Sách là "linh vật"?!

12:25 | 15/07/2014

1,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phải chăng số đông đang xem sách như là một vật linh thiêng để thờ chứ không phải là thứ phục vụ cho tri thức con người?

Năng lượng Mới số 339

1. Showbiz Việt tuần qua không có gì đáng quan tâm ngoài chuyện trên mạng rò rỉ bức ảnh đạo diễn Lê Hoàng và hoa hậu Triệu Thị Hà “ngồi trên sách”. Đó chính là hình ảnh hậu trường của một talk show truyền hình. Lý do dùng sách làm đạo cụ kê ghế được phía nhà sản xuất giải thích một cách hết sức hồn nhiên rằng, do ghế thấp, không đúng tầm máy quay nên sẵn có mấy quyển sách, họ lấy kê!

Đạo diễn Lê Hoàng thì từ chối trách nhiệm bởi theo ông, chuyện đạo cụ thế nào là do bộ phận thiết kế còn ông chỉ là khách mời. Cô hoa hậu thì ngỏ lời xin lỗi nhưng ông đạo diễn này còn phản ứng lại công chúng rằng không thể lấy một hình ảnh hậu trường mà nâng lên thành vấn đề chính được. Ông nói, đây chỉ là hình ảnh chưa qua xử lý, không được tung ra một cách chính thống nên không đáng bị phán xét!

Rõ ràng đây là một quan điểm thể hiện sự cẩu thả và giả tạo, bởi theo ý ông thì khi chương trình phát sóng, những quyển sách ấy sẽ bị xóa đi nên cũng như không có chuyện gì! Phải chăng sự cẩu thả, giả tạo đó cũng là cách mà ông đã đưa vào các bộ phim gần đây của mình nên những bộ phim đó bị đánh giá là “nhạt”, “nhảm”?!

Sách là

Những cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách lần VIII 2014

Và dù có lý do gì thì hành động “ngồi lên sách” của Lê Hoàng là hành động thể hiện sự thiếu ý thức văn hóa. Trong khi ông cũng là người viết sách! Lê Hoàng hay xuất hiện trên những chuyên mục châm biếm của vài tờ báo, trong những talk show truyền hình để “rao giảng” về kiến thức, về lối sống, ứng xử; thậm chí ông còn “chửi” cả làng showbiz Việt… Song, hành động của ông đang chứng minh cho công chúng thấy một điều tồi tệ ngược lại là: Lê Hoàng cũng phản cảm không khác gì họ! Có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, ông hoàn toàn có thể từ chối ngồi vào chiếc ghế đó, nếu muốn, nhưng ông đã không làm thế vì nghĩ “đạo cụ là chuyện của bộ phận thiết kế, mình cứ tự nhiên ngồi”?!

Có người đặt ra tình huống hài hước rằng, đạo diễn Lê Hoàng sẽ thế nào nếu ông nhìn xuống và thấy mình đang ngồi trên đống sách có những tựa đề: “Thư của trứng gà gửi chứng khoán”, “Thư của bà vợ gửi cho bồ nhí”, “Xuất khẩu cười”, “Sao trong mắt Lê Hoàng”… (sách của đạo diễn Lê Hoàng). Hẳn đó là tình huống để đời đối với ông!

2. Trên diễn đàn, công chúng đều phẫn nộ, lên án gay gắt hành động của đạo diễn “Gái nhảy”. Đó cũng là điều hết sức dễ hiểu bởi sách là quý, là nguồn gốc của tri thức văn hóa nhân loại nên ai cũng dành sự trân trọng nhất định với sách. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rằng, sách không phải là vật linh thiêng để thờ cúng. Sách cũng chỉ để phục vụ cho tri thức con người. Và ngồi lên sách, đó chỉ là một hành động thể hiện sự thiếu ý thức văn hóa của Lê Hoàng, cũng là người viết sách và của các nhân vật vốn là người nổi tiếng, là “thần tượng” của công chúng.

Song, thật khó để nhân danh sách là quý để kết tội hành động ngồi lên sách là chà đạp lên tri thức của nhân loại, là vô đạo đức, là không trân trọng và yêu lấy sách. Đáng nói hơn là có nhiều ý kiến phản ứng như thể ngồi lên sách là một hành động mang tính xúc phạm đối với sách, họ gào lên như đòi “lấy sách đốt sống” hai kẻ vừa ngồi lên sách đó. Họ là những người trân trọng, yêu sách thật sự hay chỉ xem sách là “linh vật” của xã hội để mà thờ suông?!

Hẳn nhiều người chưa quên rằng hồi đầu năm nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố một con số thống kê gây “choáng váng” là “người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/năm”! Ấy là tính số sách được xuất bản so với 90 triệu dân. Với thống kê này thì ở các nước Âu - Mỹ như Pháp, trung bình người dân đọc khoảng 40 cuốn sách/năm. Gần hơn, ở Malaysia thì người ta thống kê được rằng, số lượng sách đọc trên đầu người là khoảng 10-20 cuốn/người/năm. Cũng chính vì thế mà khi nhắc đến văn hóa đọc của người Việt, nhà văn hóa nào cũng thấy “đau lòng”!

Nhưng mâu thuẫn ở chỗ là nhiều người tuy ít đọc sách nhưng lại nhân danh sách mà phẫn nộ trước hành động “ngồi lên sách” như là đang rất yêu quý sách; họ cũng hết lời ca tụng về sách như đó là một đồ thờ thật sự. Phải chăng, cũng vì tâm lý xem sách là “linh vật” mà sách trở thành thứ gì đó cao cả chỉ để ngắm nghía, ca tụng chứ không phải để đọc. Hoặc, nghĩ sách là của tầng lớp cao sang, quyền quý nào đó chứ không phải thuộc về bản thân mình! Nhiều nhà sách ế ẩm, những quyển sách hay, quý bị vắng khách cũng xuất phát từ những ý nghĩ đó?

Ông Chu Hảo, Nhà xuất bản Tri thức cho biết, ông và Nhà xuất bản Tri thức đã dịch và phát hành các đầu sách tinh hoa của nhân loại như: “Tâm lý học đám đông” (Gustave Le Bon), “Bàn về tự do” (John Stuart Mill)… nhằm giới thiệu và lan tỏa các giá trị, tư tưởng tiến bộ của nhân loại đến với người Việt. Thế nhưng, sách chỉ tiêu thụ chưa đầy 1.000 cuốn/90 triệu dân. Ông so sánh tại Nhật Bản thời cải cách Minh Trị - Thiên Hoàng (1866-1869), 30 triệu dân Nhật lại tiêu thụ tới hàng trăm ngàn cuốn sách tinh hoa đó! Ngược lại, hiện nay ở nước ta thì các loại sách tình cảm hời hợt, thậm chí kích dục lại có số lượng tiêu thụ hàng vạn cuốn mỗi năm. Giáo sư Chu Hảo kết luận: “Văn hóa đọc của người Việt hiện nay quá kém”.

Sách là

Công chúng phẫn nộ trước hành động ngồi lên sách của đạo diễn Lê Hoàng

3. Vậy chính xác thì người Việt đang đọc cái gì?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể liên hệ đến kết quả thống kê những đầu sách bán chạy nhất trong Hội sách lần thứ VIII-2014 diễn ra tại TP HCM vừa kết thúc cách đây không lâu; ở đó sẽ có một phần câu trả lời! Cụ thể, dẫn đầu danh sách là cuốn “Buồn làm sao buông” của tác giả trẻ Anh Khang và 4/10 tựa đề trong danh mục sách bán chạy nhất là tản văn của những tác giả mới toanh như vậy. Trong đó có: “Thương nhau để đó” của Hamlet Trương, “Người yêu cũ có người yêu mới” của Iris Cao...

Về chất lượng, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ví những cuốn sách này như một kiểu “nhạc chợ”, “mì ăn liền” trong đời sống xuất bản. Văn phong đơn nghĩa nhẹ nhàng, cảm tính, ướt át và thi thoảng “pha chế” thêm chút triết lý vặt vãnh sáo rỗng. Thật ra cũng không khó lý giải vì sao những sách này lại hút khách như vậy khi nhìn vào đối tượng người đến Hội sách, hầu hết là những người trẻ dưới 30 tuổi. Và cũng thật khó để trách thị hiếu của người đọc bởi bản thân thị trường sách hiện nay đang có quá ít những tác phẩm có thể gợi niềm đam mê với họ.

Có một thực tế phải nhìn nhận rằng, thị trường sách hiện nay bị nhiễu từ thể loại văn học ngôn tình, kiếm hiệp… có xuất xứ từ Trung Quốc. Cũng như sách “rác”, sách phản cảm, phản văn hóa đang tràn ngập trong thị trường sách và đó lại là những loại sách đang hút khách hơn! Dẫu biết không một nền văn học nào là toàn những tác phẩm hàn lâm nhưng khi sách ngôn tình, sách giải trí, thậm chí sách “nhảm” là những sách bán chạy nhất thì rõ ràng văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề.

Câu chuyện “thờ” sách hay “ngồi lên sách” thật đáng bàn. Thật ra với một quyển sách thì tùy vào quan niệm, phông văn hóa, trình độ của từng người mà từ đó hình thành cách ứng xử với sách khác nhau. Nhưng “thờ” sách chưa hẳn là yêu sách, quý sách theo hướng tích cực; cũng vậy, “ngồi lên sách” cũng chưa thể nói lên được người đó không trân trọng sách. Ở phương Tây nhiều người lấy sách làm đạo cụ chụp hình, họ ngồi lên sách cũng không ai phản đối gì, càng không ai nói họ là không yêu lấy sách cả.

Với sách “sạch”, sách hay, sự trân trọng, yêu quý hay nói chung là hành vi đúng đắn nhất thể hiện rất đơn giản ở chỗ là người ta mang nó về và đọc bằng cả niềm say mê của mình! Yêu sách không phải là gào lên chỉ trích, phẫn nộ với những hành động “không phải” với sách, trong khi đó sách ở nhà thì chỉ toàn là sách “rác” và sách hay thì chỉ nằm trên “bàn thờ” giá sách!

Trúc Vân