Còn nhiều rào cản trong đào tạo hệ cử tuyển

07:00 | 14/09/2013

1,107 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc thực hiện đào tạo học sinh hệ cử tuyển đã mang lại lợi ích lớn cho các địa phương trong đào tạo nhân lực, nhưng lãnh đạo các địa phương cũng như đại diện các trường đều bày tỏ có hàng loạt khó khăn xung quanh vấn đề này.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi nói về những bất cập tồn tại của hệ cử tuyển tại Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Học 10 năm vẫn… chưa ra trường

Hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có việc một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì không có người dân tộc thiểu số đã cử hoàn toàn người Kinh đi học; nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có học sinh cử tuyển.

Nhận xét về học sinh cử tuyển, lãnh đạo nhiều trường ĐH cho biết, học sinh, sinh viên hệ cử tuyển mặc dù có ý thức rèn luyện, phấn đấu, có tinh thần đồng đội, đoàn kết nhưng kiến thức văn hoá, đầu vào yếu, khả năng tiếp thu chậm hơn so với sinh viên khác do hạn chế bởi vốn từ Tiếng Việt.

Do vậy, học sinh hệ cử tuyển khó khăn để hoàn thành khóa học, nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả học tập thấp như Trường ĐH Kinh tế TPHCM có 3/37 sinh viên cử tuyển học kém buộc phải thôi học; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng nhiều học sinh phải dừng tiến độ để bổ sung kiến thức.

Ông Nguyễn Hữu Công (ĐH Thái Nguyên) cho rằng chất lượng học sinh cử tuyển còn rất hạn chế.

Hơn nữa, số học sinh cử tuyển chủ yếu vào ĐH chiếm 83,9% tổng chỉ tiêu, trình độ CĐ chiếm 16%, không đồng đều ở các lĩnh vực mà tập trung các ngành đòi hỏi trình độ cao như: Y tế (chiếm 25,96%), kinh tế (16,82%), sư phạm (23,03%). Do vậy, học sinh hệ cử tuyển khó khăn để hoàn thành khóa học, nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả học tập thấp.

Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, ĐH Thái Nguyên, cho biết, thống kê của trường cho thấy sinh viên cử tuyển chất lượng bài thi tương đối kém, nhất là các ngành như y, dược, toán. Trong khi đó chỉ tiêu lại lệch, tập trung vào y dược nhiều. Vì thế, số sinh viên cử tuyển bị lưu ban, không thể ra trường đúng thời hạn ở Đại học Thái Nguyên khá lớn. Ông cho biết: “Tôi đề nghị phải có cơ chế để trường được tham gia xét tuyển giống như quy định tuyển thẳng với các em học sinh thuộc huyện nghèo”.

Cùng bức xúc này, đại diện của trường Đại học Lâm nghiệp kiến nghị Bộ chọn cử tuyển ngay những em học sinh vùng khó đã đỗ đại học để các trường yên tâm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức gặp sự phản đối của các địa phương.

Thừa nhận địa phương mình có học sinh cử tuyển học 10 năm vẫn chưa ra được trường nhưng đại diện tỉnh Sơn La cho rằng quy định này không hợp lý. Phân tích một cách cụ thể hơn, đại diện của tỉnh Hòa Bình cho rằng học sinh trúng tuyển đại học thường ở vùng thuận lợi. Các em ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện học tập nên trình độ các em tương đối thấp, cũng rất ít em thi ĐH và có thi cũng không đỗ.

Còn theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên thì đặt điều kiện đỗ đại học với học sinh cử tuyển là điều không tưởng. Thay vào đó, vị lãnh đạo sở này đề nghị các trường kiên nhẫn đào tạo. Ông cho rằng: “Tôi nghĩ chúng ta chỉ ưu tiên đầu vào nhưng không ưu tiên trong quá trình đào tạo. Nếu không đạt, trường cứ cho các em lưu ban. Điện Biên có trường hợp phải trả học phí tới 8 năm”.

Bên cạnh đó, báo cáo của các địa phương cũng cho thấy chỉ có 40,2% sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ được bố trí việc làm. Gần 60% còn lại hoặc thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm ở một nơi khác, không thuộc đơn vị cử đi học.

Lãnh đạo Đại học Y Hải Phòng cho rằng việc sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng không về địa phương là một sự lãng phí lớn. Theo đó, ông đề nghị xem xét chuyển từ hình thức hỗ trợ học phí sang cho vay. Nếu sau đào tạo, người học chấp hành phân công công tác thì sẽ tiến hành xóa nợ, điều này sẽ đảm bảo được kinh phí đầu tư và đảm bảo công bằng.

Con số gần 60% học sinh cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm khiến Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga băn khoăn. Theo Thứ trưởng, nguyên nhân một phần do cơ chế vì tất cả các cán bộ công chức phải thi. Trong khi đó, sinh viên cử tuyển đầu vào yếu hơn so với các sinh viên khác, cho nên việc thi đỗ rất… mong manh. 

Gặp khó khăn trong kinh phí đào tạo

Một vấn đề nữa cũng khiến các Hiệu trưởng và đại diện các Sở GD-ĐT có học sinh hệ cử tuyển văn khoăn là kinh phí đào tạo dành cho hệ này quá thấp.

Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, Đại học Thái Nguyên, cho biết, với một sinh viên bình thường trường có hai nguồn thu là học phí do sinh viên đóng và ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, sinh viên cử tuyển không thuộc chỉ tiêu chính quy hàng năm nên không có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước mà chỉ có nguồn học phí.

Ông cho hay: “Các trường đều xác định đào tạo hệ cử tuyển là nhiệm vụ xã hội nên cố gắng thắt lưng buộc bụng, nhưng rất khó khăn”.

Chia sẻ khó khăn này từ các trường, đại diện tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Bộ có giải pháp để trường có thêm kinh phí cho hệ cử tuyển. Trong khi các trường đau đầu vì ít kinh phí thì các sinh viên học cử tuyển cũng rất khó khăn khi theo quy định hiện hành, các em chỉ được hỗ trợ khoản tiền bằng 130% lương tối thiểu.

Chia sẻ những khó khăn này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng mức kinh phí đào tạo và hỗ trợ sinh viên này không phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhiều sinh viên quá nghèo phải bỏ học giữa chừng còn các trường không có điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các ngành đòi hỏi sự đầu tư cơ sở vật chất lớn.

Theo đó, Thứ trưởng cho biết, trong việc sửa đổi nghị định sắp tới, Bộ sẽ lưu ý các kiến nghị về sửa đổi cơ chế tài chính cũng như các chế độ ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện chính sách này.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cử tuyển cho các địa phương khó khăn.

Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển lấy lại lòng tin của bà con dân tộc; hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và học sinh, sinh viên hệ cử tuyển trong các trường ĐH, CĐ, TC.

Bên cạnh đó, để tránh thiệt thòi cho các trường bị thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh khi sinh viên hệ cử tuyển tập trung đăng ký nhiều, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ sẽ nghiên cứu để tách chỉ tiêu hệ này ra khỏi tổng chỉ tiêu chung của trường.

Đồng thời Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển cho các vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người.

Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch đào tạo, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng; chuyển hướng tăng dần đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề.

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...