Định hướng giáo dục chưa ổn định, còn lúng túng

09:31 | 16/08/2013

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Nếu không cẩn thận thì đầu tư cho giáo dục còn dàn trải. Ai cũng lo cho nồi cơm của mình mà lại không lo cho nồi cơm chung. Việc định hướng giáo dục chưa ổn định, còn lúng túng” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đưa ra nhận định khi UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giám sát chương trình sách giáo khoa (SGK) vào chiều 15/8.

Ghi nhận những kết quả đạt được từ báo cáo giám sát SGK của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị việc đánh giá, nhận định cần “toàn diện hơn nữa”. Ông ví dụ với đánh giá “phân ban không thành công”, vậy vấn đề chất lượng giáo dục hiện nay như thế nào? Chương trình SGK có thành công không?

Theo ông Lý, hiện chúng ta đang làm ngược: Viết SGK trước, ra chương trình sau. Trong điều kiện nền giáo dục đang trong giai đoạn giao thời, vì thế báo cáo phải đưa ra cái gì được, cái gì chưa được và phải làm thế nào trong thời gian tới? Đồng thời cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT đến đâu, địa phương đến đâu?

Ông Lý dẫn dụ, vừa qua Bộ GD&ĐT đã “rút” rất sớm việc ưu tiên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. “Nếu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học mà không được cộng điểm thì xã hội lại nói tại sao không được ưu tiên. Dư luận phản ánh là bà mẹ 80 tuổi, nhưng thực tế 36, hay 40 tuổi vẫn có thể là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bộ đặt ra chính sách rồi rút lại chính sách quá dễ dàng. Nhưng trong báo cáo giám sát chưa thấy đánh giá chất lượng của các chính sách văn bản” – ông Lý nói.

Vị chủ nhiệm này cũng cho rằng, trên thực tế việc đầu tư cho giáo dục nhiều chứ không phải ít, nhưng lại thiếu đầu tư tập trung và thiếu niềm tin của xã hội dành cho giáo dục. Ngân sách 20% dành cho giáo dục, rồi tiền từ xã hội bỏ ra rất nhiều, nhưng chưa chắc nó đã vào thẳng giáo dục, mà có khi lại “chảy” vào chỗ khác.

Ông Lý khuyến cáo: “Nếu không cẩn thận thì đầu tư cho giáo dục còn dàn trải. Ai cũng lo cho nồi cơm của mình mà lại không lo cho nồi cơm chung. Việc định hướng giáo dục chưa ổn định, còn lúng túng”.

Đi vào vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chương trình SGK quá nặng nề, chưa giảm tải và cân đối được. Chủ trương giảm môn học bắt buộc, vậy thì giảm môn học nào? Hay tăng số môn học chủ đề gắn với hoạt động giáo dục tự chọn là những môn nào?

“Cái gì ta cũng muốn cả. Nếu thực hiện hết tất cả mục tiêu thì giảm tải có được không? Cái gì cũng muốn thì giải quyết bài toán này thế nào?” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đặt câu hỏi.

Qua nội dung giám sát về chương trình SGK, ông Lý cũng đề nghị phải nhìn lại hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay. Nó quá đồ sộ, nhưng các văn bản ở tầm Quốc hội lại còn rất thiếu. Trong khi các văn bản của Chính phủ, Bộ GD&ĐT thì rất nhiều nhưng lại thiếu ổn định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì đưa ra nhận định, nội dung SGK còn thiếu tính thời đại, thiếu thực tiễn. Ông lấy ví dụ, ở vùng sâu, vùng sa nhưng giáo viên lại dạy học sinh cách kê bàn ghế salon, trong khi các cháu còn chẳng biết bộ ghế salon thế nào. Hay ngày xưa chương trình học phổ thông chỉ có 9 năm, nhưng môn học nào học sinh cũng “yêu”. Còn bây giờ học sinh học cả môn tích phân, ly phân… “Liệu có cần thiết không? Bắt học như vậy chỉ gây áp lực cho cả học sinh và giáo viên. Nền giáo dục cải cách nhiều quá, thay đổi nhiều quá dẫn đến lúng túng”.

“Nhạc trưởng” của báo cáo giám sát chương trình SGK, Chủ nhiệmỦy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, hiện chúng ta vẫn kiên trì thực hiện đường lối “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Bằng chứng là ngân sách luôn dành 20% cho sự nghiệp giáo dục, trên thực tế còn cao hơn, và còn nhiều ưu tiên khác dành cho giáo dục không hề nhỏ.

Mặc dù vậy Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng thẳng thắn cho rằng, đầu tư cho giáo dục hiện nay vẫn không đủ đáp ứng được nhu cầu cho giáo dục phổ thông. Thậm chí còn không đảm bảo được… yêu cầu tối thiểu!

Có cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói, đầu tư cho giáo dục phổ thông rất lớn và ngày càng tăng lên. Tuy nhiên quy mô của giáo dục phổ thông cũng rất lớn, và tăng rất nhanh, cụ thể mỗi năm tăng lên khoảng 250 trường.

“Số lượng tiền chi cho ngành giáo dục có tăng, nhưng chi cho từng nhà trường, cho mỗi sinh viên vẫn không đảm bảo. Chất lượng giáo dục phổ thông tuy đã cải thiện nhiều, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện đảm bảo cho hoạt động tối thiểu. Trường lớp chưa được kiên cố hóa, trang thiết cũng bị chưa đầy đủ…” – Bộ trưởng Luận nói.

Theo kế hoạch, báo cáo giám sát chương trình SGK sẽ được chuyển cho các đại biểu Quốc hội làm tài liệu nghiên cứu vào kỳ họp cuối năm nay.

Trà My

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...