các phòng vé. Vì lẽ đó, doanh thu của phim tết thường không được như mong muốn, mà chỉ mang tính may rủi theo thị hiếu của khán giả. Đã đến lúc, nhà sản xuất và đạo diễn buộc phải có sự thay đổi về cách nhìn đối với phim tết, đồng thời phải có sự đầu tư hơn về kịch bản, công nghệ quay và diễn viên. Có như vậy, dịp Tết Nguyên đán mới là mùa “đại thắng” của phim Việt, chứ không chỉ dừng lại ở việc “làm phim bánh mứt cho vui”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mỗi năm thường có 4-5 phim ra rạp vào mùa tết thì chỉ 1 phim thắng, 1 phim hòa và 3 phim lỗ. Hy hữu lắm mới có được 2 phim thắng hoặc 2 phim cùng hòa.

K.An