Những điểm nhấn trong Sách Trắng năng lượng của Trung Quốc năm 2012

14:54 | 30/10/2012

656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sách Trắng “Chính sách Năng lượng của Trung Quốc 2012” vừa công bố đã giới thiệu toàn diện hiện trạng phát triển năng lượng, nhiều thách thức phải đối mặt cũng như triển khai tổng thể nỗ lực xây dựng hệ thống công nghiệp năng lượng hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế về năng lượng của Trung Quốc.

Mức độ lệ thuộc vào dầu mỏ ngày càng tăng

Theo Sách Trắng, mức độ lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc những năm qua lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu đã tăng từ 32% trong năm 2000 lên 57% của hiện nay. Trước đó, vào cuối tháng 11/2011, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Quy hoạch Giao thông Vận tải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vận tải Tổng hợp, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc La Bình dự đoán tới năm 2015, Trung Quốc có thể phải nhập khẩu 370 triệu tấn dầu thô, tương đương với 65% lượng tiêu thụ dự kiến (570 triệu tấn dầu thô). Điều này có nghĩa tới năm 2015, mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc là 65%.

Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời

Sách Trắng cũng nhấn mạnh rằng, rủi ro an ninh trong quá trình vận tải dầu mỏ trên biển của Trung Quốc đã tăng lên và nước này không thể xem nhẹ vấn đề an ninh của các đường ống dẫn dầu và khí đốt thiên nhiên xuyên quốc gia. Đồng thời, những biến động về giá cả trên thị trường năng lượng quốc tế đã làm cho việc bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Tiết kiệm và bảo tồn năng lượng là ưu tiên hàng đầu

Theo Sách Trắng, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống cung cấp năng lượng toàn diện bao gồm than đá, điện năng, xăng dầu, khí đốt, các nguồn tài nguyên mới có thể tái chế... Và là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc chủ yếu dựa vào nội lực để phát triển năng lượng, đưa tỷ lệ tự cung tự cấp năng lượng lên đến 90%. Do đó, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc phải đẩy mạnh toàn diện việc tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, ra sức phát triển năng lượng mới và năng lượng có khả năng tái sinh, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch… Trong đó, xác định tiết kiệm là phương châm ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng của Trung Quốc thời gian tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc phải đi theo lộ trình phát triển công nghệ cao, giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng. Từ năm 2010 đến cuối năm 2015, Trung Quốc sẽ giảm 16% mức tiêu thụ năng lượng và 17% mức khí thải CO2 tính trên đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Đối với lĩnh vực năng lượng tái sinh, Trung Quốc sẽ nỗ lực phát triển thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và biogas, đồng thời sẽ tìm kiếm những biện pháp an toàn và hiệu quả để phát triển năng lượng hạt nhân. Trung Quốc dự kiến nâng tỷ lệ tiêu thụ các nguồn năng lượng phi hóa thạch lên 11,4% và tăng công suất phát điện từ các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch lên 30% vào cuối năm 2015. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ thúc đẩy khai thác thăm dò dầu khí trên biển. Trung Quốc tăng nhanh nhịp bước thăm dò dầu mỏ trên biển, theo Tân Hoa Xã, vừa có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng, vừa có thể tăng cường kiểm soát chủ quyền.

Khuyến khích tư nhân đầu tư

Một điểm đáng lưu ý nữa trong chính sách mới vừa ban hành là Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường trong lĩnh vực năng lượng bằng cách “phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của thị trường trong việc phân bổ các nguồn lực”. Tất cả các dự án được liệt kê trong chương trình năng lượng quốc gia, trừ khi bị cấm bởi luật hay quy định, đều được mở cửa cho nguồn vốn tư nhân. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các nguồn vốn tư nhân tham gia vào việc thăm dò và phát triển các nguồn năng lượng, xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí tự nhiên và dầu mỏ, phát triển ngành công nghiệp điện, chế biến than và lọc hóa dầu, phát triển các lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường và điều chỉnh các quy định để không ngừng hoàn thiện cơ chế hình thành giá dầu thành phẩm, giá điện, giá than… theo hướng để thị trường quyết định, đồng thời hình thành cơ chế kinh doanh năng lượng tái tạo riêng.

Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả của sự phát triển và sử dụng năng lượng, thúc đẩy sự phát triển khoa học năng lượng và bảo vệ an ninh năng lượng của đất nước, Trung Quốc sẽ giảm sự can thiệp của mình trong các vấn đề cụ thể và đơn giản hóa việc kiểm tra hành chính, phê duyệt, đồng thời tăng cường giám sát cạnh tranh độc quyền và không công bằng thông qua thiết lập cơ chế giám sát, mở, công bằng, khoa học và hiệu quả.

Phát triển năng lượng của Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nước tiếp tục được đẩy mạnh đi đôi với gia tăng nhu cầu năng lượng. Thông qua Sách Trắng, chính phủ nước này nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn năng lượng trong nỗ lực nhằm thực hiện phát triển xã hội - kinh tế bền vững. Nội dung Sách Trắng có đoạn: “Là một đất nước đông dân song tương đối khan hiếm các nguồn tài nguyên, Trung Quốc phải hướng tới bảo tồn năng lượng và luôn đặt mục tiêu này lên hàng đầu”.


Linh Phương (tổng hợp)