Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Hội nghị 4 bên tại Geneva sẽ "chết yểu"?

14:58 | 16/04/2014

1,424 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16/4, tờ Bưu điện sông Rhein dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Moskva và Kiev tận dụng hội nghị 4 bên tại Geneva (Thụy Sỹ) để tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Frank-Walter Steinmeier cảnh báo nguy cơ đổ máu ở miền Đông Ukraine, nếu các bên hữu quan không kiềm chế.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier.

Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, Nga đã cố tình đẩy Ukraine "đến bờ vực". Trong khi đó, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Ukraine đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến. Được biết, hơn 150 người thuộc phe cực hữu (được cho là thành viên của nhóm Cánh Hữu và Nastup) bao vây tòa nhà Quốc hội Ukraine, yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ từ chức vì đã không mạnh tay trấn áp người biểu tình ở miền Đông nước này, nhưng đã bị các thành viên lực lượng tự vệ "Maidan" đẩy lui.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là cải cách hiến pháp thực sự nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các khu vực. Hãng RIA Novosti đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga đã đình chỉ việc chuyển giao vũ khí từ Crimea cho Ukraine. Và coi đây là nỗ lực để ngăn Kiev sử dụng số vũ khí này chống lại người biểu tình tại khu vực Đông-Nam.

Ngày 15-4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Washington đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi cho rằng Moskva vẫn tiếp tục can thiệp vào Ukraine. Nhưng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không được công bố trước cuộc gặp 4 bên tại Geneva (Thụy Sỹ) hôm 17-4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng thông báo, Mỹ đang phối hợp với đồng minh châu Âu về “những bước đi bổ sung” để áp đặt thêm trừng phạt đối với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cũng trong ngày 15-4, thủ lĩnh Đảng Đất mẹ, cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko đã thành lập cái gọi là "Phong trào kháng Nga". Và "Phong trào kháng Nga" (sẽ thành lập các lữ đoàn khu vực đầu tiên tại tỉnh Kharkov, Zaporozhye và Dnepropetrovsk) sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ trong các hoạt động của mình.

Ngày 15-4, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng, Nga dính líu sâu đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, nhưng NATO không thảo luận về bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào quốc gia không thuộc NATO.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/4, Tập đoàn năng lượng RWE của Đức tuyên bố, sẽ nối lại cung cấp khí đốt cho Ukraine. Kiev không đạt được thỏa thuận về việc đưa ngược trở lại nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Slovakia đến Ukraine bởi 2 bên chưa thống nhất được quan điểm về những khía cạnh kỹ thuật của vấn đề này.

Trong khi đó, Công ty năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz khẳng định (15/4), sẵn sàng thanh toán đầy đủ số tiền nợ khí đốt nhập khẩu từ Nga với mức giá 268,5 USD/1.000 m3, thấp hơn nhiều so với mức 485 USD mà Nga đưa ra.

B.N