Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Kiev ra lệnh bắt Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Crimea

13:40 | 06/03/2014

2,782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 6/3 (theo giờ địa phương), 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp kín để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây là cuộc tham vấn thứ tư của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề này kể từ hôm 28/2.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết, một tòa án ở thủ đô Kiev vừa ra lệnh bắt đối với Thủ tướng Sergei Aksyonov và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea. Quyền Tổng công tố Oleh Makhnytsky cho biết, hai quan chức kể trên và một số chính trị gia khác ở Crimea đã bị cáo buộc phạm tội hình sự.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexandr Turchynov đã ký sắc lệnh bác bỏ tư cách của Thủ tướng Sergei Aksyonov sau khi ông được Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea bổ nhiệm hôm 27/2. Việc này diễn ra sau khi ông Sergei Aksyonov tuyên bố, chính quyền Crimea sẽ thành lập Bộ Quốc phòng riêng; các lực lượng an ninh địa phương bao gồm cảnh sát và quân đội trước đây phục tùng mệnh lệnh từ Kiev sẽ được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Crimea.

Ngày 5/3, Chủ tịch Thượng viện Crimea, ông Volodymyr Konstantynov cho biết, nước Cộng hòa tự trị này đang thành lập một văn phòng công tố riêng, một Bộ Nội vụ và cơ quan an ninh riêng.

Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko phát biểu tại quảng trường Độc lập hôm 22/2

Kể từ khi được phóng thích (22/2), ngày 5/3, cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko đã đưa ra tuyên bố khiến dư luận quan tâm khi hối thúc phương Tây gia tăng sức ép đối với Nga để buộc Moskva phải rút quân khỏi Crimea. Theo bà Yulia Tymoshenko, Anh-Mỹ phải can dự trực tiếp với Nga và sử dụng “các công cụ mạnh nhất” để khiến binh sỹ Nga rời khỏi bán đảo Crimea, nơi họ đã chiếm đóng trong gần một tuần sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Cựu Thủ tướng Ukraine cho rằng, với tư cách là những nước tham gia hiệp ước năm 1994 quy định về đảm bảo an ninh của Ukraine, Mỹ và Anh phải trực tiếp can dự với Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry (phải) tại Paris

Để đối phó với những động thái của Mỹ và phương Tây, Moskva đang soạn luật tịch thu tài sản các công ty Mỹ và châu Âu tại Nga. Ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban Luật Hiến pháp của Hội đồng liên bang Nga (Thượng viện) Andrei Klishas cho biết, ủy ban này đang soạn thảo luật cho phép tịch thu và phong tỏa tài sản cũng như tài khoản của các công ty Mỹ và châu Âu tại Nga.

Cũng trong ngày 5/3, phát biểu tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Moskva không cho phép tắm máu diễn ra ở Ukraine. Đồng thời cho rằng, việc Ukraine cho phép Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ukraine để đổi lấy viện trợ tài chính chỉ làm xấu thêm quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức đã điện đàm về tình hình Ukraine và nhất trí yêu cầu Nga rút quân ở Crimea về các căn cứ, hạn chế số quân trong căn cứ hải quân ở Sevastopol (Crimea) còn 11.000 quân và cho phép các giám sát viên quốc tế đến Crimea. Trước đó, Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức cũng điện đàm về vấn đề này. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã chỉ thị ngừng mọi cuộc tập trận với Nga cũng như các hoạt động song phương giữa quân đội hai nước.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet

Ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso thông báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ ít nhất 11 tỉ USD trong 2 năm tới. Số tiền này sẽ được huy động từ ngân sách của EU và các tổ chức tài chính thuộc EU. Cao ủy Năng lượng EU Guenther Oettinger thông báo, EU sẽ giúp Ukraine trả 2 tỉ USD tiền nợ mua khí đốt của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga. Cũng trong ngày 5/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép một tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Bosphorus trong vòng 2 ngày tới, đúng thời điểm căng thẳng tại Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine tiếp tục chia rẽ Moskva và Washington. Cùng ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, những hình ảnh và video cho rằng binh sĩ và đoàn xe quân sự Nga đã có mặt ở Crimea là hành động khiêu khích và vô nghĩa. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cảnh báo, nếu phương Tây đe dọa trừng phạt Moskva có thể phản tác dụng đối với cả hai phía.

Ông Sergei Aksyonov

Mặc dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các đối tác Anh, Đức và Pháp, nhưng cuộc họp tại Paris hôm 5/3 đã không đạt được kết quả mong muốn. Bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov từ chối gặp người đồng cấp Ukraine ở Paris. Các bên chỉ dừng lại ở tuyên bố: sẽ tiếp tục hội đàm để tìm giải pháp cho tình hình Ukraine. Trong khi đó các cuộc đụng độ hôm 5/3 lại diễn ra tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, giữa phe thân Nga và phe thân phương Tây, làm ít nhất 10 người bị thương.

Dư luận đang quan tâm tới đoạn băng ghi âm bị rò rỉ trên mạng YouTube hôm 5/3, khi Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet nói với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton về những cáo buộc cho rằng, các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine có thể đã can dự vào cuộc đổ máu ở Kiev hôm 20 và 21/2 khiến hàng chục người và khoảng 15 cảnh sát thiệt mạng. Theo đó, ông Urmat Paet được thông báo về sự xuất hiện của các tay súng bắn tỉa và họ đã hạ sát hàng chục người, bao gồm cảnh sát và người biểu tình.

Nga vừa tố cáo NATO áp dụng lối quy chụp thời Chiến tranh Lạnh khi Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, liên minh quân sự này sẽ tăng cường hợp tác với Ukraine, nhưng sẽ xem xét lại toàn bộ phạm vi hợp tác với Nga. Việc này diễn ra đúng thời điểm Liên hợp quốc lên tiếng phản đối phái viên của tổ chức này được phái tới Crimea bị các tay súng không rõ danh tính đe dọa. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson cho biết, phái viên Robert Serry đã bị các tay súng nói trên đi theo với lời cảnh báo "ông nên rời Crimea". Theo hãng RIA Novosti, Quốc hội Ukraine sẽ xem xét dự án luật tái khởi động việc gia nhập NATO trong ngày 6/3.

Anh-Trang-Cường