Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc về “chia sẻ” Trường Sa

08:55 | 03/05/2015

1,746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như tin chúng tôi đã đưa, Trung Quốc mới đây nói rằng nước này sẵn sàng để Mỹ và các nước khác sử dụng những cơ sở dân sự mà Bắc Kinh đang kiểm soát và xây dựng (trái phép) ở Biển Đông. Tuy nhiên, ngày 1/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bác bỏ đề nghị mang tính chất “bịt miệng” này.

>> Trung Quốc sẵn sàng cho Mỹ sử dụng “cơ sở dân sự” ở Trường Sa

Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc về “chia sẻ” Trường Sa

Jeff Rathke, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 1/5 lên tiếng bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc “chia sẻ” Trường Sa

Tại cuộc họp báo ngày 1/5/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Jeff Rathke, nói rằng Mỹ không quan tâm đến đề nghị của phía Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nếu muốn giảm bớt căng thẳng tại khu vực, Trung Quốc cần chủ động dừng các hoạt động tôn tạo và tôn trọng luật pháp quốc tế mà đặc biệt là Công ước Luật biển.

Ông Rathke nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở trên phần đất được bồi đắp trên các đảo đang tranh chấp sẽ không góp phần vào hòa bình và ổn định trong vùng, cho dù có đúng là các cơ sở đó được sử dụng vào các mục đích dân sự, cứu trợ thiên tai.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy là lập trường của Washington vẫn không thay đổi trên vấn đề Trung Quốc gia tăng cải tạo, bồi đắp các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục đưa ra những tố cáo về việc Trung Quốc bồi đắp, lấn biển ở những vùng tranh chấp trên Biển Đông. Ngày 28/4, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cực lực chỉ trích những mưu toan của Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear gần đây cũng đã cho rằng Trung Quốc gia tăng bồi đắp các đảo tranh chấp ở Biển Đông có thể là nhằm mục tiêu thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở khu vực này, tương tự như vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh thiết lập ở vùng biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.

Và để ngăn chặn âm mưu này, ngày 29/4, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho hay họ đang xem xét khả năng sẽ cùng Mỹ tuần tra Biển Đông.

Trước Mỹ, ngày 27/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng chính sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây đối với các hành động gây căng thẳng thêm tình hình tại Biển Đông đã khiến Trung Quốc muốn “bịt miệng” Mỹ bằng cách cho họ cùng chia sẻ vùng biển này. Tuy nhiên, kế sách này của Bắc Kinh đã không “dụ” được Mỹ.

Trước đây, nhiều chuyên gia từng nhận định, các nỗ lực thay đổi nguyên trạng Biển Ðông của Trung Quốc nhằm đặt cộng đồng quốc tế trước một chuyện đã rồi. Lời mời cộng đồng quốc tế sử dụng “các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa” khi có nhu cầu tìm kiếm, cứu nạn là minh họa rõ nhất và mới nhất cho nhận định đó.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới