Al-Qaeda và nguy cơ khủng bố xuyên quốc gia

19:00 | 31/10/2013

1,162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhóm chân rết của Al-Qaeda trên thế giới chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở, lợi ích của phương Tây ở bất cứ đâu mà chúng có thể.

Tổ chức khủng bố al-Qaeda-mối đe dọa lớn của Mỹ (Ảnh: AP)

Cuộc tấn công vào trung tâm thương mại Westgate ở Kenya cách đây ít ngày là một phần trong chiến lược toàn cầu của các nhóm cực đoan có vũ trang. Để đối phó với các tổ chức cực đoan này, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần sớm đề ra một loạt các biện pháp mới kiên quyết hơn và hiệu quả hơn, nếu muốn tránh những trường hợp tương tự.

Đã có ít nhất 72 người thiệt mạng, gần 240 người bị thương và 63 người còn mất tích khi một nhóm vũ trang Hồi giáo tấn công vào khu trung tâm thương mại cao cấp Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya hôm 21/9 vừa rồi. Theo các nhân chứng, những kẻ tấn công nói tiếng địa phương Swahili - ngôn ngữ của người dân tại một số nước châu Phi như Kenya, Congo, Burundi, Rwanda - và tuyên bố chúng chỉ cho phép những người Hồi giáo được ra khỏi trung tâm thương mại này, còn những người khác sẽ phải “đón lấy cái chết”.

Trong vụ này có cả công dân Pháp, Canada,  Mỹ, Anh, Australia và New Zealand  nằm trong danh sách  nạn nhân.

Nhóm “Al-Shabab” (Thanh niên), một nhóm Hồi giáo khủng bố có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, có trụ sở tại Somalia, đã lên tiếng trên trang Twitter nhận trách nhiệm về vụ tấn công kinh hoàng này. Trong tuyên bố trên, nhóm Al-Shabab cho biết: “Những “Mujahideen” (chiến binh tử vì đạo) đã đột nhập vào trung tâm thương mại Westgate và chiếm giữ trung tâm này, nhằm chiến đấu với những kẻ “Kurffar” (chống lại đạo Hồi) tại Kenya. Sau đó, trong một phát biểu khác được nhóm này đưa ra, kiên quyết phản đối việc thương lượng, khi nói: “Từ lâu chúng tôi đã tổ chức các chiến dịch chống người Kenya ở trên đất nước của chúng tôi (Somalia), và giờ là thời điểm để chuyển mặt trận sang đất nước của chính họ”.

Tuyên bố trên của nhóm Al-Shabab đã giải thích nguyên nhân của cuộc tấn công vào trung tâm thương mại Westgate, đó là nhằm trả đũa cho các chiến dịch quân sự mà quân đội Kenya đã thực hiện để truy quét các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Somalia. Kenya hiện có khoảng 4000 lính đang đóng tại miền Nam Somalia đã  bắt đầu các chiến dịch can thiệp vào quốc gia láng giềng này từ năm 2011, sau khi xảy ra các cuộc tấn công và bắt cóc tại miền Bắc Kenya, gần biên giới với Somalia. Sau đó, Kenya đã gia nhập lực lượng bao gồm 17.000 lính của Liên minh châu Phi (AU) nhằm thực hiện nhiệm vụ được Liên hợp quốc ủy thác – giúp bảo vệ chính quyền yếu kém của Somalia. Chính nhiệm vụ này đã đưa AU và Al-Shabab vào thế đối đầu.

Vài nét chính về Al-Shabab

Mối đe dọa về các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Shabab bắt đầu nổi lên vào những năm 1980 và 1990 và nhanh chóng trở thành một mối nguy cơ thực sự. Theo các con số thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến năm 2005, có tới 94% các vụ tấn công khủng bố, và 87% số thương vong từ các vụ tấn công khủng bố này là do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra.

Nhìn chung, các nhóm khủng bố có quan hệ với mạng lưới của Al-Qaeda như nhóm Al-Shabab thường gây ra các vụ tấn công thương vong lớn. Một trong những thí dụ điển hình là các vụ tấn công vào sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998, vụ tấn công tại Moskva năm 1999 và đặc biệt là sự kiện ngày 11/9 ở Mỹ.

Al-Shabab là một nhánh của Liên minh các Tòa án Hồi giáo, một tổ chức Hồi giáo từng nắm quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu của Somalia hồi năm 2006. Al-Shabab có khoảng từ 7000-9000 chiến binh, chủ yếu được tuyển dụng từ các địa phương ở Somalia. Tuy nhiên, cũng có một số chiến binh đến từ phương Tây gia nhập nhóm này, và cũng tỏ ra rất hiếu chiến. Al-Shabab hiện đang nắm quyền kiểm soát khoảng một nửa diện tích khu vực Bắc-Trung Somalia. Trong thời gian gần đây, Al-Shabab đã chứng tỏ khả năng gây ra các cuộc tấn công ở bên ngoài biên giới Somalia. Tháng 7/2010, nhóm này đã tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc đánh bom nhằm vào các nhóm cổ động viên bóng đá tại thủ đô Kampala của Uganda, làm 70 người thiệt mạng. Al-Shabab tuyên bố rằng cuộc tấn công đẫm máu này nhằm trả đũa việc Chính phủ Uganda đã tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình của AU tại Somalia.

Ngoài Al-Qaeda, Al-Shabab còn có liên hệ với nhóm khủng bố Boko Haram tại Nigieria. Boko Haram đã gây ra cái chết của khoảng 10.000 người kể từ khi thành lập năm 2002. Tháng 8/2011, Tướng Carter Ham, Tổng tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Phi đã cáo buộc Boko Haram là nhóm đã tài trợ cho Al-Qaeda và Al-Shabab. Ông Carter cũng cho biết thêm rằng 2 nhóm nói trên đã tham gia các đợt tập luyện và trao đổi, chia sẻ chiến binh với Boko Haram, và đây là điều hết sức nguy hiểm đối với không chỉ các nước châu Phi, mà còn là mối đe dọa với cả nước Mỹ. Hai nhóm Al-Shabab và Boko Haram có chung hệ tư tưởng Salafi, một hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan, với tôn chỉ gắn liền với đoạn kinh Koran: “Bất cứ ai không chịu sự quản lí và nghe theo lời dạy của Thánh Allah đều là kẻ có tội”. Các thành viên của hai nhóm này cho rằng cần phải chiến đấu chống lại những “kẻ thù của Hồi giáo”, cả ở trong và ngoài nước, nghĩa là cả ở những nơi chúng đang sống lẫn ở bên ngoài. Họ coi sự sụp đổ của các chính phủ thế tục là hoàn toàn công bằng, và “đúng ý Thánh Allah”, bởi các nhà lãnh đạo thế tục luôn bị các nhóm này coi là “thân thiết” với các kẻ thù của Hồi giáo.

Al-Shabab cũng có quan hệ và sức mạnh ngang ngửa với nhóm Hồi giáo “Jama'at Ansar al-Muslimin fi Bilad al-Sudan” (Nhóm những người ủng hộ Hồi giáo tại vùng đất Sudan) tại miền Bắc Nigieria, với mục tiêu hàng đầu là “lấy lại danh dự của những người Hồi giáo” và các biện pháp được chúng áp dụng nhằm đạt được mục tiêu này là: Sẵn sàng tử vì đạo. Năm 2012, nhóm này đã gây ra vụ bắt cóc và giết chết 7 người nước ngoài. Trong thông cáo chính thức được đưa ra, nhóm nói trên cho biết các vụ bắt cóc và tấn công khủng bố do chúng thực hiện là nhằm trả đũa lại các cuộc tấn công vào người Hồi giáo được các nước châu Âu thực hiện tại Afghanistan và Mali.

Chiến dịch tử vì đạo trên khắp thế giới của Al-Qaeda

Cần phải thấy rằng cuộc tấn công vừa rồi của Al-Shabab vào trung tâm thương mại Westgate ở Kenya là một phần trong chiến dịch tử vì đạo trên phạm vi toàn cầu của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Tổ chức này do những nhân vật khét tiếng, như Osama Bin Laden, Ayman Al-Zawahiri (hiện đã trở thành lãnh đạo cao nhất của tổ chức này sau khi Bin Laden bị tiêu diệt – TTXVN), Abdullah Azzam… cùng nhiều giáo sĩ Hồi giáo có uy tín và thế lực khác tại nhiều quốc gia khác nhau, sáng lập và chỉ huy. Tổ chức này hiện vẫn đang thực hiện các chiến dịch tấn công khủng bố trên khắp thế giới, cho dù Osama Bin Laden không còn nữa.

Tôn chỉ hoạt động của Al-Qaeda là kết hợp giữa ý thức hệ, tôn giáo và chính trị, nhằm tạo dựng một thế giới Hồi giáo thống nhất dưới sự lãnh đạo của phe Hồi giáo Sunni. Al-Qaeda chống lại các tư tưởng thế tục và các nhà nước thế tục trong thế giới Hồi giáo, đồng thời muốn giải phóng tất cả các vùng đất của người Hồi giáo đang bị chiếm đóng. Cách thức hoạt động là thực hiện các cuộc thánh chiến nhằm tăng cường tính đoàn kết giữa người Hồi giáo, và đưa họ đến với các cuộc “xung đột giữa các nền văn minh” nhằm tránh cho thế giới Hồi giáo không phải chịu ảnh hưởng cả về văn hóa và chính trị từ bên ngoài cũng như từ các tôn giáo khác.

Để xây dựng một hệ tư tưởng có tính gắn kết cao giúp kết nối tất cả các nhóm khủng bố Hồi giáo, các thủ lĩnh của Al-Qaeda đã kêu gọi tấn công vào các chính quyền mà họ coi là “mục nát” tại tất cả những nơi có người Hồi giáo sinh sống, nghĩa là tại tất cả “các phần lãnh thổ” của người Hồi giáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả người Hồi giáo về việc tấn công vào các kẻ thù trên phạm vi toàn cầu (chủ yếu là Mỹ và phương Tây). Kết quả là, một tư tưởng “trộn lẫn” giữa chiến đấu chống các loại “kẻ thù của đạo Hồi” ở bên trong thế giới Hồi giáo và trên toàn cầu đã được ra đời, và biện pháp bao trùm tất cả mọi hoạt động của tổ chức này đã được thông qua, đó là “tử vì đạo”. Chính tư tưởng tập hợp, liên kết giữa các nhóm khủng bố đã giúp Al-Qaeda tạo dựng được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng cộng đồng người Hồi giáo, qua đó tạo ra uy tín và sức mạnh cho tổ chức này.

Hiện nay Al-Qaeda có rất nhiều tổ chức chân rết mang tính khu vực như tại bán đảo Arập có tổ chức AQAP, ở Iraq có AQI hay vùng Bắc Phi có tổ chức AQIM, giúp cho Al-Qaeda củng cố thêm vị thế lãnh đạo của mình đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Bên cạnh các mục tiêu ở trong phạm vi được giao phụ trách, các nhóm chân rết này còn phải chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở, lợi ích của phương Tây ở bất cứ đâu mà chúng có thể. Ngoài ra, khi muốn trở thành một tổ chức vệ tinh của Al-Qaeda, thủ lĩnh các nhóm khủng bố như Al-Shabab còn phải đồng ý tuân thủ các thông điệp mà Al-Qaeda đưa ra, thống nhất và có quan hệ gắn kết với các nhóm khác và quan trọng hơn cả là chịu sự quản lí vô điều kiện của giới chỉ huy Al-Qaeda. Đó là lí do vì sao các nhóm chân rết của Al-Qaeda đều đã thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu của phương Tây trong khu vực mà mình kiểm soát. Các vụ tấn công liên tiếp tại Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 do nhóm Hồi giáo Lashkar-e-Taiba, một nhóm Hồi giáo cực đoan tại Pakistan thực hiện là một thí dụ cho “quy định” này của Al-Qaeda.

Vậy trên thực tế, sự kiểm soát của Al-Qaeda đối với các nhóm chân rết nằm khắp nơi trên thế giới của mình như Al-Shabab được thực hiện như thế nào? Trước hết, cần phải thừa nhận rằng Al-Qaeda không phải là một tổ chức chặt chẽ và có sự kiểm soát gắt gao đối với tất cả các nhánh của mình. Thay vào đó, tổ chức này thực hiện việc phát triển mạng lưới một cách không phải lúc nào cũng rõ ràng về các cấp bậc chỉ huy. Al-Qaeda đưa ra các chỉ đạo về mặt chiến lược nhiều hơn là những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất kì cuộc tấn công khủng bố nào, các nhóm chân rết đều phải có được sự chấp thuận từ các nhà chỉ huy cao nhất của Al-Qaeda. Mục đích của việc này là nhằm đảm bảo mọi cuộc tấn công, như vụ Westgate vừa rồi được thực hiện bởi Al-Shabab, sẽ mang lại lợi ích, chứ không làm phương hại đến các chiến lược chung, mang tính bao trùm của Al-Qaeda.

Rõ ràng là các hoạt động tấn công khủng bố đang diễn ra ngày càng dày đặc của Al-Shabab không nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi như Boko Haram, Ansaru và các nhóm chân rết khác của Al-Qaeda ở Bắc Phi cũng như ở các khu vực khác trên toàn thế giới. Cần phải nhớ lại rằng vào năm 2012, các quan chức quân đội Mỹ đã cảnh báo về việc các nhóm khủng bố đang liên kết lại với nhau để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố mới. Có thể thấy các chiến dịch quân sự nhằm triệt phá các nhóm khủng bố Hồi giáo trong những năm gần đây, như chiến dịch của quân đội Nigieria truy quét nhóm Boko Haram, hay chiến dịch quân sự của Pháp mới thực hiện với mục đích tấn công vào các nhóm chân rết của Al-Qaeda tại Mali, hay chiến dịch của AU tại Somalia nhằm vào Al-Shabab v.v..., đều đang… phản tác dụng.

Xu thế toàn cầu hóa mà tất cả các quốc gia đang tiến hành lại chính là môi trường lí tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển. Cuộc tấn công vào trung tâm thương mại Westgate mới đây tại Kenya đã cho thấy ranh giới giữa khủng bố trong phạm vi một đất nước và khủng bố xuyên quốc gia đang ngày càng lu mờ. Do đó, chiến dịch chống khủng bố toàn cầu đang đòi hỏi sự đoàn kết giữa các nước để chống lại các nguy cơ khủng bố ở từng quốc gia, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần áp dụng đồng thời các biện pháp ngoại giao, kinh tế và giải giáp các nhóm vũ trang, như thế sẽ hiệu quả hơn, bởi vì kinh nghiệm và thực tế đã cho thấy việc tuyên bố một cuộc chiến quân sự chống lại khủng bố với các biện pháp mạnh sẽ chỉ mang lại những kết quả hạn chế, đấy là chưa kể nó sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc của vấn đề.

                                       V.N.A ( Tổng hợp)